Đánh giá các bước chuẩn bị và bộ tiêu chuẩn mà phía Nhật yêu cầu thực hiện trong suốt hai năm, ông Khưu Nhơn Hiếu, tổng giám đốc công ty Koyu & Unitek, nói: “Trước mắt, Nhật chỉ đồng ý công ty xuất sản phẩm đã qua chế biến, điều kiện là xử lý qua nhiệt 70 độ C”.
Nhìn chung, đa số các đánh giá con giống và gà thịt, họ đều tập trung vào xây dựng vùng đệm, vì Việt Nam có truyền thống chăn nuôi nhỏ lẻ, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao, nên khi muốn tạo vùng đệm an toàn sinh học thì phải dẹp bớt chăn nuôi nhỏ lẻ xung quanh trại.
– Ngoài yêu cầu tạo vùng đệm an toàn, còn tiêu chuẩn gì nữa mà Nhật yêu câu ở các trang trại, thưa ông?
– Ngành chăn nuôi của Nhật cũng chỉ áp dụng các tiêu chuẩn của tổ chức Thú y thế giới (OIE) và mình căn cứ vào đó để làm là đạt. Nhật không cho xài kháng sinh ngừa cúm gia cầm H5N1. Vùng nào chích kháng sinh thì vùng đó được mặc định là không quản lý tốt.
Hiện nay, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương không tiêm vắcxin. Phía Nhật cũng đưa ra nhiều loại kháng sinh cấm sử dụng. Nói tóm lại, trước khi gà xuất chuồng khoảng mười ngày thì tuyệt đối không cho xài bất cứ loại kháng sinh nào.
– Như vậy, một trang trại phải đạt bao nhiêu tiêu chuẩn?
– Nếu làm theo đúng nguyên tắc của tổ chức OIE thì đa số là họ chấp nhận hết. Tuy nhiên, các chủ trại phải ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc, lưu lại lịch sử chăn nuôi ít nhất hai năm. Nếu Nhật muốn truy xuất đợt gà nào, từ thức ăn, con giống, cho uống kháng sinh, vitamin… mình phải cung cấp đầy đủ cho họ kiểm tra. Cái khó nhất là tạo vùng đệm và cách làm của trại, phải chú trọng đến an toàn dịch bệnh, trại phải đầu tư thêm khu gà tắm. Người vào trại phải thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ, thay ủng, sát trùng.
– Liệu những ghi chép tỉ mỉ như vậy thì các trang trại gia công có gặp khó khăn gì không?
– Không đâu, chỉ chịu khó là làm được. Bên công ty có lập ra ban thú y riêng để theo sát các trại, hướng dẫn chủ trại cụ thể cách ghi chép. Ban này hiện có bốn người và cứ cách một ngày phải xuống trại một lần để giám sát. Chúng tôi cũng làm sẵn các mẫu biểu ghi chép, chủ trại cứ thế điền vào rồi lưu lại là được.
– Koyu & Unitek có bao nhiêu trang trại đang làm truy xuất nguồn gốc để xuất sản phẩm qua Nhật?
– Trước mắt, công ty hợp tác với hai chủ trại ở Đồng Nai, tổng cộng 48 chuồng, sản lượng khoảng 400.000 con gà/tháng. Hai khu trại này đã được đánh giá là rất tốt. Toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào cho hai trại, như thức ăn, con giống được chúng tôi lấy của công ty De Heus, một tập đoàn sản xuất thức ăn uy tín của Hà Lan.
De Heus đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, có vùng đệm và đặc biệt là không xài kháng sinh trước mười ngày xuất chuồng theo yêu cầu của Nhật. Công ty cũng yêu cầu De Heus sản xuất thức ăn riêng cho các trại gà xuất đi Nhật. Chúng tôi yêu cầu họ muốn xài loại kháng sinh nào phải cho công ty biết, nếu Nhật không chấp nhận thì không được đưa vào. Quan trọng nữa là tuyệt đối không đưa phẩm màu vào thức ăn để tạo màu vàng cho gà. Gà công nghiệp có màu trắng thì bắt buộc thịt gà phải là màu trắng.
– Sau khi nuôi gà đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu tiếp theo của Nhật là gì?
– Đầu tiên là khâu giết mổ. Theo nguyên tắc, trong giai đoạn đầu giết mổ phải có một cơ quan nhà nước (thú y vùng) và doanh nghiệp cắt cử người trực ở khâu moi lòng để kiểm tra từng con. Con gà nào không tốt, không đạt chất lượng phải loại bỏ. Công ty phải xây một khu riêng để có người đứng kiểm từng con một, rất mất thời gian và chi phí thuê người.
