Cha con đồng loạt từ chức
Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vừa thông báo nghị quyết của HĐQT về việc giải thể các chi nhánh công ty, thay đổi thành viên HĐQT và Phó TGĐ Công ty. Theo đó, TTF chấm dứt tư cách thành viên HĐQT cả 2 bố con ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn.
HĐQT TTF cũng miễn nhiệm chức phó Tổng Giám đốc của ông Võ Diệp Văn Tuấn với lý do có đơn xin từ chức.
TTF cũng chấm dứt các chi nhánh công ty tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương với lý do hoạt động không hiệu quả.
Hồi cuối tháng 10, TTF đã thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh lần thứ 18, trong đó có nội dung nhận sáp nhập các Công ty TNHH MTV chế biến gỗ Trường Thành và Công ty TNHH MTV ván công nghiệp Trường Thành.
Như vậy, chỉ vài tháng sau scandal “hàng tồn kho” bốc hơi gần ngàn tỉ đồng, cha con ông Võ Trường Thành đã bị miễn nhiệm toàn bộ chức danh lãnh đạo trong DN do chính ông Thành dựng lên trong hơn 20 năm qua.
Trước đó, ngày 12-8, ông Võ Trường Thành bị bãi nhiệm vị trí Chủ tịch TTF do “không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty” và thay vào vị trí đó là bà Vũ Tuyết Hằng. Bà Vũ Tuyết Hằng khi đó là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Vingroup (VIC).
Từ tháng 5-2016, bà Vũ Tuyết Hằng đã được bầu làm Tổng Giám đốc Gỗ Trường Thành sau khi Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đã chi ra khoảng 1,8 ngàn tỉ đồng sở hữu 49,9% cổ phần của TTF nhằm giúp DN này tái cấu trúc.
Hồi tháng 8, ông Võ Trường Thành cũng đã bán ra gần 7 triệu cổ phiếu sau khi TTF giảm sàn 24 phiên liên tiếp vì scandal hàng tồn kho. Con gái ông Thành, bà Võ Diệp Cẩm Vân cũng đã bán hết toàn bộ hơn 100.000 cổ phiếu TTF mà bà sở hữu và cũng không còn là cổ đông của công ty này.
TTF được biết đến là 1 DN tư nhân trong lĩnh vực chế biến gỗ, được ông Võ Trường Thành gây dựng từ đầu những năm 1990. Trong hơn 2 thập kỷ, DN này đã từng trở thành một trong những DN tư nhân chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đoạn cuối con đường kinh doanh của doanh nhân này gắn liền với nợ nần và nhiều lần đứng trên bờ vực phá sản.
Mất cơ nghiệp vì nợ
Ông Võ Trường Thành được biết đến là một doanh nhân trải qua rất nhiều thăng trầm và từng được mệnh danh là người vượt bão. Doanh nhân lập nghiệp từ vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định đã gắn bó với nghề gỗ từ đầu những năm 1980. Ông lập xưởng sơ chế gỗ của riêng mình từ 1990.
Năm 1997, DN của ông đứng trước bờ vực phá sản vì chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 và ảnh hưởng của chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, DN đã vượt qua được sóng gió nhờ vào thị trường trong nước và trở nên khá nổi tiếng sau những chuyến hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu sau khi lệnh cấm được tháo bỏ vào năm 1999.
Mặc dù được coi là một trong những DN hàng đầu trong ngành gỗ nhưng DN của ông Thành thường xuyên ở trong tình trạng vay nợ lớn.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Gỗ Trường Thành cũng không nằm ngoài danh sách những DN gặp hạn. Với những quyết định đầu tư lớn, TTF nợ rất nhiều. Lãi suất tăng vọt, có thời điểm lên tới 20% đã nhấn chìm nhiều DN.
Năm 2008 là năm đầu tiên TTF chứng kiến tổng nợ cũng như nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu và vượt ngưỡng 1 ngàn tỉ đồng. Tới đầu 2013, TTF rơi vào tình cảnh bi đát hơn khi nợ ngắn hạn tăng cao hơn so với các năm trước và doanh thu của DN tụt giảm, lợi nhuận có quý về gần bằng 0 đồng.
Cú sốc lớn nhất có lẽ chính là khoản lỗ bất ngờ hơn 1,1 ngàn tỉ đồng trong quý II/2016 sau khi đối tác đầu tư ra thông báo: “Phát hiện sai lệch nghiêm trọng, Tân Liên Phát tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.202 tỉ đồng của Gỗ Trường Thành”. Sai phạm sau đó được công bố liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi.
Giới đầu tư thực sự choáng váng bởi mọi kỳ vọng về TTF bỗng chốc tan thành mây khói. Hàng loạt nỗ lực đàm phán với các NH, đối tác và cùng với sự góp mặt của cổ đông chiến lược Tân Liên Phát và những đột phá trong năm 2015 với doanh thu tăng gấp đối, lợi nhuận tăng gấp 3, giá cổ phiếu tăng vọt có lúc lên tới gần 44.000 đồng/cp bỗng chốc tan biến. Cổ phiếu rớt về gần 4.000 đồng/cp.
Với nghị quyết mới nhất, cả gia đình Võ Trường Thành đã rút lui hoàn toàn khỏi các vị trí lãnh đạo tại TTF. Câu chuyện Gỗ Trường Thành có thể sẽ trở thành một ví dụ điển hình về quản trị dòng tiền. Doanh nhân có thể mất nghiệp vì nợ nần cho dù họ có thể sở hữu một DN đầu ngành, doanh thu và thị phần lớn.