Bà Susann Roth, chuyên gia cấp cao về phát triển xã hội của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khẳng định Việt Nam đang nắm giữ cơ hội số hóa hệ thống y tế.
Cơ hội lớn
Nhiều quốc gia đã nhận ra cần phải số hóa để có thể chăm lo sức khỏe tất cả người dân cũng như kết nối các lĩnh vực khác nhau trong hệ thống y tế. Chìa khóa ở đây là tính tương thích - tức là các hệ thống công nghệ thông tin (IT) và phần mềm có khả năng liên lạc, trao đổi thông tin và ứng dụng thông tin của nhau.
Trong bài viết trên trang Health Investors Asia gần đây, bà Roth lý giải lợi thế của Việt Nam: Hơn 90% dân số có điện thoại di động và hơn phân nửa dân số tiếp cận internet. Là một trong những quốc gia đang phát triển có tỉ lệ ứng dụng IT cao nhất thế giới nhưng chi phí lại vào hàng thấp nhất, Việt Nam không chỉ đang tiến nhanh trên con đường trở thành nền kinh tế số mà còn có tiềm năng cực lớn trong số hóa ngành y tế.
Để minh họa cho lợi ích của một hệ thống chung tương thích, khi tham gia một buổi hội thảo gần đây của Bộ Y tế, chuyên gia Roth dẫn ra trường hợp một em bé bị sởi. Theo bà, tại Việt Nam hiện nay, các chương trình tiêm chủng quốc gia, hệ thống điện tử về thông tin bệnh lây nhiễm (eCDS) và hệ thống thông tin y tế chưa được kết nối. Điều này gây khó khăn cho việc tổng hợp dữ liệu, làm mất đi “bức tranh toàn cảnh” về bệnh nhân - vốn là yếu tố sống còn giúp y bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh sởi cho cháu bé. Sau khi mất nhiều thời gian và công sức rà soát, người ta mới phát hiện cháu bé chưa tiêm mũi vắc-xin sởi thứ hai do cha mẹ chuyển chỗ ở.
Thông qua câu chuyện, bà Roth chỉ ra sức mạnh của việc số hóa ngành y tế - thứ nhất là giúp trao đổi dữ liệu để theo dõi bệnh dịch tốt hơn; thứ hai là giúp chia sẻ thông tin sức khỏe nhanh và dễ dàng hơn; thứ ba là giảm đáng kể những khó khăn trong việc thu thập thông tin y tế.
Thực tế phức tạp
Sớm nhận ra lợi thế của việc ứng dụng IT vào ngành y tế, hồi tháng 2 vừa qua, Việt Nam công bố kế hoạch chi 5.000 tỉ đồng để thiết lập hệ thống số toàn quốc về dữ liệu y khoa. Theo kế hoạch này, các sổ khám bệnh, đơn thuốc... của bệnh nhân sẽ dần được tích hợp vào hệ thống điện tử do BHXH Việt Nam quản lý. Các bệnh viện, cơ sở y tế... có thể truy cập vào đây để biết thông tin sức khỏe của người dân cả nước, từ đó tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Trong bối cảnh Việt Nam còn phải vật lộn với nhiều loại bệnh lây và không lây, ung thư..., số hóa dữ liệu y tế của người dân sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán sớm bệnh và dễ theo dõi triệu chứng hơn. Lợi ích là không cần tranh cãi song trên thực tế, xây dựng được một hệ thống khổng lồ như trên cực kỳ phức tạp. Nói một cách chung nhất, thành công của dự án tùy thuộc vào sự phối hợp của các cơ quan liên quan, một lộ trình rõ ràng, cụ thể và một sự lãnh đạo mạnh mẽ.
Cũng trong buổi hội thảo của Bộ Y tế mà bà Roth đề cập, các quan chức và chuyên gia có mặt nhanh chóng nhận ra nhiệm vụ trước mắt là phải xác định xem dữ liệu y tế nào có thể chia sẻ và mức độ chia sẻ đến đâu. Lấy ví dụ, Việt Nam hiện có khoảng 1.000 hệ thống thông tin phòng thí nghiệm khác nhau, tất cả đều có tiêu chuẩn riêng. Ở cấp độ bệnh viện, tình hình cũng tương tự nên chuyện bệnh viện này không chịu sử dụng kết quả xét nghiệm, khám chụp của bệnh viện khác xảy ra “như cơm bữa” ở Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ riêng việc thiếu chuẩn chung trong thăm khám cũng là rào cản rất lớn phải vượt qua nếu muốn hình thành một cơ sở dữ liệu y tế chung cho cả nước.