Nhiều cái tên đã được khẳng định từ rất lâu ở Sài Gòn mà nếu nhắc đến, ai đã từng mặc đồ may cũng biết như nhà may Tài, Trứ Danh, Sơn, Sĩ Tân, Đức Nhuận, Sáng, Eden, Tân, Toàn, Chiêu,…
Nghề may có thể nói “thịnh” nhất từ những năm 1983. Khi ấy các tiệm may lớn trong Sài Gòn đều ăn nên làm ra, lượng đồ may rất lớn, nhất là vào những dịp lễ lớn cuối năm. Vào những dịp ấy các tiệm đều có thể tính toán để bắt đầu nhận đồ may từ trước lễ Nô-en cho đến tết cổ truyền. Tùy theo quy mô mỗi tiệm sẽ nhận lượng đồ may khác nhau. Điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt vẫn là số lượng thợ mình có.
“Tiệm may hồi đó làm đã lắm không như bây giờ chỉ lai rai, có thể chỉ mới qua tết Tây là nhiều tiệm đã không còn nhận đồ may nữa, trừ những khách rất quen. Tương tự các cơ sở chuyên cung cấp hàng hóa khác vào dịp cận tết, các tiệm may lớn nhỏ ở Sài Gòn đều hoạt động hết công suất. Vải quần, áo được chất cao như núi, phải cân người xếp và phân loại theo ngày giao, trong khi đó thợ phải làm cả ngày lẫn đêm. Một tiệm trung bình phải hơn 10 thợ, làm từ sáng sớm đến khuya mới kịp tiến độ. Đôi lúc vì khách quá quen không thể từ chối, nhận thêm buộc phải làm đến hết 29 tết” - chú Tân, người gắn bó với nghề may hơn 45 năm từng chia sẻ.
Tuy nhiên, lượng đồ may cũng đã giảm dần theo thời thị trường mở cửa, một khi “hàng may mặc sẵn vừa rẻ, vừa tiện ngày càng nhiều thì số người đi may đồ như trước đây, trong đó phần lớn là giới trẻ sẽ không còn mặn mà nữa”, chú Hội, chủ tiệm may Chiêu lâu năm trên đường Nguyễn Đình Chiểu ngậm ngùi tâm sự.
Khác hẳn với vẻ nhộn nhịp, sung túc như trước đây, một số tiệm may hiện nay vẫn có thể hoạt động ổn định nhờ một lượng khách quen “khó tính” bên cạnh các mối may đồng phục theo hợp đồng cho các công ty. Tuy nhiên “đồ hợp đồng thường làm cực, giá không cao và số lượng cũng đã giảm dần. Chủ yếu nhận thêm để duy trì nuôi thợ. Mặc dù không ‘đắt sô’ như trước nhưng hiện sống vẫn ổn”, chú Hội chia sẻ thêm.
Từ đó, một số tiệm may đã dẹp hẳn, có tiệm đã đổi tên lẫn chủ, một số thu nhỏ, số ít còn lại có điều kiện mở rộng bên cạnh những cửa tiệm mới mang chất hiện đại hơn của thời hội nhập. Khác với các nhãn hiệu mang tính công nghiệp như An Phước, Việt Tiến,… đồ may vẫn giữ được một nét riêng không thể thay thế. Đó chính là khả năng đo cắt và may chính xác theo sở thích và hình dáng người mặc, điều mà khách hàng có thể sẽ không tìm thấy ở hàng may sẵn, đặc biệt là những bộ veston.
Mỗi tiệm may đều có bí quyết riêng, đó cũng là nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa các tiệm may. “May vá là nghề làm đẹp cho người, mà làm đẹp là cả một nghệ thuật, sứ mệnh của người làm nghề. Nghề may cần những người chịu khó và có thẩm mỹ càng tốt, bởi nghề này được ví như làm dâu trăm họ.”, anh Tuấn, một chủ tiệm may trẻ tâm sự.
Anh còn cho biết nghề may có thể xem như nghề cha truyền con nối, tuy nhiên việc truyền nghề và học nghề không đơn giản. Một phần bởi đây là nghề khá thủ công, đòi hỏi chút năng khiếu và đặc biệt chịu khó. Do đó, khi có điều kiện, cha mẹ thường dồn sức cho con cái ăn học để đổi đời, hoặc làm các công việc khác. “Như anh, bất đắc dĩ lắm mới trở lại với nghề may mà ba anh làm đã làm gần 50 năm nay, dẫu trước đây chưa hề được truyền nghề, chỉ học lóm qua thợ và một số “bí kiếp” ba ghi lại trong sách. Nhưng vẫn làm ngon lành, đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh mà” - anh Tuấn cười vui chia sẻ.
Hiện nghề may không còn bó buộc trong khuôn khổ truyền thống quần tây áo âu như trước nữa. Bên cạnh những kinh nghiệm, người làm nghề cũng cần trau dồi thêm những kiến thức may hiện đại khác để có thể giúp họ thăng hoa hơn với nghề.
Nếu thực sự đam mê, hãy bắt đầu vào nghề này bằng những việc đơn giản nhất như kết nút, móc khuy, kết lai, ủi quần áo,… Sau đó có thể phấn đấu để bước qua ranh giới từ một người thợ may bình thường trở thành một nhà thiết kế thời trang. Bởi khi đã trở thành một thợ may giỏi nghề, bạn sẽ luôn bận rộn và có thu nhập tốt với đam mê của mình.