Giá bán sụt giảm khiến các doanh nghiệp cao su tự nhiên cắt giảm đồng loạt chi phí đầu tư. Điều này khiến đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, khi thu nhập giảm mạnh, thậm chí là mất việc. Trong khi đó, doanh nghiệp ở trong cảnh “trớ trêu”, gần như không sống bằng kinh doanh mủ cao su, mà đang có lãi từ việc… bán cây cao su.
Sống nhờ thanh lý cây
Theo kế hoạch tài chính đã được HĐQT phê duyệt, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), CTCP Cao su Phước Hòa đều lên kế hoạch tài chính cho năm 2016 dựa trên mức giá bán dự kiến là 26 triệu đồng/tấn, giá vốn cao su điều chỉnh theo ước khoảng 25 triệu đồng/tấn.
Như vậy, với phương án tài chính này, các doanh nghiệp cao su dự tính có thể thu về khoảng 1 triệu đồng tiền lãi gộp cho 1 tấn mủ cao su khai thác và bán.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện các công ty này cho biết, đến thời điểm hiện nay, mức giá bán mủ cao su ra thị trường cao hơn 1 chút so với mức giá kế hoạch, nhưng vẫn còn rất thấp, chỉ ở mức trên 26 triệu đồng/tấn.
Số lao động nghỉ việc tại Cao su Đồng Phú là khoảng 800 công nhân, tại Cao su Phước Hòa là 944 lao động xin nghỉ, Cao su Tây Ninh có khoảng 300 người nghỉ việc…
Với khối lượng khai thác khoảng 17,6 nghìn tấn của Cao su Phước Hòa, 9,1 nghìn tấn của Cao su Tây Ninh, 13,9 nghìn tấn của Cao su Đồng Phú, thu nhập từ khai thác và bán mủ cao su 3 doanh nghiệp đầu ngành này lần lượt ở mức xấp xỉ 18 tỉ đồng, hơn 9 tỉ đồng và 14 tỉ đồng.
Nhìn vào kế hoạch này, cảm giác chung là doanh nghiệp cao su vẫn có thể “sống” được nhờ khai thác. Thế nhưng, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể lãi (dù rất khiêm tốn) nhờ khai thác mủ hiện nay.
Để có được mức giá vốn xấp xỉ 25 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp đều phải cắt giảm tối đa chi phí để giảm giá thành như: chi phí chăm bón cây (giãn thời gian chăm bón), giảm các chi phí tăng thêm cho người lao động, giảm lương. So với thời kỳ đỉnh cao, mức giá bán hàng hiện nay chưa bằng 50% giá thành khai thác mủ.
Thậm chí, so sánh với mức giá vốn của năm 2015, khi doanh nghiệp đã cắt giảm rất mạnh chi phí, giá bán hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 10% so với giá thành năm trước (khoảng 28 triệu đồng/tấn). Điều này có nghĩa, dư địa cho doanh nghiệp cao su cắt giảm chi phí có thể vẫn còn (do yếu tố chi phí nhân công giảm theo giá bán), nhưng rất thấp.
Trong khi đó, ngoài các yếu tố có thể điều chỉnh được, chi phí của các doanh nghiệp cao su bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, như tuổi đời cây khai thác, vị trí địa lý…
Các doanh nghiệp như Cao su Phước Hòa, Cao su Tây Ninh, Cao su Đồng Phú đều có năng suất khai thác mủ khá cao, ở mức xấp xỉ 2 tấn/héc-ta (năm nay, Cao su Tây Ninh bắt đầu giảm năng suất dự kiến xuống 1,93 tấn/héc-ta). Ngược lại, những doanh nghiệp có cây mới đi vào khai thác lớn với năng suất khai thác thấp, từ 1-1,5 tấn/héc-ta, giá thành mủ cao su sẽ tăng lên nhiều.
Thêm vào đó, chất lượng mủ khai thác, vị trí địa lý (liên quan đến chi phí vận chuyển) cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành và giá bán mủ.
Và, tính đến thời điểm hiện nay, thu nhập các công ty ngành cao su phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ thanh lý cây cao su để tái canh. Năm 2015, Cao su Hòa Bình hạch toán 38,8 tỉ đồng lãi trước thuế thì riêng lãi từ thanh lý cây cao su đã lên tới 36,7 tỉ đồng; Cao su Phước Hòa cũng chỉ lãi gần 29 tỉ đồng từ kinh doanh cao su trên tổng số 237 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế...
