Các nhà cung cấp thức ăn nhanh như McDonald’s, KFC, Vietnam Air Caterers…, các thương hiệu bánh nổi tiếng như Tous Les Jours, Brodard…, bánh ở nhiều siêu thị, bánh trung thu của nhiều khách sạn năm sao, đều do ABC Bakery cung cấp.
Phải “đã” thay vì “sẽ”
Tại sao kể cả các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam đều tìm đến ABC Bakery? Ông Kao Siêu Lực, giám đốc ABC Bakery đúc kết kinh nghiệm: “Cơ hội thị trường đến với người đã chuẩn bị, chứ không đến với người sẽ chuẩn bị”.
Đã chuẩn bị ở đây là uy tín chất lượng, cái mà không thể ngày một ngày hai có được. Và quan trọng hơn là: “Họ hỏi tui đều nói làm được chứ không lắc đầu như mấy chỗ khác. Tui rất chú trọng R&D, am hiểu kỹ thuật làm bánh nên khi họ nêu yêu cầu, tôi biết chắc chắn làm được”.
Cũng nằm trong triết lý “đã chuẩn bị”, ông Lực cho biết trong bốn tháng nữa sẽ khánh thành nhà máy mới. Ông Lực lường trước chuyện McDonald’s sẽ yêu cầu sản phẩm riêng không đụng hàng khi sản lượng của họ đủ lớn.
Sự chuẩn bị của ông Lực còn nằm ngay trong sự lựa chọn phân khúc thị trường. Ông chọn bánh tươi thay vì bánh Tây. “Với bánh Tây, muốn làm sẽ phải mua máy móc của Tây. Họ am hiểu ưu nhược điểm của máy do họ cung cấp. Do vậy, nếu sản xuất thành công, họ chỉ cần đưa sang máy hiện đại hơn một chút là họ lấy hết thị trường. Bánh Tây là loại có thể trữ lâu và sản xuất lớn. Họ sản xuất lớn, bán giá rẻ lại không đòi lấy tiền ngay thì mình sẽ rất khó cạnh tranh”.
Làm bánh tươi quản lý khó hơn nhiều. “Họ nhìn họ ngán, nên thôi thì hợp tác. Đôi bên cùng có lợi”, ông Lực nói.
Muốn bánh Việt Nam ngon
“Ông có cảm thấy thiệt thòi không khi người ta ăn bánh do ông sản xuất mà không biết đến tên ông?” Trả lời câu hỏi này, ông Kao Siêu Lực chia sẻ quan điểm: “Mình mạnh về sản xuất. Họ mạnh về bán hàng. Hợp tác cùng phát triển, đôi bên cùng có lợi thay vì phải cạnh tranh. Họ bán giỏi thì cứ giao cho họ bán. Đừng thắc mắc sao mình bán cho họ giá rẻ mà họ bán mắc vậy?.
Với các tập đoàn quốc tế thì đây chính là cách tham gia và chuỗi giá trị. Đất nước mở cửa, năm 1994 tui được mời qua Nhật học làm bánh. Họ bày rất nhiều loại bánh và bảo thích học món gì thì cứ chỉ vào món đó họ sẽ dạy. Tui ham quá nên chỉ rất nhiều món và đành… ráng học. Sau này tui mới biết họ mời mình qua, dạy mình làm bánh là vì họ muốn… bán máy làm bánh.”…
Nhưng sau này ông cũng rất thoải mái trong việc dạy làm bánh cho những người trẻ chứ không giấu nghề, không phải vì… muốn bán máy. Bởi ông ý thức rằng, muốn nâng tầm sản phẩm ra quốc tế để người ta nói “bánh Việt Nam ngon thì các thương hiệu khác cũng phải ngon chứ không thể chỉ một mình mình ngon”.
Đây là một quan niệm rất sáng tạo của ông Lực, ngẫu nhiên trùng hợp với triết lý “không cùng” trong đổi mới sáng tạo mà chuyên gia Điệp Giang của BSA từng chia sẻ sau khi học được từ Israel: thay vì giấu nghề để giữ thị phần thì dạy nghề để mọi người cùng phát triển thị trường. Và khi thị trường phát triển thì mình cũng sẽ được lợi từ phát triển đó.
Các thành viên của đoàn cũng được chia sẻ những kinh nghiệm rất thực tế. Chẳng hạn khi cho ra đời sản phẩm mới, muốn biết “ngon” hay không thì cho trẻ em thử các mẫu. Mẫu nào các em chọn ăn nhiều, thì mẫu đó “ngon” và sẽ được chọn để sản xuất đại trà.
Khi sản phẩm ra thị trường rồi thì phải 70 – 80% khách hàng chấp nhận thì sản phẩm mới được xem là thành công và duy trì sản xuất. Nếu chỉ 50% người thích là thất bại. Ông Lực cho biết: “Thực tế tôi cũng có 5% số sản phẩm là thất bại. Và phải liên tục cho ra sản phẩm mới bám sát nhu cầu thị trường. Ăn hoài thì… ngán nên ba tháng phải thay khẩu vị theo thời tiết”.
Cuối tuần qua (25-4), các thành viên câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo thuộc hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã có chuyến tham quan nhà máy của doanh nghiệp tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery).
Đây là hoạt động khởi đầu của chương trình “Kinh nghiệm trao tay” – một hoạt động trao đổi kinh nghiệm bằng hình thức gặp gỡ, tham quan hoạt động nghiên cứu R&D của các doanh nghiệp ngay tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp.