Những tháng vừa qua, do độ mặn tăng cao ở các sông, nhiều nhà vườn Vĩnh Long vô tình lấy nước tưới cây, làm hàng trăm hécta sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch bị nhiễm mặn. Nông dân đã tập trung chăm sóc, dùng nhiều biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên, cây bị suy kiệt trụi lá, chết dần. Những cây còn lại cho trái giảm chất lượng, năng suất, làm nhà vườn thất thu hàng trăm tỉ đồng.
Nhiều nhà vườn ở Vĩnh Long thất thu vì sầu riêng nhiễm mặn. (Ảnh minh họa: Internet)
Mang lại thu nhập cho nhà vườn hàng trăm triệu đồng/năm, Thanh Bình và Quới Thiện là 2 địa phương chuyên canh sầu riêng lớn của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm nay, tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập kéo dài đã gây thiệt hại hơn 600 ha sầu riêng ở 2 địa phương này.
Đi xem vườn sầu riêng bị rụng lá trơ trụi, trái rụng đầy mặt đất, ông Trần Văn Của, ấp Thanh Bình, xã Thanh Bình, cho biết vườn nhà ông có khoảng 500 gốc sầu riêng. Đợt xâm nhập mặn vừa qua đã làm hơn 100 gốc chết héo. Số còn lại cũng đang èo uột, năng suất và chất lượng giảm hơn phân nữa so năm trước.
Xã Quới Thiện có 560 ha sầu riêng. Hầu hết đều bị nhiễm mặn, khô hạn. Ông Lê Văn Lăng, ấp Bình Lương, xã Quới Thiện, cho hay năm nay là năm thứ hai vườn sầu riêng của gia đình cho trái. Vừa qua, vườn sầu riêng bị cháy lá, nắng gay gắt nên ông dùng nước sông tưới cho cây. Sau vài ngày tưới, lá cây úa vàng và bắt đầu rụng trái. Gia đình ông đã tỉa bỏ bớt trái. Tuy nhiên, những trái chín còn lại chất lượng kém, bị sượng nên chỉ bán được cho những người sản xuất bánh kẹo với số lượng nhỏ; còn thương lái mua cầm chừng với giá rẻ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến tháng 5/2016, hạn mặn đã gây thiệt hại ở tỉnh này hơn 123 tỉ đồng, nặng nhất ở lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, huyện Vũng Liêm bị thiệt hại nặng nhất, trên 120 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho biết diện tích sầu riêng do nông dân vô tình đưa nước nhiễm mặn vào vườn rồi tưới lên cây, gây độc cho cây, bộ rễ, làm cây suy kiệt, chết dần. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục.
Hàng trăm nhà vườn lâm cảnh khốn đốn khi vào mùa thu hoạch, cây sầu riêng lại bị rụng lá, chết đứng, hoặc trái bị teo, khô nứt, rụng dần... Khả năng phục hồi của loại cây trồng này rất chậm. Sầu riêng là loại cây trồng lâu năm, nguồn thu nhập chính của nhiều nhà vườn tỉnh Vĩnh Long. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các nhà chuyên môn. Chính quyền địa phương và ngành ngân hàng cũng cần có sự hỗ trợ về vốn giúp nông dân trồng lại sầu riêng hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác để sớm ổn định cuộc sống./.