Trong năm nay, Cao su Phước Hòa dự kiến thanh lý hơn 512 héc-ta cây cao su, thu về 118 tỉ đồng tiền lãi trên tổng số 99 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế; Cao su Tây Ninh thanh lý 314 héc-ta cao su, thu về khoảng 50 tỉ đồng lợi nhuận trên tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến 37 tỉ đồng, hay Cao su Đồng Phú dự kiến thanh lý 460 héc-ta cây cao su, thu về khoảng gần 60 tỉ đồng lợi nhuận trên kế hoạch 70-90 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế…
Khó trăm bề
Bấu víu vào thu nhập từ thanh lý cây cao su, nhưng mọi chuyện chưa hẳn đã tạm yên với các doanh nghiệp trong ngành và kéo theo đó là nước mắt của người lao động.
Ông Phạm Phi Điểu, Phụ trách công bố thông tin Cao su Đồng Phú cho biết, năm 2016, giá thanh lý và cả diện tích cao su sụt giảm đáng kể. Nếu năm 2015, mức giá dao động từ 180-200 triệu đồng/héc-ta, thì nay chỉ còn khoảng 140 triệu đồng/héc-ta, với nguyên nhân đến từ cả chất lượng cây (độ dày cây, kích thước, chất lượng cây), đến yếu tố thị trường (do giá thu mua chung giảm).
“Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng, khi về bủng beo…”
Đã qua rồi cái thời công nhân cao su bị coi như cầm tù chung thân, nhưng với những khó khăn đang chồng chất khó khăn, doanh nghiệp ngành này sẽ xoay sở như thế nào để tồn tại? Làm thế nào nước mắt người lao động ngành cao su ngừng rơi?
Nguồn thu nhập chính đang có nguy cơ tiếp tục sụt giảm, nhưng chi phí lại đang vào giai đoạn khó bề cắt giảm, thậm chí một số hạng mục chi phí đã bắt đầu tăng lên. Nhân sự đang trở thành một trong những vấn đề đau đầu của lãnh đạo doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên thời điểm này.
Chỉ 4 năm về trước, làm việc tại các doanh nghiệp khai thác mủ cao su trở nên có giá, khi giá bán mủ cao su lên tới 80 triệu đồng/tấn. Thế nhưng, khi giá bán giảm, công nhân cạo mủ là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng, bởi thu nhập của họ phụ thuộc rất lớn vào giá bán.
Bị giảm quỹ lương, thu nhập của công nhân cũng bị ảnh hưởng do doanh nghiệp cắt giảm các khoản phụ cấp độc hại, tiền ăn giữa ca… Khó trăm bề, một lượng người lao động không nhỏ đã phải bỏ công việc của mình để tìm kế sinh nhai khác.
Thống kê cho thấy, số lao động nghỉ việc tại Cao su Đồng Phú là khoảng 800 công nhân, tại Cao su Phước Hòa là 944 lao động xin nghỉ, Cao su Tây Ninh có khoảng 300 người nghỉ việc… Sức ép công ăn việc làm của người lao động, và bài toán nguồn nhân lực duy trì vận hành đang đè nặng lên cả doanh nghiệp và người lao động!
Thế nhưng, vẫn chưa hết khó khăn. Năm 2015, tại một số điểm bị thiếu lao động, chính sách khai thác từ D3 chuyển sang thành D4 (tức 4 ngày mới cạo mủ 1 lần thay vì 3 ngày nhằm giảm số lao động). Năm 2016, chính sách này có xu hướng được áp dụng đại trà. Tức là, người lao động dù lương thấp, có thể vẫn bị mất việc!
Còn doanh nghiệp, không gì đảm bảo chắc chắn mức lãi khoảng 1 triệu đồng mỗi tấn sản phẩm khai thác. Năm 2015, khi đã rơi vào cảm giác gần như không còn đường lùi, họ cắt giảm chi phí về mức khoảng 28 triệu đồng/tấn, và giá bán bình quân xấp xỉ 31 triệu đồng/tấn. Nay, giá bán thấp hơn cả mức giá thành năm trước. Cắt giảm chi phí phân bón dường như là giải pháp tình thế, bởi đến một lúc sẽ là câu chuyện ảnh hưởng đến năng suất khai thác, kéo theo là giá thành bị đội lên cao. Và không ai nói trước được, liệu giá mủ cao su có thể giảm tiếp!
Trong khi đó, sức ép của doanh nghiệp lại đến cả từ yếu tố chính sách mới. Từ năm 2016, chính sách mới về bậc lương, các khoản đóng bảo hiểm xã hội… sẽ tiếp tục gây sức ép lên các doanh nghiệp trong ngành.
“Với chính sách mới này, mỗi tấn cao su, giá vốn sẽ đội thêm khoảng 600-700 nghìn đồng, trong khi giá giảm, người lao động thì bị giảm thu nhập đến mức rất khó khăn để bám trụ với nghề”, lãnh đạo một doanh nghiệp cao su ngán ngẩm cho biết.