Tại cuộc trò chuyện với PV về tinh thần đoàn kết của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, ông Nguyễn Văn Đực bày tỏ sự bức xúc với “tật xấu” của người Việt là “cục muối chia đôi, cục đường nuốt gọn”.
Ông Đực cho hay: Người nước ngoài có quan điểm là hãy làm cái bánh lớn hơn trước khi chia phần, còn mình thì cố giành phần lớn nhất trong cái bánh đang có mà không có ý tưởng làm cái bánh lớn hơn. Để khi có phần nhỏ trong một cái bánh lớn thì vẫn được cái phần lớn hơn so với cái bánh nhỏ.
Cái dở của các doanh nghiệp Việt là thiếu đoàn kết trong hợp tác kinh doanh, mạnh ai nấy sống. Họ vượt lên và thoát khó mà không có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Ông Nguyễn Văn Đực bày tỏ sự bức xúc với “tật xấu” của người Việt là “cục muối chia đôi, cục đường nuốt gọn”
PV: Ông có thể đưa ra những minh chứng cụ thể nào cho thấy sự mất đoàn kết trong kinh doanh?
Ông Nguyễn Văn Đực: Cạnh tranh không lành mạnh, làm hàng nhái, hàng giả là biểu hiện tiêu biểu của mất đoàn kết. Lấy tên trùng nhau, logo gần nhau, nhãn mác gần giống như nhau... đó là cái phá hoại nghiêm trọng nhất đối với thương hiệu một doanh nghiệp.
Hùn hạp làm ăn rồi sau một thời gian lại chia bè, chia phái trong công ty. Nội bộ không đoàn kết, tranh giành quyền lực, quyền lợi đưa đến không đồng tâm cộng khổ đưa doanh nghiệp tiến lên. Chưa nói doanh nghiệp A, B mà trong từng doanh nghiệp cũng có tệ nạn khi ai giành quyền lợi cũng độc tài, độc đoán, chuyên quyền. Một ông giám đốc có cổ phần 20-30% trong công ty nhưng ông vẫn sẵn sàng làm một điều gì đó thiệt hại cho công ty để móc ngoặc, tham nhũng. Đáng lẽ hợp đồng 10 đồng thì ông khai lên 15 đồng để lấy 5 đồng đó.
Nhiều cuộc họp tranh luận như… mổ bò. Cổ đông lật đổ ông này, ông kia vì ông đó không hoàn thành đúng nhiệm vụ, có tư lợi tham ô.
Trong các cuộc họp, cổ đông chất vấn lẫn nhau là dấu hiệu tốt để phát triển?
Việc chất vấn như trên không xảy ra ở doanh nghiệp phát triển mà xảy ra ở doanh nghiệp có thua lỗ. Nhiều giám đốc có một chút bê bối nhưng doanh nghiệp tốt thì có thể chấp nhận cho họ lấy công chuộc tội. Anh làm thiệt hại 1 đồng nhưng anh làm lợi 10 đồng vẫn dễ tha thứ. Ở đây, có trường hợp anh làm thiệt hại cho doanh nghiệp 10 đồng mà anh lại còn tư lợi.
Người Nhật có văn hoá minh bạch và trong sạch từ hàng trăm năm nay nên công ty họ đoàn kết. Những công ty như Honda, Toyota xuất phát điểm nhỏ nhưng nhờ làm tốt đã tạo thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có nhiều người nhờ quyền lợi, thế lực đưa đẩy trở thành chủ doanh nghiệp mà không qua trường lớp, rèn luyện, lao động, bỏ qua thử thách dẫn đến yếu kém về năng lực, bê bối đạo đức nên doanh nghiệp mình sao mà so với Nhật được.
Ông vừa nhắc đến thương hiệu quốc gia, vậy Việt Nam mình đã có thương hiệu nào tầm cỡ để “không thể lẫn vào đâu được” khi vươn ra biển lớn chưa?
Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ thời gian để tạo được thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu có rồi lại mất hoặc chỉ mới quanh quẩn trong nước, chưa bước ra ngoài.
Ta tự hào thức ăn của mình phong phú đa dạng nhưng chưa có thương hiệu quốc gia về ẩm thực. Ta chỉ có món phở, bánh mì và cũng quẩn quanh đâu đó chứ sao bằng Lẩu Thái của Thái Lan, Sushi của Nhật, kim chi của Hàn…
Một thương hiệu lớn từng nhiều lần vượt đại dương sang Mỹ nhưng không cạnh tranh được. Và rốt cuộc vẫn chỉ là ao làng so với thế giới.
Trước đây, lĩnh vực bất động sản cũng có nhiều anh đầu tư ra nước ngoài nhưng chỉ với số tiền vài chục triệu USD. Số tiền này như muối bỏ biển, như cát trên sa mạc. Nhiều lần ta đưa sản phẩm ra nước ngoài nhưng không thành công. Đầu tư nước ngoài thành công nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt cũng chỉ ở Myanmar, Campuchia, Lào.
