Khách đi Uber tại TP HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, Sở GTVT TP HCM đã chính thức gửi đề nghị đến Bộ GTVT, UBND TP.HCM theo hướng sẽ khống chế số lượng xe chở khách dạng hợp đồng điện tử như Uber, Grab.
Tài xế Grab, Uber kêu “bị bóc lột”
Anh Nguyễn Văn Lên - tài xế Uber - cho biết đang cố gắng chạy đón khách cả ngày lẫn đêm để nâng mức doanh thu. Anh băn khoăn mức phí cho hãng từ 15 - 20%/chuyến xe là cao, khiến những trường hợp khách chỉ đi 3 - 5km anh hầu như chạy không công.
“Mức phí cao là vậy nhưng hầu như tài xế chúng tôi không nhận được bất kỳ quyền lợi nào từ phía hãng xe” - anh Lên bức xúc.
Anh Đặng Quang Minh - tài xế Grab - cũng than thở đang khổ sở vì mức phí quá cao, khoảng 20%/chuyến. Anh Minh cho biết nhiều lần anh cùng các tài xế xin giảm phí nhưng hãng làm ngược lại, có xu hướng tăng mức phí, giảm giá cước, đẩy nhiều tài xế vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Anh Nguyễn Phước Thắng - tài xế ôtô Grab (quận Gò Vấp) - cũng băn khoăn vì bảo hiểm và hỗ trợ khi gặp rủi ro tai nạn hãng mập mờ, không quy định rõ. Trong mức tiền trừ 23,6% đã có bảo hiểm nhưng theo anh Thắng, hãng chỉ hỗ trợ khi có khách trên xe, còn không thì tài xế tự chịu.
Bà Trần Kim Yến - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - công nhận thời gian qua đã nhận được rất nhiều thư của các tài xế taxi truyền thống phản ảnh quyền lợi bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, hàng loạt tài xế chạy Grab, Uber cũng than phiền ế ẩm, thu nhập thấp, không được đảm bảo quyền lợi lao động...
Theo bà Yến, Liên đoàn Lao động TP đã kiến nghị với UBND TP, các đơn vị quản lý trực tiếp hoạt động taxi để tìm cách khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bà Yến cho rằng các doanh nghiệp taxi hay Grab, Uber đều phải đảm bảo mọi quyền lợi về bảo hiểm, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Khống chế số lượng
Để quản lý kinh doanh theo loại hình Uber, Grab, thông tin của Tuổi Trẻ cho biết Sở GTVT TP đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Công thương hướng dẫn theo hướng: các đơn vị hoạt động thương mại điện tử có ứng dụng trên thiết bị di động phải đăng ký kinh doanh ứng dụng này tại VN. Trường hợp các đơn vị này không đăng ký thì đề nghị chặn ứng dụng trên điện thoại di động.
Đặc biệt, Sở GTVT cũng kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho TP HCM áp dụng biện pháp khống chế số lượng phương tiện dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Bởi số lượng xe này chủ yếu hoạt động ở khu vực trung tâm TP làm tăng mật độ, làm ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp. Ngoài ra, cần bổ sung điều kiện kinh doanh cung cấp dịch vụ kết nối vận tải...
Theo một cán bộ Sở GTVT TP, sở cũng đề xuất đưa loại hình Grab, Uber... vào loại hình “taxi mới” để sửa quy định, theo hướng yêu cầu các hãng này đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải như taxi truyền thống. Như taxi phải kê khai, niêm yết giá cước theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe (sau khi được cơ quan thẩm quyền kiểm định và kẹp chì); “taxi mới” cũng cần có quy định cụ thể.
Với thắc mắc xe Uber “vô danh”, khó nhận diện, vị cán bộ Sở GTVT công nhận taxi truyền thống phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo), do vậy “taxi mới” cũng cần xây dựng phương án nhận diện được cơ quan thẩm quyền chấp thuận. Đồng thời cần quy định cấp phù hiệu với “taxi mới”.
Cần quyết liệt siết lượng xe
Ông Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - đồng tình việc các cơ quan quản lý cần siết lại số lượng xe Grab, Uber đang gia tăng không kiểm soát, gây gia tăng kẹt xe trong TP. Ngoài ra, để cân bằng lại thị trường taxi, TP.HCM cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng đối với tất cả các hãng taxi, xử thật nặng các doanh nghiệp, đơn vị không đóng thuế, vi phạm các quy định.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tài xế Grab, Uber cũng như taxi truyền thống, theo ông Thắng, cần đảm bảo các doanh nghiệp trên có tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi về phúc lợi xã hội cho tài xế, đồng thời giải quyết các vấn nạn trong quá trình cạnh tranh của giới tài xế.