20/02/2020 05:34

Xoay trở trong mùa dịch: "Chia lửa" với người lao động

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở giữ trẻ đã đồng hành với người lao động vượt qua khó khăn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc làm và đời sống của người lao động (NLĐ) ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và giáo dục. San sẻ khó khăn cùng NLĐ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những hình thức hỗ trợ thiết thực với đoàn viên, giúp họ an tâm gắn bó lâu dài.

Bảo đảm việc làm, thu nhập

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết hiện các tour du lịch trong và ngoài nước chủ yếu là tour cũ. Các khách sạn của Saigontourist giảm đến 90% công suất. Các nhà hàng, khu mua sắm, ăn uống cũng vắng khách hơn trước. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Canh Tý, Saigontourist phải đền 10 tỉ đồng cho các đối tác vì khách hủy tour và công ty phải mất tiền cọc ở các đơn vị liên kết khi không có khách.

Theo ông Thành, tình hình dịch bệnh kéo dài không chỉ ngành du lịch bị ảnh hưởng mà còn các DN cung ứng hàng hóa, sản phẩm, hàng lưu niệm... cho ngành du lịch cũng khó khăn theo. "Từ nguồn tiền lương tích lũy năm 2019, tổng công ty vẫn bảo đảm trả lương đầy đủ cho NLĐ. Dù biết khó khăn trước mắt vẫn còn song tập thể NLĐ vẫn sát cánh vì sự phát triển của DN" - ông Thành khẳng định.

Xoay trở trong mùa dịch: Chia lửa với người lao động - Ảnh 1.

Cán bộ bảo hộ lao động Công ty CP Xây dựng Hòa Bình đo thân nhiệt công nhân trước khi vào công trình Ảnh: HỒNG ĐÀO

Tương tự, để cuộc sống gia đình NLĐ không bị xáo trộn, Ban Giám đốc và Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo; quận Bình Tân, TP HCM) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết NLĐ có con nhỏ được ưu tiên giải quyết đi trễ về sớm (1 giờ) để tiện việc chăm sóc. Để tăng sức đề kháng cho NLĐ, công ty đã quyết định nâng suất ăn giữa ca lên 34.000 đồng/ngày. Ngoài cung cấp khẩu trang, công ty còn ký hợp đồng với Phòng khám Đa khoa Tân Tạo tổ chức tư vấn phòng chống dịch bệnh và sức khỏe cho NLĐ. "Dịch bệnh diễn biến khó lường song ban giám đốc đã có những bước chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, sản xuất... để ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ" - ông Tâm cho hay.

Hỗ trợ tiền giữ trẻ

Linh hoạt bố trí phép năm, tổ chức sản xuất phù hợp và hỗ trợ chi phí gửi trẻ là cách nhiều DN san sẻ khó khăn với NLĐ trong mùa dịch bệnh.

Thể hiện tinh thần đồng hành với NLĐ, ngoài bố trí cho NLĐ nghỉ phép luân phiên để tiện việc chăm sóc con, Ban Giám đốc và CĐ Công ty CP Xây dựng Hòa Bình (quận 3, TP HCM) còn vận động tập thể lao động choàng gánh công việc cho đồng nghiệp. Giải pháp tình thế này ngay lập tức nhận được sự đồng thuận cao từ tập thể lao động. Công ty còn hỗ trợ 1 triệu đồng cho lao động nữ khối gián tiếp có con trong độ tuổi từ tiểu học trở xuống nhằm giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt.

Còn tại Công ty CP Dệt may Phú Hòa An (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), CĐ và Ban Giám đốc đã chủ động, kịp thời phối hợp, triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, hỗ trợ biện pháp phòng chống, bảo vệ NLĐ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Ngoài phát khẩu trang kháng khuẩn cho NLĐ và người thân, công ty còn hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con NLĐ tuần đầu tiên nghỉ học với mức hỗ trợ 50.000 đồng/bé/ngày. Tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), các trường hợp công nhân xin nghỉ phép ở nhà trông con do người nhà ở quê không lên TP kịp đều được ưu tiên giải quyết.

Nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh trong khi chỉ được hưởng một khoản phụ cấp nhất định nên đời sống đại đa số giáo viên mầm non các nhóm lớp dân lập, tư thục gặp rất nhiều khó khăn. Với giáo viên ngoại tỉnh, thu nhập giảm trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà, điện nước thì càng khó khăn gấp bội. Bà Lê Thị Thu Thảo, quản lý nhóm Mẫu giáo Hoa Hẹ (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết nguồn thu của trường chủ yếu dựa vào học phí, do vậy việc trẻ không đi học khiến nhà trường và đội ngũ giáo viên hết sức lao đao. "Dù tạm ngưng hoạt động nhưng hằng tháng trường vẫn phải trả 15 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Chúng tôi đang tính toán xem sẽ trả lương chờ việc giáo viên sao cho hợp lý, bởi sau lưng họ là gia đình" - bà Thảo chia sẻ.

Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:

Bố trí ca làm việc hợp lý

Dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm của NLĐ, đặc biệt là các gia đình công nhân ngoại tỉnh. Do vậy, việc CĐ cơ sở chủ động thảo luận với người sử dụng lao động linh hoạt bố trí phép năm, đề xuất nâng suất ăn giữa ca và hỗ trợ tiền trông trẻ cho NLĐ là nỗ lực rất đáng trân trọng.

Các cấp CĐ cũng cần tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn đoàn viên, NLĐ hiểu rõ và chủ động phòng chống dịch; đề nghị người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện nghiêm khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như: trang bị khẩu trang, nước rửa tay; thực hiện tiêu độc khử trùng nhà xưởng, vệ sinh môi trường nơi làm việc; bố trí các ca làm việc hợp lý.

HỒNG ĐÀO - CAO HƯỜNG

Tin liên quan

Viết bình luận

Tổng LĐLĐ Việt Nam có tân Phó Chủ tịch 57 tuổi
22/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Ông Huỳnh Thanh Xuân, 57 tuổi, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, ủy viên Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam, được bầu giữ chức Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Dịp 30-4 và 1-5, người lao động được nghỉ 5 ngày
22/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (29-4; mùng 10-3 Âm lịch), lễ chiến thắng (30-4), ngày Quốc tế lao động (1-5) năm 2023, người lao động sẽ được nghỉ liên tục 5 ngày từ ngày 29-4 tới hết ngày 3-5.
Thủ tục đăng ký tăng giờ làm thêm
22/3/2023 548 1k
NGUYỄN ĐỨC TRUNG (tỉnh Đồng Nai) hỏi: "Trong trường hợp cấp bách phải bố trí người lao động (NLĐ) làm thêm vượt quá 200 giờ/năm thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục gì?".
Hãy trả lại tuổi hưu cho người lao động
22/3/2023 548 1k
(NLĐO) - Bạn đọc Báo Người Lao Động mong Quốc hội xem xét, bổ sung và ban hành luật BHXH phù hợp với điều kiện của người lao động ở từng ngành, nghề.
Nhu cầu việc làm "xanh" đang được quan tâm

Nhu cầu việc làm "xanh" đang được quan tâm

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng "xanh", với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm "xanh" và kỹ năng "xanh" cho thị trường lao động.