Thành lập từ năm 2009, Công ty Thanh long Song Nam chuyên xuất khẩu thanh long từ Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận sang các nước. Ông Nguyễn Quốc Duẩn, Giám đốc công ty này cho biết hiện sản phẩm của ông đã có mặt tại 8 quốc gia trên thế giới, có cả thị trường khó tính như Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm của Song Nam xuất khẩu ra nước ngoài phải qua nhiều trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng.
Hàng Việt xịn phải "đội lột" vào siêu thị nước ngoài
Nguyên nhân là doanh nghiệp chỉ mới tiếp cận được các nhà nhập khẩu, hoặc nhà phân phối sỉ; chưa vào trực tiếp được siêu thị. Do đó, dù thanh long có giá bán rất cao tại các siêu thị của Mỹ, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp có được chẳng là bao.
Nói về lý do chưa bắt tay được với các chuỗi siêu thị nước ngoài, ông Duẩn cho biết chủ yếu nằm ở phương thức thanh toán.
Các nhà nhập khẩu thường sử dụng phương thức thanh toán quốc tế như T/T, L/C, D/P- tức hàng vừa xuất đi thì được thanh toán ngay, thì theo thông lệ lâu nay, siêu thị vẫn được ưu tiên bán được hàng mới trả tiền. Theo đó, thời gian thanh toán của các siêu thị nước ngoài thường khoảng 30 – 45 ngày từ khi hàng nhập kho (cá biệt Dubai có thể lên đến 3 tháng).
Quy mô doanh nghiệp nhỏ trong khi yêu cầu của siêu thị nước ngoài phải đáp ứng lượng hàng lớn, chất lượng ổn định, thời gian thanh toán kéo dài khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Bình Thuận khó có thể đáp ứng. Ảnh minh họa: Đ. Hòa.
Nếu cộng thêm thời gian vận chuyển, thì theo ông Duẩn, nhiều lô hàng xuất đi 2 -3 tháng mới nhận được tiền, trong khi doanh nghiệp lấy hàng từ nông dân thì phải trả tiền ngay.
“Khi bán hàng vào siêu thị, họ thường yêu cầu lượng hàng rất lớn để nhập vào kho tổng, có khi lên đến 1-2 conainer/ngày, nên vốn của doanh nghiệp phải rất lớn mới dám làm”, ông Duẩn cho hay.
Cũng vì khó khăn này mà vừa qua, khi ba chuỗi siêu thị lớn đến từ Mỹ, Thái Lan và Dubai đặt vấn đề lấy hàng, Song Nam phải từ chối, dù biết rõ chỉ cần vào được một trong ba chuỗi siêu thị này, lượng hàng xuất đi mỗi ngày rất đáng kể.
Hiện chính phủ nhiều nước đã hỗ trợ bằng cách thành lập nên những tổ chức tài chính thứ ba độc lập. Tổ chức này có trách nhiệm thanh toán cho bên xuất khẩu, khi các siêu thị đã nhận được hàng và có báo cáo chất lượng sản phẩm. Đến thời hạn thanh toán 30 – 45 ngày sau, các siêu thị sẽ thanh toán lại cho tổ chức đó. Ông Duẩn kiến nghị cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu, đề xuất xây dựng những tổ chức tài chính tương tự, để hỗ trợ doanh nghiệp muốn xuất khẩu trực tiếp vào siêu thị của nước ngoài.
Bắt đầu xuất khẩu từ năm 2006 đến nay, và đã tiếp cận được hơn 11 quốc gia như Đức, Pháp, Nhật, Thái Lan… nhưng với ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế - doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm giày dép, dây nịt, túi thơm từ gỗ và vỏ cây quế, cũng xem việc đưa hàng trực tiếp vào siêu thị các nước là ngoài tầm với.
Do quy mô nhỏ, cộng thêm ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chỉ là làm sao bán được càng nhiều hàng càng tốt, nên đành nhượng bộ, chấp nhận sản phẩm của mình xuất đi phải mang thương hiệu nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối sỉ. Hàng hoá Việt Nam trên các kệ siêu thị nước ngoài chỉ còn một dòng “Made in Vietnam” nhỏ xíu, không có tên doanh nghiệp sản xuất.
Cũng vì vậy mà đã có hàng xuất hiện trong chuỗi siêu thị nào đó, nhưng đến khi doanh nghiệp trực tiếp đàm phán lại gặp khó vì chưa có thương hiệu.
Tự thân doanh nghiệp khó có thể đưa sang phẩm của mình vào trực tiếp tại các siêu thị nước ngoài. Ảnh: Xoài tươi Việt Nam trên kệ hàng ở thành phố Perth, bang Tây Australia. Ảnh: Vietnamtradeoffice.net.
“Tôi kiến nghị là khi ký các hiệp định thương mại với các nước, cần quan tâm yếu tố này. Làm thế nào để các sản phẩm tốt của Việt Nam đã được các nước chấp nhận thì họ phải biết hàng đó là của Việt Nam, của doanh nghiệp nào sản xuất”, ông Sơn chia sẻ.
Cơ hội ở đâu?
Một sản phẩm khi đã được chấp nhận vào chuỗi siêu thị tại một quốc gia, sẽ có cơ hội rất lớn được xuất hiện trong cùng chuỗi siêu thị tại các quốc gia khác.
Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu trực tiếp vào chuỗi phân phối nước ngoài không những giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu, mà lượng hàng xuất khẩu cũng sẽ tăng đáng kể. Bởi các tập đoàn phân phối lớn thường có hệ thống phân phối rộng tại nhiều quốc gia (AEON có 14.000 cửa hàng tại châu Á và Nhật Bản; Auchan có hơn 4.000 cửa hàng tại châu Âu; Lotte Mart có gần 300 trung tâm thương mại tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam).
Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu như Casino của Pháp, Metro Cash & Carry và Sehrgros Đức, Makro (Cộng hòa Séc); Coop và Conad (Italia), Aeon và Lotte ở châu Á, hàng năm tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại các chuỗi siêu thị nước ngoài”. Tính từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức 10 sự kiện “Tuần hàng Việt Nam” tại châu Âu, châu Á và được đánh giá thành công, mang lại hiệu quả cho cả hai bên.
Ông Nishitoghe Yasuo - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam - cho hay có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng cho hệ thống của Aeon trên cả nước. Aeon cũng rất tích cực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua hệ thống Aeon tại châu Á và Nhật Bản.
Trong năm 2016, hệ thống đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường. Trong đó chỉ riêng cá tra đã đạt 1.500 tấn với trị giá 9 triệu USD.
Tại Central Group, ông Trần Thanh Hải- Phó chủ tịch đối ngoại và pháp lý, cho biết tập đoàn này đã thành lập một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, để hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ muốn cung ứng sản phẩm vào chuỗi phân phối của Central Group.
Riêng với khó khăn về phương thức thanh toán, ông Hải cho biết thời gian thanh toán phổ biến của hệ thống siêu thị của Central Group cũng là từ 30 – 45 ngày từ khi hàng về kho. Nhưng đã có văn phòng tại Việt Nam, nên đơn vị này thực hiện thanh toán cho các doanh nghiệp bằng tiền Việt Nam ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, để tăng khả năng đối trọng khi đàm phán với các chuỗi siêu thị nước ngoài, ông Hải khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần liên kết thành những tổ chức như hội và hiệp hội. Bên cạnh đại diện tiếng nói chung, hiệp hội còn giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhận được đơn hàng lớn hơn.