Cách làm thương hiệu của doanh nghiệp chúng ta chưa tốt. Tiềm lực tài chính không đủ để truyền thông tới nơi tới chốn. Cứ như phú nông nhà quê lên Sài Gòn thì tài sản, trình độ anh bằng ai mà PR được ở đất Sài Gòn.
Thôi thì trước mắt hãy cạnh tranh trong ASEAN rồi hãy ra châu Á, Mỹ. Nhiều ông trong ASEAN chưa là gì đã vội vã qua Mỹ PR thương hiệu thì chỉ có nước chết thôi.
Trong kinh doanh có triết lý là “bán cái người ta cần” nhưng mình có gì để người ta cần?
Phải đi vào sản phẩm nông nghiệp, bởi đó là cái trong tầm tay. Làm tốt những sản phẩm để nổi tiếng như bánh phồng tôm, đậu tương, bánh tráng, nước mắm... sau đó mới tính đến một số lĩnh vực sản xuất về linh kiện điện tử, công nghệ thông tin…
Việt Nam từng mơ mộng là một trong những nước sản xuất tàu biển của thế giới nhưng thất bại từ vụ Vinashin. Mình khó thành nước đại công nghiệp khi các nước khác đi trước Việt Nam nhiều thập kỷ. Đừng nói máy bay, tàu ngầm, tàu thuỷ cho nó xa vời, ngay cả túi da mình muốn sản xuất cạnh tranh thế giới cũng không nổi.
May mặc chẳng qua gia công vì đâu có vải, phụ kiện tốt! Cái phẹc-mơ-tuya là cái khó làm chứ không phải dễ. Cầm cái phẹc-mơ-tuya hàng hiệu thì kéo rất êm, nhẹ, mềm tay, trong khi linh kiện của mình kém, kéo phát nghe rột rột.
Tôi có một anh bạn “trùm” da giày Việt Nam nhưng khi qua bên Ý coi nhà máy thuộc da của họ thì “bật ngửa” là mình không thể làm được. Công nghệ thuộc da người ta tuyệt vời, cầm mềm, mượt, còn thuộc da mình cứng ngắt như bánh mì khô thì làm sao mà thuyết phục người ta.
Mình có sữa bò có nhưng có làm được phô mai đâu. Trong khi thế giới có hàng ngàn loại phô mai.
Phải suy nghĩ tính toán cho kỹ thế mạnh của mình là gì rồi tập trung vào để có được thương hiệu quốc gia. Phải tìm hướng đi riêng nhưng thuộc sở trường của mình như gạo, bắp…
Nghĩa là chúng ta chưa phát triển, chưa sẵn sàng để hội nhập, thưa ông?
Bản thân doanh nghiệp trong nước cũng muốn hội nhập nhưng thực lực rất yếu. Nếu hội nhập sẽ bị mua hết. Thực tế, mới hội nhập là đã bị hoà tan ngay trong nước rồi. Chưa kịp cử “quân” đi “đánh” thì họ đã tràn vào mua.
Chỉ còn cơ hội liên kết nước ngoài để dựa vào đồng vốn, kỹ thuật, trình độ tiếp thị… của họ. May ra, với sự hợp tác đó mới có thể bảo tồn doanh nghiệp của mình, thay đổi cung cách kinh doanh sản xuất thì mới vươn ra được với các nước ASEAN.
Vừa rồi chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: Việt Nam là nước lạ lùng nhất thế giới - không chịu phát triển. Theo tôi, bà Lan nói đúng vế đầu - “lạ lùng nhất thế giới”. Không những trong lĩnh vực kinh tế, ở các mặt khác, chúng ta cũng có nhiều cái… không giống ai.
Ở vế sau “không chịu phát triển” thì chuyên gia này chưa nói đủ hết thực tế. Vì nếu nói chúng ta không chịu rồi ngày mai chúng ta chịu nghĩa là chúng ta đã đổi được. Tôi thì dùng chữ “không thể phát triển”. Nếu cứ với cung cách, tư duy, tập tục như thế này thì không thể phát triển chứ nói gì đến không chịu. Dù có chịu cũng không được.
Vậy để “vươn ra biển lớn”, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì?
Phải có những thay đổi để hỗ trợ cho doanh nghiệp không bị khó khăn, bắt chẹt, đánh thuế quá cao. Không để doanh nghiệp phải đi lo lót, hối lộ. Phải giảm lạm phát, giảm lãi suất ngân hàng bởi lâu nay ngân hàng quá tàn bạo, rút sạch của doanh nghiệp. Những năm 2011-2012, lãi suất 25-27%, doanh nghiệp nào chịu nổi. Biết bao doanh nghiệp âm vốn.
Từng doanh nghiệp phải trong sạch hoá đội ngũ của mình. Đặc biệt phải đoàn kết, phải nhìn về một hướng chứ không phải đấu đá, chia 5 xẻ 7.
Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp buộc lòng liên kết với các thế lực có đồng vốn cao để có thể phát triển. Đồng vốn không nhiều thì không thể tạo lực mạnh để vươn ra được. Tàu nhỏ làm sao vươn ra biển mà phải kèm theo tàu lớn. Đây là thời điểm chấp nhận sáp nhập, mua bán, tạo bước ngoặt mới để phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!