Trước tình hình đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương khẩn trương tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Người sản xuất cũng đang kỳ vọng những vướng mắc cần tháo gỡ, nếu không sẽ lại có một cuộc “giải cứu gạo” sau khi giải cứu thịt lợn, dưa hấu, chuối.
Hoạt động tại một Công ty xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: P.V
Lối ra cho gạo Việt quá chật hẹp
Không riêng gì Việt Nam, Thái Lan hiện cũng đang ứ thừa nhiều triệu tấn gạo tồn kho. Để “xả van”, quốc gia này sẽ “xả” 8 triệu tấn gạo tồn. Điều này có nghĩa là lối ra cho hạt gạo Việt vô cùng chật hẹp. Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) cho biết: Tình xuất khẩu gạo năm 2016 vốn đã khó thì năm 2017 được dự báo là sẽ khó khăn hơn.
Dù bước sang gần hết tháng 3/2017 nhưng công ty chưa ký được hợp đồng xuất khẩu nào, mà chủ yếu giao hàng cho những hợp đồng năm trước. “Diễn biến thị trường lúa gạo sẽ rất khó lường. Nhưng chắc chắn, tình hình tiêu thụ lúa gạo sẽ gặp khó khăn hơn năm 2016. Bởi, nguồn lúa gạo trong nước rất lớn nhưng các thị trường nhập khẩu truyền thống của chúng ta như: Philippines, Indonesia đã tự chủ được nguồn lương thực, một số thị trường nhập khẩu cũng đang siết chặt chất lượng.
Ông Lê Thanh Khiêm - Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang - cho rằng: “Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, dù tình hình khả quan hơn nhưng xuất khẩu gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung, người mua sẽ quyết định thị trường thay vì người bán như những năm trước đây.
Do đó, bắt buộc phải nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục chi phối thị trường lúa gạo Việt Nam trong năm nay. Chính vì vậy mỗi sự thay đổi của thị trường này cũng đủ làm cho thị trường lúa gạo Việt Nam nóng - lạnh theo. Khó khăn của ngành lúa gạo năm nay được dự báo còn lớn hơn khi thị trường này không còn dễ tính như trước”.
Một tin không vui là mới đây, Tổng thống Philippines thông báo tạm dừng nhập khẩu gạo để bảo vệ sản xuất trong nước là một cú giáng khá mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ta.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, không chỉ riêng Philippines, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ việc chính phủ nhập khẩu chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo.
Đồng thời, chính phủ các nước này có những chính sách quyết đoán về an ninh lương thực, từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Như vậy, lối ra cho hạt gạo xuất khẩu đang chưa mấy sáng sủa.
Giải pháp nào cho bài toán lúa gạo?
Chuyên gia nông nghiệp, GS TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, với khoảng 1 triệu tấn gạo đang tồn trong kho của các DN, rõ ràng lượng lúa gạo đang dư thừa, bán không được, vậy sao cứ phải liên tục trồng lúa?
Các địa phương tạm dừng trồng lúa một vài vụ, mà chuyển trồng các cây khác có giá trị, có thị trường. Đối với gần 1 triệu tấn lúa gạo đang tồn kho, đây là con số không an toàn khi khả năng xuất khẩu năm nay chưa có tín hiệu lạc quan trở lại.
Vì vậy, các DN cần xem xét lại quy mô sản xuất lúa gạo của năm 2017. Với gạo tồn kho, có thể hỗ trợ để Nhà nước cấp cho các tỉnh cần được hỗ trợ cứu đói trong dịp giáp hạt. Nhìn chung, ngoài số lượng theo đơn hàng xuất khẩu, lượng lúa gạo dự trữ chỉ nên ở mức vượt 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Có như vậy mới không xảy ra tình trạng dư thừa, phải giải cứu.
Theo GS. Võ Tòng Xuân thời của lúa gạo cấp thấp đã hết. Các DN cần lưu ý chuyển hướng xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm với loại giống thuần chủng, sản phẩm gạo phải đồng nhất, không pha trộn. Muốn như vậy, cần có quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, các DN cần bao tiêu đầu ra đối với các cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng cao, giám sát từ khâu xuống giống đến khâu chế biến, xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ, cũng như cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ giống, vay vốn ưu đãi… cho nông dân để phát triển trồng lúa chất lượng cao, giảm bớt sản lượng gạo trung bình.
Trao đổi với PV, GS.TS Vũ Văn Liết - giảng viên bộ môn Di truyền chọn giống cây trồng - Thư ký Hội đồng Học viện Kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng: Giải pháp cho hiện tại là nhà nước phải trợ giúp các DN thúc đẩy ngay thị trường Châu Phi để giải cứu, bởi phân khúc thị trường Châu Phi yêu cầu mức chất lượng lúa gao gần tương tự Trung Quốc.
Còn thị trường khác yêu cầu chất lượng cao hơn rất nhiều chúng ta không thể bán cho họ số lượng gạo đang tồn kho này. Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng được thị trường ổn định mới tổ chức sản xuất. Sử dụng các giống lúa và kỹ thuật canh tác đáp ứng được yêu cầu thị trường.
“Nhà quản lý đừng nói dân phải trồng lúa gì, bao nhiêu mà phải là doanh nghiệp. Nhưng hiện nay DN chỉ thực hiện chủ yếu đầu vào như bán giống, phân bón thuốc trừ sâu là chính lấy lợi, khi dân sản xuất xong không biết bán cho ai, bán ở đâu thế là người dân nuôi mấy ông DN là chính, lại được nhà nước hỗ trợ nghiên cứu, trợ giá cho mấy ông doanh nghiệp chuyên cung cấp đầu vào và vô trách nhiệm đầu ra” - TS. Vũ Văn Liết thẳng thắn nói.