Vào những năm giữa thế kỷ XX, khu Lò Gốm ở Sài Gòn khá rộng, bao gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định – Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo – Gò Cây Mai (quận 11). Lúc xưa, các ống khói từ mỗi lò ngày đêm nhả khói trải dài từ kênh Ruột Ngựa kéo xuống tận rạch Lò Gốm.
Quá trình đô thị hóa, diện tích đất ở ngày càng ít đi, cuộc sống của người dân càng hiện đại, bếp ga thay thế bếp than khiến cho các lò đất dần dần mất đi. Hiện tại, chỉ duy nhất cơ sở Hưng Lợi (phường 16, quận 8) của ông Trần Văn Tiếp (hay gọi là Năm Tiếp) còn hoạt động.
Ông Năm Tiếp bảo: “Nhờ có đứa con biết cách quảng bá thương hiệu, tìm mối nên cơ sở của tôi trụ được đến ngày hôm nay. Không thì cũng “đứt bóng” như những lò gốm khác”.
Ông Năm kể ông theo nghề từ khi mới 10 tuổi. Khi trưởng thành, gia đình để lại mảnh đất 2.000m2 để kinh doanh. Có người khuyên ông nên xây nhà cho thuê trọ hoặc bán đất gửi tiền ngân hàng mà ăn lãi. Nhưng ông quyết định dồn hết sức lực vào gầy dựng lò đất. Ông say sưa nói về quyết định của mình: “Nghề gốm giúp tôi giữ lại truyền thống của làng quê, tuổi thơ. Nó không chỉ là công việc mưu sinh mà là đam mê của tôi. Bùn đất là thứ bỏ đi nhưng biết cách sáng tạo sẽ thành một đồ vật hữu ích trong cuộc sống”.
Nói xong, ông Tiếp kéo chúng tôi tham quan lò gốm của ông. Tại đây, có trên 30 thợ đang hoạt động làm việc. Trong đó, gần 10 người đã ngoài 60, họ từng là chủ lò gốm nhưng vì hoạt động khó khăn nên họ bỏ lò chuyển sang làm thợ.
Thấy chúng tôi đang tìm hiểu về lò gốm, ông Trần Quyền (nay 68 tuổi), gạt mồ hôi, tắt máy quay lò phân trần: “Tính đến nay tôi đã trên 40 năm gắn bó với nghề. Có thời tôi làm riêng, tự mở cơ sở nhưng không tìm được đầu ra, nguồn nguyên liệu phải vận chuyển từ Long An tốn nhiều chi phí nên phải thua lỗ. Thế là bỏ nghề đi làm việc khác. Nay tuổi già, nhớ mùi đất nên quay lại làm thuê cho ông Tiếp”.
Mang chuyện về lò gốm xưa náo nhiệt, ông Quyền tâm sự: “Nhớ lại khung cảnh sầm uất mà buồn lắm. Chúng tôi có nhiệm vụ nối nghiệp cha ông mà không thực hiện được, đôi khi cảm thấy hổ thẹn. Riêng tôi, cảm phục ông Tiếp vì đã dám giữ được “hồn gốm” với bất cứ giá nào. Ổng bảo với tụi tôi, đứa nào chịu cùng ông gầy dựng lò gốm thì ông sẽ giúp đỡ hết sức khi gặp khó khăn”.
Một nghệ nhân khác cho biết trước đây đất nguyên liệu được lấy ngay tại bến Phú Định, một phần được vận chuyển từ huyện Nhà Bè để bán lại. Nay không còn đất nữa, phải thu mua tận Gò Công (Tiền Giang), Cần Đước (Long An). Địa chất mỗi nơi một khác, nên màu đất, chất lượng có phần thay đổi một ít. Sản phẩm làm ra được phân phối bán đi khắp các tỉnh ở miền Nam lẫn Tây Nguyên. Một ít được xuất sang Thái Lan, Singapore, Úc, Mỹ. Không ít du khách nước ngoài, Việt kiều mỗi khi đến Sài Gòn tìm đến lò gốm của ông để tham quan, mua sắm. Họ xem đây là một địa chỉ du lịch khám phá thú vị.
Sản phẩm ở đây được phân chia làm 6 mẫu mã kích thước khác nhau. Giá dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/cái. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông Năm Tiếp xuất xưởng gần 500 bếp lò. Nhưng hễ cận Tết, nhân công phải tăng ca để cho ra số sản phẩm gấp 3 lần ngày thường để dáp ứng đủ nhu cầu.
Tết năm nay chỉ còn mỗi cái ống khói dưới chân cầu Rạch Cây (Đại lộ Võ Văn Kiệt) hoạt động. Người ta bảo với nhau, nếu lò của ông Năm Tiếp ngưng hoạt động, xóm Lò Gốm ở Sài Gòn xem như xóa sổ, chỉ còn nằm trong các trang sách, báo.
Ông Tiếp bảo với chúng tôi, sang năm ông tính chuyện xây dựng một thương hiệu hẳn hoi để có thể vực dậy nghề gốm Sài Gòn.
Nguyên liệu được lấy từ Long An, Tiền Giang, vận chuyển qua đường thủy, bao gồm đất sét, trấu, xơ dừa.
Để tạo hình dễ dàng, tránh bị nứt khi nung trong bếp lửa phải dùng khuôn nhôm ép vào.