Khi giết mổ xong thì qua khâu chế biến. Nguyên tắc mà Nhật yêu cầu là không cho nhiễm chéo, sản phẩm tươi không được để chung với sản phẩm qua nhiệt. Nghĩa là, hàng vô ra phải theo một chuyền. Sản phẩm chế biến phải xử lý qua nhiệt 70 độ C.
Trước khi xuất khẩu sản phẩm phải được kiểm vi sinh, có xác nhận của cơ quan Thú y vùng VI. Khi đến Nhật thì được kiểm tra lại lần nữa.
Hiện, khách hàng bên Nhật đã gửi đặt hàng công ty 20 sản phẩm, đa số là xúc xích làm từ ức gà, hay là gà xiên que. Tất cả sản phẩm được chế biến, đóng gói rồi mới xuất khẩu. Dự kiến khoảng tháng 3 năm sau chúng tôi khánh thành nhà máy chế biến và sẽ chạy mẫu cho Nhật kiểm tra.
– Ông đánh giá tiềm năng thị trường Nhật như thế nào?
– Công ty may mắn được hợp tác với tập đoàn Koyu. Đây là tập đoàn sản xuất, cung ứng thịt gia cầm lớn nhất nhì ở Nhật, nên yêu cầu sản lượng của họ là rất lớn. Do đó, chúng tôi xác định đây chỉ là nhà máy đầu tiên của liên doanh Koyu & Unitek, nếu năm sau mà tình hình xuất khẩu thành công thì chắc chắn sẽ có nhà máy chế biến thứ hai, thứ ba mọc lên.
Tín hiệu thị trường Nhật đang rất tốt, hiện nay, lượng khách đặt công ty sản lượng gà chế biến lên tới 2.000 tấn mỗi tháng, trong khi nhà máy của chúng tôi chỉ có công suất 300 tấn/tháng, đáp ứng một phần thôi.
Thị trường Nhật cũng đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu thịt gà, sau Trung Quốc và Nga. Nên chúng tôi định hướng sẽ hợp tác với công ty thứ ba. Chúng tôi đang làm với De Heus, ngoài ra còn liên hệ Emivest, 3F, vì nếu năm sau xuất khẩu tốt thì sản lượng sẽ không đủ, phải kiếm đối tác tin tưởng kết hợp làm chuỗi mới đáp ứng đủ.
Ngoài thị trường Nhật, công ty còn đang có kế hoạch làm thêm thị trường Trung Quốc, như Thâm Quyến, Macau. Thị trường Trung Quốc cũng thích ăn gà nhập khẩu hơn là gà nuôi nội địa. Hay như Singapore cũng đang nhập gà chế biến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Chúng ta có thể cạnh tranh được với họ. Ngoài ra, chúng tôi còn dự kiến xuất đi các nước khác, như châu Âu chẳng hạn.
– Nếu xuất sản phẩm chế biến thì kỳ vọng lợi nhuận của Koyu & Unitek sẽ như thế nào?
– Trước nay, hàng tươi của công ty chỉ hy vọng 5% lợi nhuận, nhưng nếu xuất sản phẩm qua chế biến sẽ tăng lên khoảng 35%. Thế mạnh của công ty là bán qua đối tác của mình la Koyu nên giá cả không thành vấn đề.
– Theo ông, tới đây ngành chăn nuôi cần phải thay đổi như thế nào để cạnh tranh?
– Chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều nên chúng ta phải chuyển đổi để hình thành chuỗi. Giá thành chăn nuôi của Việt Nam cao hơn Thái 8%, vì sản lượng chăn nuôi của ta thấp hơn họ. Lấy ví dụ như nhà máy giết mổ của Koyu & Unitek, tuy có công suất 5.000 con/giờ nhưng chỉ làm được 40%, nếu nâng lên được 60% thì chi phí bỏ ra không nhiều thêm mà sản lượng lại tăng, giá thành sẽ hạ. Hay là khi chúng ta áp dụng quy chuẩn của Nhật, môi trường chăn nuôi tốt hơn thì các trại có thể quay vòng nuôi được nhiều lứa hơn, cho ra sản lượng cao hơn thì giá thành hạ là chắc chắn.
Koyu & Unitek đang gấp rút xây dựng nhà máy chế biến có tổng diện tích 3.500m2, chia làm hai khu, khu ẩm ướt chưa qua nhiệt và khu qua nhiệt. Công suất nhà máy là 300 tấn thành phẩm/tháng, chi phí đầu tư khoảng 6,5 triệu USD. Giữa tháng 2/2017 nhà máy hoàn thành, toàn bộ dây chuyền thiết bị được mua từ Nhật. Như vậy, hiện tại công ty có nhà máy giết mổ công suất 5.000 con/giờ. Dự trù nâng cấp nhà máy giết mổ 8.000 con/giờ; và một nhà máy chế biến sản phẩm.