Bên cạnh đó, công ty này cũng đã giảm vốn điều lệ xuống 1.840 tỉ đồng sau khi Công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) rút chân và có định hướng tăng vốn trở lại, nhưng không nêu rõ con số cụ thể.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco - mã chứng khoán TIS) vừa công bố thông tin cho biết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2017 mới đây của công ty này đã chấp thuận cho ông Nguyễn Quốc Huy thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Tisco nhiệm kỳ 2014-2019. Người thay vào vị trí Chủ tịch HĐQT của Tisco là ông Nguyễn Văn Tuấn.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ Tisco cũng chấp thuận cho ông Vũ Hoàng Long và ông Nguyễn Tiến Dũng được thôi giữ chức danh thành viên HĐQT, ông Trần Mạnh Hữu và ông Nguyễn Đức Huy thôi giữ chức thành viên Ban kiểm soát công ty nhiệm kỳ 2014-2019.
Đồng thời, thông qua kết quả bầu các ông Nguyễn Minh Hạnh, Ngô Đình Khôi và Nguyễn Văn Tuấn giữ chức thành viên HĐQT công ty; các ông Bùi Quang Hưng, Trần Quốc Việt giữ chức thành viên Ban Kiểm soát.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là một trong số 12 đại dự án yếu kém của ngành công thương phải tái cơ cấu.
Trong ngày 29-6 vừa qua, HĐQT Tisco cũng đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Nhà máy Luyện thép Lưu Xá giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc công ty kể từ ngày 1-7.
Một trong những nội dung quan trọng cũng đã được ĐHĐCĐ bất thường của Tisco thông qua trong lần họp vừa qua là điều chỉnh giảm vốn điều lệ của công ty từ 2.840 tỉ đồng xuống còn 1.840 tỉ đồng. Song công ty này cũng có chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan đến việc rút vốn của SCIC khỏi Tisco theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, văn bản ĐHĐCĐ không nêu rõ mục tiêu tăng vốn sắp tới sẽ là bao nhiêu.
Trước đó, vào hồi tháng 2, một nhà đầu tư tổ chức là CTCP Thương mại Thái Hưng đã trở thành cổ đông lớn của Tisco sau khi thực hiện mua vào 14,1 triệu cổ phần, nâng số cổ phần nắm giữ lên 14,2 triệu, chiếm tỷ lệ 5% vốn điều lệ Tisco.
Đến ngày 25-4 thì SCIC chính thức thoái toàn bộ 100 triệu cổ phần tương đương 35,21% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của Tisco.
Ngày 3-5, số lượng cổ phiếu của Công ty CP Thương mại Thái Hưng chính thức được nâng lên 36,8 triệu đơn vị, chiếm 20% vốn điều lệ Tisco.
Tisco là chủ đầu tư của dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 - một trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương. Dự án này có tổng chi phí đầu tư dự toán ban đầu là 3.843,67 tỉ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104,91 tỉ đồng.
Được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31-12-2016 là 4.635,5 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.435,4 tỉ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Tisco “chôn” tại dự án này đã tăng 197,45 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2016 và chiếm đến 99,4% tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Tisco hồi năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính của Tisco, chi phí phát sinh chủ yếu trong năm 2016 tại dự án này là chi phí lãi vay vốn hóa và tiền lương Ban quản lý dự án.
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố phương án xử lý 12 dự án yếu kém, trong đó, riêng với dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên có 3 phương án được xem xét. Cụ thể, phương án 1 là bán dự án; phương án 2 là kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án và phương án 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu Tisco.
Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi…, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Tisco.