Trước khi "bén duyên" với giáo dục, ông Nguyễn Thành Nam được mọi người biết đến là một trong 13 công thần sáng lập Tập đoàn FPT và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp này.
Năm 2011, khi tròn 50 tuổi, ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Sau đó, ông khởi xướng dự án FUNiX, đại học trực tuyến 3 không: không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa vào năm 2013.
Làm thầy khởi nghiệp
Giải thích lý do chọn hướng đi "chẳng giống ai", ông Nam khẳng định hiện tại là thời điểm thích hợp phát triển đại học online, bởi Internet ngày nay đã phổ cập. Những công cụ giao tiếp qua mạng hiện rất tốt về mặt hình ảnh, âm thanh dù đường truyền tốc độ thấp. Nó hỗ trợ việc học trực tuyến hiệu quả, với chi phí rẻ.
Đặt chân đến nhiều quốc gia, chứng kiến nền giáo dục đại học đại trà đang khủng hoảng trên toàn thế giới vì không thể bắt kịp với thực tế đang thay đổi nhanh chóng, ông Nguyễn Thành Nam nhận ra giáo dục luôn đòi hỏi sự sáng tạo. "Việt Nam cần tìm được con đường của mình, có thể học hỏi Ấn Độ, Philippines hay Mexico..., những quốc gia đa dạng về phương thức giáo dục", ông chia sẻ thêm.
Theo cựu CEO FPT, sinh viên Việt Nam cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách kết nối… để vươn lên ngang tầm thế giới bởi đây là thế hệ sẽ làm nên sự phát triển và thay đổi của đất nước. Vị doanh nhân nổi tiếng mong sinh viên học chủ động hơn, tiếp thu và biết chọn lọc kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau…
Từ suy nghĩ bản lĩnh đó, dự án FUNiX ra đời với cương lĩnh "Dạy không quan trọng bằng dỗ. Học không quan trọng bằng hỏi". Ở ngôi trường trực tuyến này, thay vì tới giảng đường, người học có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Điểm khác biệt của ngôi trường này là không sử dụng giảng viên, người truyền đạt kiến thức được gọi là các "mentor" (người hướng dẫn). Mentor vừa là người dạy, người bạn, kiêm đồng hành và có thể là đồng nghiệp hay đối tác của người học. "Còn học viên có thể là bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, ngành nghề, miễn là có nguyện vọng học và có cam kết", cựu CEO FPT cho biết.
Trong quá trình theo học, học viên phải tự học tài liệu, làm bài tập, tự đặt hỏi đáp với mentor, tham gia các dự án, thi và làm đồ án tốt nghiệp. Để được cấp bằng cử nhân công nghệ phần mềm, học viên phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành.
Hành trình không trải hoa hồng
Với sự hậu thuẫn là công ty mẹ - Tập đoàn FPT, startup giáo dục này vẫn gặp vô vàn khó khăn. Lý do vì quá mới và lạ. Từ ý tưởng đến hiện thực hóa FUNiX là hành trình dài hơn 2 năm, trong đó, phần nhiều thời gian giậm chân tại chỗ vì những người đứng đầu chưa tìm được phương thức phù hợp.
Khi bảo vệ dự án trước tập đoàn FPT, mọi người vẫn chưa thực sự tin vào mô hình mới này. Đầu tháng 9/2015, ông tuyên bố: "FUNiX không có cố gắng làm tốt hơn mà hoàn toàn đi một con đường khác". Ngày 14/9/2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT đồng ý thành lập dự án trường đại học trực tuyến này.
Khi biết cựu CEO FPT làm FUNiX, một người bạn của ông đã viết trên Facebook: "Nhà nước tốn tiền cho ông Nam đi học để về nói những điều nhảm nhí. Làm sao mấy cái video trên mạng cộng với sự dỗ dành của mấy ông thầy vừa học vừa làm, lại có thể thay thế các giảng đường và những vị giáo sư bạc đầu".
Một chuyên gia công nghệ thông tin từ Mỹ đã mail cho ban đào tạo, rằng FUNiX chẳng qua là một trò lừa đảo, và thách thức ông Nam trả lời trên diễn đàn.
Lấy được lòng tin từ cộng sự nhưng với người học, người dạy lại là bài toán khó tiếp theo. Những ngày đầu tiên xây dựng, nhiều chuyên gia uy tín không tin tưởng vào mô hình các khóa học mở và người hướng dẫn trực tiếp. Phụ huynh chưa tin tưởng vì không thầy làm sao học được? Học sinh cũng chưa hiểu, chưa quen với cách học mới phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và phải hỏi.
"Tôi chấp nhận đương đầu với khó khăn, những hoài nghi, thậm chí chỉ trích vì tôi tin những gì mình theo đuổi. Làm thầy rất khó. Làm thầy khởi nghiệp sẽ khó hơn 1.000 lần vì cái bạn mất không chỉ là tiền bạc mà là cả thế hệ", người sáng lập đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam quả quyết.
Sải bước vươn xa
Dù con đường khởi nghiệp lại không trải hoa hồng, nhưng bản lĩnh, sự kiên định với mục tiêu đã đặt ra giúp vị doanh nhân U50 bước đầu gặt hái thành công.
Ông tâm sự, không lâu sau đó, Chủ tịch Đại học FPT Lê Trường Tùng gửi FUNiX bài báo của giáo sư Richard Muller (Đại học UC Berkeley). Trong đó, giáo sư trình bày 15 nguyên tắc của một trường đại học tương lai - đại học Internet, một trường đại học có chất lượng Mỹ và học phí của các nước thứ ba. “Thật may mắn, 15 điểm của giáo sư Muller gần như hoàn toàn trùng với triết lý đào tạo của FUNiX. Chúng tôi tự tin là đã đi đúng đường”, ông Nam tự hào nói.
Về ý nghĩa của tên trường, cựu CEO FPT giải thích đây là kết quả của một cuộc bỏ phiếu với nhiều đề xuất tên phải có 2 âm và bắt đầu bằng chữ F. Có một số cách hiểu như F là chữ đầu của FPT, Unix là tên một hệ điều hành máy tính nổi tiếng, hay FUNi là FPT University, còn X là "X project" (dự án đặc biệt)... Hoặc hiểu là FUN (vui vẻ) và X (đặc biệt).
Sau tròn một năm hoạt động (20/11/2015 - 20/11/2016), ông tự đánh giá FUNiX đã nhận những tín hiệu tốt, có được sự ủng hộ từ các nhà giáo dục, chuyên gia công nghệ thông tin cũng như sinh viên. Trường đang có khoảng 600 học viên, trẻ nhất là 14 tuổi và người cao tuổi nhất đã 76, đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đội ngũ mentor đã tăng lên gần 300 người, thuộc 10 nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
"Trong tương lai không xa, ngoài công nghệ thông tin, FUNiX chắc chắn sẽ mở rộng lĩnh vực đào tạo, ví dụ như kinh tế, kế toán, đồ họa, an toàn thông tin, kiến trúc... và tất cả đều 'trên mây' như hiện nay", hiệu trưởng Nguyễn Thành Nam chia sẻ.