Có mặt ở Công viên Khoa học và Công nghệ TP HCM tại ngoại ô thành phố một trưa đầu tháng 4, phóng viên của Deutsche Welle (DW), một trong những đài truyền hình lớn của Đức, ghi nhận nhân viên doanh nghiệp Mimosatek đang nghiên cứu công nghệ giúp nông dân cung cấp nước tưới cho mùa màng.
Động lực của tuổi trẻ
“Với hàng triệu nông dân, nông nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của Việt Nam. Bài toán thường trực là làm sao xác định được lượng nước tưới. Do đó, chúng tôi thiết kế một công cụ có thể đo lường và tưới tự động” - cô Lê Lan Anh, Giám đốc điều hành Mimosatek, nói với đài DW.
Mimosatek không phải là trường hợp cá biệt ở TP HCM, đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Trong vài năm gần đây, hàng ngàn doanh nhân trẻ tìm đến mảnh đất năng động này để lập nghiệp, trong đó tập trung nhiều vào mảng công nghệ như tạo ứng dụng, trò chơi trên điện thoại, thương mại điện tử... Khuynh hướng này nhanh chóng nhận được sự khuyến khích của chính phủ, với sự ra đời của dự án có tên “Thung lũng Silicon Việt Nam”.
Ông Bobby Liu, một giám đốc chương trình người nước ngoài của Tập đoàn Topica Edtech chuyên về giáo dục trực tuyến, lý giải vì sao TP HCM lại đầy tiềm năng trở thành trung tâm khởi nghiệp. “50% dân số thành phố dưới 35 tuổi và nhiều người trong số họ từng theo học ở nước ngoài” - ông Liu nói với đài DW và nhận xét thêm Việt Nam cũng là trung tâm gia công cho các công ty công nghệ quốc tế - “Thêm vào đó là lợi thế về tư duy cầu tiến và chi phí sinh hoạt vừa phải”.
Chính phủ Việt Nam mong muốn người dân khởi nghiệp nhiều hơn. Năm ngoái, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tuyên bố Việt Nam nên có khoảng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, tăng gấp đôi so với con số 500.000 hiện tại.
Cơ hội tràn đầy
Dĩ nhiên, thành công không phải chuyện dễ dàng. Theo DW, ước tính 90% các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới sụp đổ do thiếu vốn. Dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là tràn đầy tiềm năng, nhờ tăng trưởng kinh tế tốt - theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm nay; thị trường nội địa hơn 95 triệu dân; trình độ giáo dục tăng...
Thành công được biết đến nhiều phải nói tới cái tên Ticketbox, nền tảng trực tuyến do Trần Tuấn Anh, 33 tuổi, phát triển vào năm 2013. Chỉ trong vòng 9 tháng đầu tiên sau khi ra mắt, nền tảng giúp mua vé xem ca nhạc, thể thao... một cách dễ dàng này tăng trưởng gấp 24 lần. Gần đây công ty của Tuấn Anh mở rộng sang Singapore và Thái Lan, điều mà ông chủ trẻ thừa nhận là “chưa bao giờ hy vọng tới”. Thổ lộ với DW, Tuấn Anh cho hay: “Có rất nhiều cơ hội ở đây. Nếu ai đó ra giá tốt, có khi tôi sẽ bán công ty để khởi động dự án mới”. Tuy nhiên, anh cũng không giấu khả năng mở rộng công ty sang nhiều nước khác như Malaysia, Indonesia hay Myanmar.
Ticketbox không là công ty duy nhất phát triển mạnh. Big Cat Entertainment, công ty giải trí chuyên sản xuất video trực tuyến, gần đây được Tập đoàn Asia Innovations mua lại. Trong khi đó, doanh nhân trẻ Trương Thanh Thủy bán ứng dụng Tappy của cô cho Công ty Weeby.co ở thung lũng Silicon (Mỹ). Một nhà phát triển tên tuổi khác là Nguyễn Hải Đông thu về 50.000 USD/ngày nhờ trò chơi Flappy Bird trên điện thoại.
Quay lại với Mimosatek, công ty khởi nghiệp vào tháng 6-2015. Với công cụ mới có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh được đề cập ở trên, cô Lan Anh cho hay nông dân tiết kiệm được 30% lượng nước, 30% lượng điện và tăng 25% sản lượng. Mimosatek hiện có 35 khách hàng và hy vọng đến cuối năm nay sẽ có 200 nông dân dùng sản phẩm của họ. “Luôn có nguy cơ thất bại cao khi khởi nghiệp. Nhưng miễn là chúng tôi xây dựng được một nhóm tận tâm, đam mê và tài năng, chúng tôi luôn có thể bắt đầu lại” - cô Lan Anh nhấn mạnh.