Không có ý định chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2017
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) diễn ra sáng nay (10-3) "nóng" lên trong phần thảo luận khi có khá nhiều cổ đông chất vấn vấn đề chia cổ tức.
Theo đó, trong năm 2016, tập đoàn này trình cổ đông phương án chia cổ tức lên tới 50% nhưng lại chi trả toàn bộ bằng cổ phiếu.
Đáng chú ý là, tại đại hội lần này, Hòa Phát trình cổ đông thông qua chào bán thêm 250 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Sau khi phát hành thêm, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng lên 15.170 tỉ đồng.
Hòa Phát dự kiến sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán này (tối thiểu 4.000 tỉ đồng) để đầu tư dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và/hoặc bổ sung vốn cho hoạt động của công ty.
Trong khi một số cổ đông ủng hộ chủ trương này thì cũng có những cổ đông bày tỏ thái độ không hài lòng khi không những không được trả cổ tức tiền mặt mà còn phải nộp thêm tiền để mua cổ phiếu mới, phục vụ nhu cầu tăng vốn của công ty.
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Đình Long nói: "Tôi là người đóng hai vai, vừa là người sáng lập, người điều hành, lại vừa là cổ đông lớn nhất của công ty này. Người điều hành đương nhiên sẽ gặp một số khó khăn nhất định, song tôi cũng phải nói rằng, tôi cảm thấy hơi bức xúc khi có cổ đông so sánh rằng vì sao không có tiền mặt chia cổ tức nhưng lại trích phúc lợi cho nhân viên 330 tỉ đồng?".
Theo ông Long, góp vào sự phát triển của công ty, người có của, người có công, nên ông đề nghị các cổ đông cần có sự chia sẻ với 14.000 cán bộ, người lao động ở Hòa Phát, là những người thức khuya dậy sớm vì sự phát triển của công ty này.
Năm 2017, mức chi trả cổ tức dự kiến sẽ là 30%, song theo ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thì trong năm nay, Hòa Phát cũng chưa có ý định chia cổ tức bằng tiền mặt do có nhiều dự án lớn phải lo thu xếp nguồn tiền.
"Đây cũng là vấn đề muôn thuở. Cổ đông bao giờ cũng muốn tiền mặt nhưng công ty còn phải tính đến kế hoạch phát triển bền vững trong dài hạn, phải tái đầu tư chứ nếu chỉ tính ngắn hạn thì sẽ sẵn sàng chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông ngay", ông Dương trần tình.
Ông Dương nói thêm rằng, trong năm 2018, Hòa Phát chắc chắn sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, 2017 vẫn đang trong quá trình tăng trưởng, nếu có điều kiện thuận lợi thì cũng chỉ cố gắng chia một phần bằng tiền mặt mà thôi.
Dự án thép Dung Quất sẽ tốn 25-30% kinh phí cho môi trường
Liên quan đến dự án thép Dung Quất được nhiều cổ đông đề cập, ông Trần Đình Long cho hay, việc xây dựng, triển khai dự án này là cần thiết nhằm giúp Hòa Phát gia tăng thị phần. Theo ông Long, quy luật phát triển, không ai có thể đứng lại, "đứng lại là chết, đứng lại thì không có đầu tư cho nghiên cứu phát triển".
So sánh với Formosa, ông Long cho biết, sự khác biệt chủ yếu về công nghệ giữa dự án của Hòa Phát và Formosa là ở khâu sản xuất than cốc: Trong khi Formosa áp dụng phương pháp thu hồi hóa chất thì Hòa Phát thu hồi nhiệt.
"Formosa là tập đoàn lớn, vốn hóa hơn 60 tỉ USD nhưng họ là một tập đoàn chuyên về hóa chất chứ không chuyên về thép. Hòa Phát tuy nhỏ, nhưng chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn 10 năm lăn lộn với ngành ở dự án Hải Dương", ông Trần Đình Long nhận định.
Ông Long cũng nhấn mạnh rằng, với dự án thép Dung Quất, môi trường là vấn đề số một, quan trọng hơn cả lợi nhuận, hiệu quả kinh tế. "Chính phủ có thể thương nhưng người dân thì không thương đâu, cơ ngơi chúng ta dựng lên nên không thể làm liều", ông Long nhìn nhận.
Theo đó, dự án này sẽ tốn đến 25-30% kinh phí cho vấn đề môi trường. "Chúng ta phải tự bảo vệ chúng ta trước khi có ai đó bảo vệ. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối vì cộng đồng và chính chúng tôi" - trước ĐHĐCĐ ông Long nói.
Về hiệu quả, theo ông Trần Đình Long, biên lợi nhuận của dự án thép Dung Quất sẽ đạt mức tương đương với dự án ở Hải Dương. Thép Dung Quất có nhiều lợi thế, nằm trong quy hoạch chung của cả Khu kinh tế Dung Quất, có ưu thế về cảng biển, chu trình khép kín, đảm bảo môi trường và giải quyết triệt để về chi phí. Tuy nhiên, dự án ở Hải Dương lại gần với nguồn nguyên liệu quặng hơn. Bù đi bù lại, hai dự án này có biên lợi nhuận tương đương.
Dự án thép Dung Quất được chia làm 2 giai đoạn, cách nhau 18 tháng. Hiện, Hòa Phát đã thu xếp đủ 20.000 tỉ đồng vốn cố định cho giai đoạn 1 (10.000 tỉ đồng vốn tự có và 10.000 tỉ đồng vay VietinBank). Do nhìn thấy cơ hội kinh doanh không thể bỏ qua, ông Long cho biết đã quyết định làm luôn giai đoạn 2 thay vì chờ 18 tháng. Công ty này cũng đã thu xếp xong 20.000 tỉ đồng vốn cố định cho giai đoạn 2, trong đó, 10.000 tỉ đồng vốn đối ứng chỉ có thể thu xếp bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, 10.000 tỉ đồng còn lại đã thu xếp được với phía ngân hàng.
“Tôi muốn nhấn mạnh với các vị cổ đông rằng, năm nay không chia cổ tức bằng tiền mặt là bắt buộc để có vốn tự có làm giai đoạn 1, còn phát hành thêm là để nhằm đáp ứng đủ vốn đối ứng làm giai đoạn 2” - Chủ tịch Hòa Phát lý giải rõ hơn về nguyên nhân không chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2016.