Mong muốn của Saigon Co.op là biến nước tương Nam Dương trở thành nhãn hàng cạnh tranh với Chinsu của Masan. Để biến giấc mơ này thành sự thật, Saigon Co.op đã cất công tìm kiếm một “chàng rể” để cùng tham gia đầu tư phát triển thương hiệu nước chấm lâu đời này.
Sau gần 2 năm tìm hiểu, nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam đã chọn Wilmar International Limited (Singapore) để “gả” Nam Dương cho. Cụ thể, Wilmar đã mua lại 51% cổ phần của liên doanh Nam Dương. Còn Saigon Co.op nắm 49%.
Bệ phóng mới cho mèo đen
Thương hiệu nước chấm Nam Dương có tiền thân là xưởng nước tương Mèo Ðen, ra đời từ năm 1951. Đến năm 1981, doanh nghiệp này được chuyển về cho Saigon Co.op quản lý. Nam Dương là một trong số ít thương hiệu nội có bề dày lịch sử và từng trải qua thời kỳ huy hoàng. Sản phẩm của Nam Dương hiện được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và châu Âu.
Sau khi về với Saigon Co.op, Nam Dương có một lợi thế lớn là dựa vào kênh phân phối sẵn có của tập đoàn bán lẻ này để phát triển. Dù đây là một điểm tựa khá vững chắc, nhưng trong bối cảnh thị trường nước chấm cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc mất thị phần là khó tránh khỏi. Doanh thu Nam Dương vẫn tăng trưởng qua từng năm nhưng thị phần thì dần nhỏ lại.
Sở hữu một thương hiệu có truyền thống nhưng lại không phải ngành kinh doanh chính, việc Saigon Co.op chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho Nam Dương cũng là dễ hiểu. Ðó là một phần lý do vì sao nhà bán lẻ này quyết tìm bệ phóng mới cho thương hiệu này. Dù vậy, việc hợp tác với một đối tác ngoại vẫn là lựa chọn cuối cùng. “Nếu muốn giữ lại thương hiệu cho mình thì mình phải có khả năng phát triển nó. Còn nếu không, phải có giải pháp khác” - ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op kiêm Trưởng nhóm dự án liên doanh, chia sẻ.
Thành lập liên doanh Nam Dương với Wilmar, Saigon Co.op cũng chuyển thương hiệu Nam Dương cho liên doanh mới này sử dụng. Công ty liên doanh cũng sẽ tiếp quản toàn bộ tài sản của nhà máy Nam Dương cũ.
Hiện là một nhà bán lẻ lớn của Việt Nam nhưng rõ ràng Saigon Co.op vẫn liên tục tìm kiếm những con đường mở rộng doanh thu mới. Và nếu không có thế mạnh sẵn có, doanh nghiệp này sẵn sàng liên kết để tiếp cận nhanh nhất các nguồn lực mới.
Thực tế, trước thương vụ với Wilmar, Saigon Co.op đã liên tục chủ động tận dụng ngoại lực để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Tiêu biểu là 2 thương vụ gần đây, gồm việc hợp tác với NTUC FairPrice trong mô hình đại siêu thị và liên kết với Mapletree trong dự án Trung tâm thương mại SC Vivo City. Một điều thú vị là tất cả những đối tác ngoại vừa qua của Saigon Co.op đều đến từ Singapore, quốc đảo phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.
Tham vọng của Nam Dương
Đón chào Wilmar, Saigon Co.op như kiếm được chàng trai khỏe mạnh về ở rể. Và hiển nhiên, tham vọng mà cả 2 cùng đặt ra là rất lớn. “Chúng tôi đặt niềm tin liên doanh này sẽ dẫn đầu thị trường nước chấm, gia vị trong thời gian tới” - ông Thái Kim Sơn, Giám đốc Kinh doanh phụ trách khu vực phía Nam của Wilmar, nói.
