Theo Bộ Công Thương, thời điểm đầu tháng 5 giá bán buôn thanh long Việt Nam tại Trung Quốc khá cao, từ 12 - 14 nhân dân tệ/kg. Hiện, giá trung bình còn khoảng từ 6,5 - 10 nhân dân tệ/kg (1 nhân dân tệ xấp xỉ 3.400 đồng) tuỳ theo địa bàn tiêu thụ và tùy từng loại thanh long (ruột đỏ giá cao hơn ruột trắng). Địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam là các địa phương Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
Bộ Công Thương cũng cho biết theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng thanh long tươi của Trung Quốc đạt 523,3 nghìn tấn với giá trị 381,1 triệu USD. Trong đó, đa số là nhập khẩu từ Việt Nam với kim ngạch và giá trị chiếm tỷ trọng tới 99% (một lượng nhỏ nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc).
Ngày 10-7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong những ngày đầu tháng 7, giá thanh long ở một số tỉnh phía Nam đang hồi phục mạnh.
Tại Tiền Giang, giá thanh long ruột đỏ tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước, đạt 22.000-25.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg, đạt 12.000-15.000 đồng/kg…
Theo tính toán, với năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha, giá tiêu thụ tốt nông dân sẽ thu về từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, trừ đi chi phí, lãi khoảng 50-60% số trên.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu rau quả đang tăng trưởng mạnh nhất trong các nhóm hàng nông sản và có thể đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ đồng trong năm nay.
Tính riêng nửa đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả (xuất khẩu trái cây chiếm phần lớn giá trị xuất khẩu) ước đạt hơn 1,68 tỉ USD, tăng tới 41,4% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt, thanh long tiếp tục chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây.
Trong tháng 7, 8 là thời điểm vào vụ của thanh long, với chất lượng trái tốt. Tuy nhiên, dự báo thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn, đặc biệt là Trung Quốc - thị trường lớn nhất rau quả Việt Nam, hiện Thái Lan cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.