Lĩnh vực kinh doanh chủ lực của Cỏ May là sản xuất gạo và thức ăn thủy sản. Thế nhưng thời gian gần đây, thị trường thức ăn thủy sản có nhiều xáo trộn. Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, từ vị trí tốp đầu doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, hiện nay Cỏ May “rớt hạng” xuống tận vị trí thứ 7-8, sau nhiều doanh nghiệp như: Việt Thắng, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Hoàng Long… “Năm 2015 mức tăng trưởng đi ngang. Từ đầu năm đến giờ thì có dấu hiệu đi xuống” - anh Thiện thẳng thắn chia sẻ.
Bỡ ngỡ vào sân mới
Phạm Minh Thiện cho biết nếu đà này cứ tiếp diễn, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do nhiều nguyên nhân, cá tra thương phẩm khó bán. Người nông dân buộc phải quay lại “ép” doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm nhận khâu bao tiêu sản phẩm. Với tổng công suất của 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới 300.000 tấn/năm, việc duy trì đơn hàng ổn định là điều hết sức quan trọng với Cỏ May.
“Ai có nhà máy chế biến và bao tiêu luôn đầu ra cho con cá tra thì nông dân lựa doanh nghiệp đó để mua thức ăn chăn nuôi, coi như một sự ràng buộc. Với yêu cầu này, Cỏ May khó tiếp tục bán được thức ăn chăn nuôi nếu không đầu tư nhà máy chế biến cá” - anh Thiện lý giải vì sao Cỏ May bước chân vào đầu tư một lĩnh vực trái ngành.
Tuy có hơn 30 năm tuổi nhưng lần này khi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mới, Cỏ May không khác gì một doanh nghiệp chập chững khởi nghiệp. Có lo lắng nhưng Phạm Minh Thiện không hề tỏ ra lúng túng. “Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu cá tra trong giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng, thậm chí rất nhiều rủi ro, nhưng nếu không làm, trước sau gì doanh nghiệp cũng khốn khó” - anh Thiện cho hay.
Công suất của 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới 300.000 tấn/năm, việc duy trì đơn hàng ổn định là điều hết sức quan trọng
Trước khi ra quyết định xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, Cỏ May đã triển khai việc tìm kiếm đơn hàng và tiến hành sản xuất gia công tại một số nhà máy chế biến nhằm bước đầu tiếp xúc, tìm hiểu thị trường. Hỏi về quy mô nhà máy, anh Thiện cho biết: “Chúng tôi sẽ vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường. Dây chuyền sản xuất sẽ được đầu tư cuốn chiếu phụ thuộc vào tốc độ tăng lên của đơn hàng”.
Lấy phụ làm chính
Gia nhập thị trường khi nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra gạo cội trong nước đã thiết lập được chỗ đứng vững chắc, Thiện cho rằng, đây là một khó khăn thử thách, nhưng đồng thời cũng là lợi thế đối với Cỏ May bởi có thể học hỏi và rút tỉa được nhiều kinh nghiệm từ người đi trước.
Tuy nhiên, hướng đi Thiện chọn không giống với những bậc tiền bối trước đó. Vẫn với cách đặt vấn đề mang tính phản biện và luôn đầy ắp ý tưởng mới. Thiện tự hỏi, tại sao không biến phi lê cá tra thành… phụ phẩm và biến những phụ phẩm trước đây, vốn được bán rất rẻ, thành chính phẩm? Anh lao vào tìm hiểu và nhờ sự giúp sức của các nhà khoa học. Để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi, Thiện đang phải nhập huyết tương với giá cả triệu đồng/kg. Trong khi đó, 20% trọng lượng con cá tra là huyết. “Nếu trích được số huyết này, giá trị con cá tra sẽ tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, mỡ cá tra, một thành phần vốn không được ưa chuộng, lại có hàm lượng Omega3 không nhỏ. Rồi cả Collagen như Vĩnh Hoàn đang làm… Nếu nghiên cứu và sản xuất thành công những sản phẩm có giá trị cao này thì thịt cá tra chỉ là phụ phẩm mà thôi”, Thiện lập luận. Tất nhiên, đó là một hành trình dài. Trước mắt, phi lê cá tra vẫn là chính phẩm để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Phân tích bài toán kinh doanh, Thiện lý giải, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đang lỗ, một phần do quy trình sản xuất chưa hợp lý. Chế biến sản xuất thủy sản đòi hỏi lượng nhân công lớn, do hầu hết các khâu đều phải làm thủ công, chi phí sản xuất lớn. Để không lãng phí thời gian chờ đợi nhà máy đi vào hoạt động, Thiện đã bắt tay vào công tác huấn luyện và đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, anh tham khảo và yêu cầu đơn vị thiết kế tính toán hợp lý hóa dây chuyền và quy trình sản xuất để không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn tiết kiệm cả chi phí đầu tư xây dựng. “Trong năm sau, tôi sẽ dẫn bạn đi tham quan nhà máy chế biến thủy sản của Cỏ May” - anh Thiện khẳng định.
Mặc dù vậy, chế biến và xuất khẩu thủy sản thoạt nhìn có vẻ liên quan đến sản xuất thức ăn thủy sản, nhưng lại là hai ngành khác xa nhau. Bước chân vào một lĩnh vực mới, để đánh giá thành công của Cỏ May trong lĩnh vực này, cần phải một thời gian nữa. “Có thể chúng tôi sai. Nhưng nếu không thử thì sẽ không bao giờ biết được. Kinh doanh mà không dám dấn thân thì trước sau gì cũng bị đào thải khỏi thương trường” - anh Thiện đúc kết.
Hà Yên