Để thực hiện mục tiêu tham vọng này, Nam Dương dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất các loại nước chấm và gia vị, với quy mô vốn hơn 577 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TP HCM. Nhà máy mới dự kiến hoạt động từ cuối năm sau. Dù vậy, liên doanh này cũng mới chỉ úp mở về sản phẩm và công suất cụ thể của nhà máy mới, do còn phụ thuộc vào khảo sát nhu cầu thị trường trong thời gian tới.
Trong khi Nam Dương đang ngắm nhìn đại dương với một màu xanh đầy hy vọng, thì thị trường nước chấm và gia vị tại Việt Nam lại mang sắc đỏ với phần lớn thị phần được chiếm hữu bởi một số ít công ty.
Đối với mảng nước chấm, nắm giữ phần lớn thị phần hiện nay vẫn là thương hiệu Chinsu của Masan. Theo báo cáo của Euromonitor năm 2014, Masan nắm giữ gần 50% thị trường nước chấm tại Việt Nam. Còn ở thị trường gia vị, nhóm các công ty như Ajinomoto, Miwon và VinaAcecook hiện chiếm khoảng 28% thị phần. Miếng bánh còn lại tập trung vào số ít công ty như Masan (43%) hay Cholimex Food (30%). Chắc chắn, tham vọng của những ông lớn như Masan sẽ không dừng lại.
Chưa rõ Nam Dương sắp tới sẽ tung ra chiêu gì để “dẫn đầu thị trường” nhưng tiềm lực của liên doanh mới này thì lại khá rõ ràng. Ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, ngoài sản phẩm tốt, điều quan trọng là doanh nghiệp phải sở hữu hệ thống phân phối hiệu quả và có sức quảng cáo mạnh tay.
Về mặt phân phối, cả Saigon Co.op và Wilmar đều có sẵn những hệ thống bán hàng rộng khắp. Saigon Co.op sẽ trở thành bàn đạp của Nam Dương tại thị trường nội địa, nhờ sở hữu hệ thống bán lẻ khổng lồ tại Việt Nam.
Sản phẩm của Nam Dương sẽ đến tay khách hàng thông qua chuỗi siêu thị Co.op Mart, cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, chuỗi cửa hàng Bến Thành, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op, Trung tâm thương mại Sense City và khu phức hợp SC Vivo City. Năm 2015, Saigon Co.op xếp thứ 170/200 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, theo Tạp chí Bán lẻ châu Á và Euromonitor.
Trong khi đó, Wilmar hiện sở hữu các chi nhánh ở 50 quốc gia khác nhau. Vì thế, sản phẩm Nam Dương được kỳ vọng sẽ xuất khẩu nhiều hơn cả trước đây. Theo ông Hồng, Saigon Co.op, tỉ trọng xuất khẩu của Nam Dương hiện là 40%.
Mặt khác, Wilmar là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực nông nghiệp tại thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc. Gần đây, tập đoàn này còn mở rộng hoạt động sang châu Phi. Tại Việt Nam, Wilmar nắm giữ 76% cổ phần của Công ty Dầu ăn Cái Lân và sở hữu những thương hiệu dầu ăn nổi tiếng như Neptune, Simply hay Meizan. Vì thế, thương hiệu Nam Dương chắc chắn cũng sẽ được đầu tư quảng cáo không kém gì những cái tên nổi tiếng trên.
Có thể nói, Saigon Co.op khá nhanh nhạy khi tìm kiếm nguồn lực ngoại. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp liên doanh nhưng không đạt hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp bản địa còn có nguy cơ đánh mất thương hiệu. Wilmar vốn cũng là một công ty chuyên đi thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Về vấn đề này, ông Hồng cho biết liên doanh đã xác định nguyên tắc 2 bên phải cùng đồng hành ngay từ đầu. “Nếu chúng tôi không có ý định giữ thì đã bán giống như các nơi khác rồi” - ông khẳng định.