Nhưng nhắc đến chuyện đó, bà nói: “Tính đến năm 2016, tôi chỉ mới có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ nên còn non tay lắm”. Dù mới 5 năm nhưng hiện nay FPTshop là kênh bán lẻ hàng kỹ thuật số đứng thứ hai về doanh số và số lượng cửa hàng trên toàn cõi Việt Nam.
– Cò kè bớt một thêm hai… là những “phẩm chất” không thể thiếu của phụ nữ khi ra chợ! Nếu có đi chợ, bà cò kè cỡ nào?
– Từ rất lâu tôi chỉ đi siêu thị. Với tính chất công việc “đi sớm, về muộn” và những chuyến công tác liên tục nên hầu như cuối tuần mới đi để mua sắm vật dụng cho cả gia đình trong tuần.
Ở siêu thị, không thể cò kè, trả giá nên tôi rất tiếc khi không được sử dụng niềm vui nho nhỏ của phụ nữ như vậy. Tuy nhiên, trong công việc bán lẻ, nhiệm vụ tối thượng là phải mua thật rẻ đã luyện cho tôi khả năng “cò kè” không đến nỗi tệ!
– Giới kinh doanh hàng kỹ thuật số cho rằng mua bán hàng kỹ thuật số, điện tử… là chuyện của đàn ông, vì ở đó có những “luật chơi” riêng không phù hợp với giới nữ. Kinh doanh nhóm hàng đặc thù này gần 20 năm, bà có thể chia sẻ những cảm xúc xoay quanh nhận xét trên?
– Tôi thừa nhận đúng là có những bất lợi đôi chút khi phụ nữ kinh doanh hàng công nghệ viễn thông bởi hạn chế về tố chất kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới, xu thế mới… Làm ở FPT hơn 20 năm, tôi đã làm việc tại nhiều công ty thành viên của FPT.
Hiện thời, đang dừng chân ở FPT bán lẻ, mới nhận ra rằng bán lẻ là lĩnh vực có lẽ phù hợp nhất với tôi vì yêu cầu công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, chi tiết, cầu toàn và cả phải hoạt động ở cường độ cao.
Tôi chưa rõ “luật chơi riêng” mà nhiều người đề cập là gì, nhưng tôi chỉ thấy liên tục học hỏi, không sĩ diện, làm việc đến tận cùng vấn đề, minh bạch với nhân viên, trân trọng khách hàng, hợp tác sòng phẳng với đối tác… sẽ đạt được mục tiêu. Hy vọng trong quá trình làm việc, không cần phải áp dụng hay ép mình vào “luật chơi riêng”!
– Không ít người trong giới kinh doanh đã gọi bà là “nữ tướng” trong ngành bán lẻ kỹ thuật số. Bà nghĩ sao về “danh hiệu” này?
– Việc thành công trong công việc như hoàn thành mục tiêu, đội ngũ nhân viên ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, khách hàng tin tưởng và hài lòng, đối tác tin cậy và hợp tác… mới là điều quan trọng nhất.
Trong cuộc đời, không thể tránh khỏi thiếu sót, sai lầm…, được lòng người này, mất lòng người kia… nên danh hiệu dù cao quý đến mức nào, chỉ mang tính nhất thời. Với tôi, chỉ biết sống chân thành và có trách nhiệm là được.
“Một con én không thể làm nên mùa xuân”. May mắn cuộc đời tôi là xung quanh luôn có các đồng nghiệp chân thành, nhiệt huyết, máu lửa và sẵn sàng cùng nhau lao vào thử thách. Đó là điều trân quý nhất và có lẽ là có giá trị nhất.
– FPT Retail đã từng thất bại trong lĩnh vực bán lẻ. Khi bà về nắm tổng giám đốc từ năm 2011 tới nay, bà đã dùng chiêu nào để xây dựng FPT Retail?
