Phải lo cho con cá!
Nguyễn Đức Hiếu, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP HCM, phụ trách chung của dự án, cho biết ý tưởng nảy sinh từ “nỗi ám ảnh thấy ăn cá giống như ăn cục u rê”. Theo Hiếu, cá không an toàn đang tràn lan ngoài thị trường, là mối hiểm họa lớn và hậu quả của nó vô cùng khủng khiếp.
“Chúng tôi sống ở vùng biển Hàm Tân - Bình Thuận gần 20 năm nên dễ dàng nhận biết được cá nào ngon và tươi. Nhưng từ lúc lên thành phố học, chúng tôi ít khi dám ăn cá biển bán ngoài chợ vì đa phần cá không sạch, không tươi”.
Từ trăn trở đó, Hiếu hạ quyết tâm: Phải lo cho con cá! Thế là Dự án chuỗi cửa hàng cá sạch M4S đã bắt đầu hình thành. Đồng sáng lập là ba chàng trai cùng tuổi, cùng quê Bình Thuận, đó là Nguyễn Đức Hiếu, Trần Anh Pháp, Cao Văn Phúc và ông Nguyễn Ngọc Mai (cha của Hiếu). Bên cạnh đó, dự án còn thu hút nhiều sinh viên, bà con ngư dân đồng hành và hỗ trợ nhiệt tình.
Đại diện M4S cho hay nhóm đã dành ra 6 tháng ròng rã để tiếp xúc ngư dân, cùng chi phí hơn 150 triệu đồng để nghiên cứu thành công bí quyết bảo quản hải sản tươi lâu mà không dùng hóa chất. Đến nay, nhóm đã xây dựng mối quan hệ, hợp tác làm ăn với hơn 100 chủ ghe ở biển Hàm Tân, La Gi (Bình Thuận) và đang tiếp tục mở rộng ra không ít vùng biển khác.
Trần Anh Pháp, phụ trách nguồn đầu vào, chia sẻ: “Muốn có cá sạch thì phải đầu tư và giám sát kỹ lưỡng tất cả các công đoạn, nên kinh phí rất nặng. Có thời gian tụi mình bị khủng hoảng tài chính trầm trọng. Hiện nay, mình vẫn là con nợ của người thân và bạn bè. May mà gia đình luôn tạo điều kiện cho tụi mình thực hiện ước mơ”.
Nhóm M4S đã thí điểm bán sản phẩm “cá làm sạch” tại P.24, Q.Bình Thạnh, TP HCM. Sau quá trình đo lường chất lượng và cải tiến công nghệ, nhà xưởng của nhóm ở Bình Thuận đã được cấp giấy chứng nhận "Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm". Mới đây, cửa hàng số 1 cá sạch M4S đã ra đời ở số 60 đường Tân Sơn Hòa, Q.Tân Bình, TP HCM (sát chợ Phạm Văn Hai).
Sáng tạo và cải tiến liên tục
Các thành viên trong nhóm M4S tâm sự từng bị áp lực trước những câu hỏi khó đỡ, kiểu như: “Là sinh viên, trí thức sao không làm việc gì cho sang mà lại đi bán cá?”, “Bán cá đông lạnh không ai ăn đâu!”… Tuy nhiên, M4S tự tin khẳng định: “Tụi mình không chỉ bán cá mà còn bán sự an tâm, hài lòng cho khách hàng”.
Vì sao có tên M4S? Đại diện nhóm giải thích: “M = I’m = Tôi. Tôi ở đây không chỉ một cá nhân mà còn là một tập thể hợp nhất, đoàn kết. 4 = For, S = nước VN. Nghĩa là tất cả đều hướng về Tổ quốc, đồng bào. Nói cách khác, M4S chính là cá cho người Việt”.
Nhóm đang từng ngày từng giờ cố gắng để có thể chạm đến những mục tiêu lớn đặt ra: Trở thành thương hiệu cá quốc gia, nhà phục vụ cá trực tiếp số 1 tại VN, được cộng đồng biết đến với biểu tượng uy tín nhất - chất lượng nhất - lớn nhất VN. Xứng đáng trở thành “vua cá Việt” để dẫn đầu Đông Nam Á, tiến tới phục vụ cá cho bữa ăn của nhiều người trên thế giới.
Nguyễn Đức Hiếu tâm tình: “Giá trị cốt lõi của dự án chính là sự chính trực, lương thiện, công bằng. Chúng tôi quan niệm, con người có chuẩn mực thì mới làm ra sản phẩm chuẩn được. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt lệnh phải học hỏi, sáng tạo và cải tiến liên tục”. Chàng trai này cũng từng phản biện thẳng thắn trước những bạn đồng trang lứa rụt rè nghĩ rằng mình còn trẻ, nên chưa dám làm gì: “Trẻ thì sao? Chưa có kinh nghiệm thì sao? Không gì có thể thay thế được niềm đam mê và lòng kiên trì”.
Trong khi đó, Trần Anh Pháp cam kết: “Chỉ cần tụi mình lệch nhịp, thấy hổ thẹn với chữ “sạch” thì coi như dự án này thất bại, phá sản luôn! Tụi mình quyết không để điều đó xảy ra”.