Một số buộc chuyển sang giao hàng bằng xe máy, không đảm bảo điều kiện về bảo quản trong khi một số xe chở hàng hóa không cần gấp vẫn được ưu tiên chạy trong giờ cao điểm (6 – 8 giờ và 16 – 20 giờ).
Ngày 22-6, ông Trương Văn Bảo, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật Việt (Veeteq Farm) đơn vị cung cấp rau sạch theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, đạt chuẩn GlobalGap và VietGap, cho biết bán hàng tươi sống chịu áp lực tiêu thụ nhanh rất lớn: Giá 1 kg rau buổi sáng 24.000 đồng – 25.000 đồng nhưng chiều chỉ còn 0 đồng. Nhưng thời gian qua, công ty phải từ chối nhiều đơn hàng vì không thể giao hàng trong thời gian khách yêu cầu, chủ yếu là từ 6-7 giờ sáng, cho các bếp ăn trường mầm non và 4-5 giờ chiều cho các nhà hàng, khách sạn. Đây là thời điểm công ty buộc phải chở hàng bằng xe máy, vận chuyển được số lượng ít và không đảm bảo nhiệt độ bảo quản, gây ảnh hưởng đến thương hiệu rau sạch của công ty.
"Đương nhiên, chúng tôi biết tình trạng kẹt xe của thành phố hiện nay nhưng có điều vô lý là xe tải nhỏ chuyên dụng chở hàng tươi sống thì bị cấm nhưng các xe bưu chính vẫn chạy vô tư vào giờ này. Trước đây, xe bưu chính chở thư tín, báo chí cần được ưu tiên nhưng gần đây thông tin được truyền tải qua mạng, thư từ chỉ cần một cú kích chuột nên xe này giờ chỉ chở bưu phẩm là chủ yếu nên cần xem xét lại" – ông Bảo đặt vấn đề.
Các HTX, DN cung cấp rau sạch muốn hình thành chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn nhưng bị trục trặc ở khâu giao hàng
Tương tự là trường hợp của HTX rau VietGap Phú Lộc (huyện Củ Chi), ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc HTX , cho biết trước đây mua 6 xe du lịch 16 chỗ, sau đó xin phép chuyển đổi công năng thành bán tải (xe chở 4 khách và 800 – 900 kg hàng), xe có hệ thống lạnh rất tốt để bảo quản rau quả theo yêu cầu của kênh phân phối hiện đại. Nhưng vừa qua, xe bán tải bị cấm lưu thông giờ cao điểm khiến HTX phải ngưng cung cấp hàng cho khoảng 20 điểm là siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Satra, Vinmart,…
Lý do là nhiều điểm chỉ nhận hàng từ 6-7 giờ mà HTX không thương lượng được việc giao sớm hơn do cửa hàng, siêu thị chưa có người nhận và trễ hơn (từ 8-10 giờ) do giao trễ không bán được. Đơn hàng bị mất chiếm khoảng 20% tổng sản lượng rau củ quả mà HTX đang giao vào kênh phân phối hiện đại, tương đương mất 2 tấn/ngày. Số hàng này HTX phải gửi đi bán ở chợ đầu mối hoặc các bếp ăn tập thể. Giờ 6 xe chuyển đổi của HTX chỉ chạy được trước 6 giờ sáng, không hết công suất nhưng cũng khó bán lại vì đã lỡ chuyển đổi công năng, không thể chở khách như trước.
Trước đó, ngày 21-6, HTX Phú Lộc đã nêu khó khăn trên với đoàn khảo sát thực tế của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam - TP HCM và nhận được đồng tình của nhiều đại biểu. Lý do là cần tạo điều kiện để rau sạch đến với người tiêu dùng bằng người phương tiện bảo quản đạt chuẩn. Không nên để xe máy, ba gác chở rau chạy vô tư trong khi xe đạt chuẩn là phải nằm chờ.
Tại một cuộc họp cuối tháng 5 vừa qua ở TP HCM, ông Cao Siêu Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), nêu nỗi khổ lớn nhất của công ty là chuyên giao hàng. Ban đầu bánh được giao bằng xe tải, sau bán tải, đến giờ phải lấy xe giám đốc đi giao hàng vì quy định cấm xe bán tải. Vấn đề là bánh của công ty cần được bảo quản bằng xe đông lạnh (âm 5 độ C) nên xe giám đốc không đạt nhiệt độ mà bên nhận (chủ yếu là các cửa hàng thức ăn nhanh trong nội đô) yêu cầu.
Được biết, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến đường lắp biển cấm xe tải và xe chở hàng có khối lượng trên 500 kg vào một số giờ nhất định (giờ cao điểm). Trước thời điểm tháng 4-2017, các xe bán tải (tải van) không bị ảnh hưởng nhưng sau đó được yêu cầu phải tuân thủ quy định này.
Theo tìm hiểu của PV, trong giờ cao điểm, một số trường hợp ô tô vận tải vẫn có thể được lưu thông như xe tải nhẹ chở hàng chuyển phát nhanh của các doanh nghiệp như: bưu phẩm, bưu kiện; xe tải nhẹ vận chuyển thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm phục vụ các trung tâm xã hội, siêu thị, chợ, khu công nghiệp,… nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xin phép và cấp phép mới được lưu thông.