– Trước đây, tôi có cơ hội hợp tác với một chuỗi cửa hàng tiện lợi đứng thứ hai ở Indonesia với 4.000 cửa hàng. Thời gian hợp tác dù ngắn ngủi nhưng đã cho mình rất nhiều bài học và sự thấu hiểu tính chất của bán lẻ, cộng với khả năng học hỏi nhanh đã giúp tôi hiểu được ngành bán lẻ hàng công nghệ thông tin thông qua nghiên cứu và quan sát các đàn anh, đàn chị đi trước, từ đó đưa ra cách đi phù hợp.
Thương hiệu FPT cũng là một lợi thế vì trong việc gầy dựng thương hiệu FPT Shop hiện nay, ít nhiều khách hàng cũng biết đến tên tuổi này trên thương trường. Tôi quan niệm phải luôn tôn trọng đối thủ, biết mình ở đâu, họ ở đâu, biết được sở trường, sở đoản của mình, luôn quan sát, học hỏi và không ngại khổ…
Tôi cho rằng thị trường luôn rộng mở, không dành riêng cho ai. Mỗi thương hiệu bán lẻ hiện nay có đối tượng khách hàng riêng…, nên mỗi doanh nghiệp sẽ có miếng bánh của mình, vậy nên cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình, mang đến những điều tốt nhất cho khách hàng, họ sẽ không phụ mình.
– Năm 2016, FPT Retail có những tham vọng gì? Với bán lẻ, có hai giá trị quan trọng, đó là kinh nghiệm và tâm huyết. Với bà, hai giá trị trên có ý nghĩa như thế nào?
– Tính đến cuối năm 2015, FPT Shop đã có 252 cửa hàng. Mục tiêu của năm 2016 là 300 cửa hàng. Đó là mức tối thiểu.
Kinh nghiệm và tâm huyết thật sự là hai giá trị quá quan trọng để thành công ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Với những người mới bước chân khởi nghiệp, dĩ nhiên thiếu kinh nghiệm nên cần phải chấp nhận trả giá, chấp nhận vấp ngã nhưng phải đủ sự kiên trì, tâm huyết để đi đến cùng con đường đã chọn, cũng như phải biết học hỏi kinh nghiệm từ các bậc “đàn anh” đi trước.
Ngoài hai giá trị trên, tôi xin cộng thêm giá trị “chân thành” vào hoạt động của lĩnh vực bán lẻ, ít nhất là bán lẻ hàng kỹ thuật số. Qua thời gian tham gia vào bán lẻ, giá trị chân thành đã giúp được tôi rất nhiều trong việc xây dựng đội ngũ, hợp tác với các đối tác xung quanh…
– Có bao giờ bà đã nghĩ đến chuyện rút lui để nghỉ ngơi sau gần hai ngàn ngày lăn lộn trên thương trường bán lẻ ngành hàng kỹ thuật số vốn ngày càng khốc liệt?
– Quả thật, có nhiều lúc quá mệt, quá thất vọng, thậm chí bí đường vì chưa có lĩnh vực nào lại nhiều việc như lĩnh vực bán lẻ nên có nghĩ đến chuyện dừng lại… Nhưng vì trách nhiệm với anh em, với công ty đã bắt mình ngồi lại, tĩnh tâm để tìm hướng giải quyết. Đó là hiện tại, còn tương lai chưa thể nói trước được.
Chỉ biết rằng mình là người của công việc, không có công việc chắc cuộc sống sẽ kém phần thú vị. Mà công việc nào cũng cần phải xả thân, phải tâm huyết mới mong thành công. Tôi không sĩ diện khi học hỏi cái hay cái tốt của thiên hạ nhưng lại sĩ diện về kết quả công việc. Có thể mình không phải là loại xuất sắc nhưng hiệu quả công việc phải coi được mới chịu. Cường độ công việc của ngành bán lẻ căng thẳng lắm.
Chỉ lo sức khoẻ thôi. Mong trời thương cho thêm sức khoẻ để còn “trả giá, cò kè”…