Từ lỡ hẹn giảng đường đại học
Là một trong những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, ông Đoàn Nguyên Đức cũng là người có mức độ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, những thăng trầm trong việc kinh doanh của ông được báo chí khai thác triệt để.
Chính vì vậy, lâu nay bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám như người Việt đầu tiên sắm phi cơ riêng, sở hữu đội bóng Hoàng Anh Gia Lai hay việc bạo tay chi một số tiền cực khủng để đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang về đội bóng của mình, ông còn được biết đến là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008 và một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á năm 2011.
Tuy nhiên, có một bầu Đức khác không phải ai cũng biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước hằng ngày vẫn chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát (Bình Định) và ước mơ một ngày nào đó sẽ tậu được một chiếc máy bay của riêng mình.
Bầu Đức sinh năm 1962 tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, Bình Định, trong một gia đình nghèo đông anh em. Nhà nghèo nên mẹ ông phải tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ông ăn học bằng những bữa cơm độn khoai, sắn.
Bước ngoặt lớn đối với cuộc đời ông có lẽ là năm ông 22 tuổi, sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức sau này từng chia sẻ, “sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó" và “chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ.
Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỉ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.
Đến doanh nhân quyền lực
Cũng chính vì không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn nên Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời, bắt đầu với hai bàn tay trắng.
Sau một thời gian đi làm thuê với đủ mọi nghề để kiếm sống và tích lũy kinh nghiệm, bầu Đức khởi nghiệp bằng một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã.
Cơ hội thực sự đến với Đoàn Nguyên Đức khi ông tình cờ quen một doanh nhân người Đài Loan qua tìm hiểu thị trường và đồng ý hợp tác đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật để mở rộng thị trường kinh doanh gỗ. Vậy là vào năm 1992, xí nghiệp Hoàng Anh Pleiku ra đời và chỉ sau 4 năm hợp tác, bầu Đức đã chính thức sở hữu toàn bộ xí nghiệp cũng như quy trình sản xuất, quản lý của doanh nghiệp. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Úc,...
Từ bước đệm này, Hoàng Anh Pleiku mạnh dạn mở rộng đâu tư sang các lĩnh vực khác như chế biến cao su, nông nghiệp, bất động sản.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, trong con mắt báo giới, hình ảnh ông Đức không gắn liền nhiều với công việc kinh doanh chính là cao su hay nông nghiệp mà ông được biết đến nhiều hơn với chức danh ông bầu bóng đá.
Hồi năm 2002, cái tên bầu Đức đã nổi như cồn khi ông đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang về đội bóng của mình và bạo tay trả lương lên tới 15.000 USD/tháng ở thời điểm 2002. 5 năm sau đó, bầu Đức lại hợp tác với câu lạc bộ nổi tiếng của Anh Arsenal để mở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG...
Sang năm 2006, công ty Hoàng Anh Gia Lai cổ phần hóa với vốn điều lệ đạt gần 296 tỉ đồng. Năm 2008, công ty bắt đầu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã HAG với tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết ban đầu gần 180 triệu đơn vị. Đến cuối năm 2008, giá trị vốn hóa của Hoàng Anh Gia Lai lên đến 11.328 tỉ đồng, tương đương 2,5% quy mô toàn thị trường.
Và vượt qua khoảng 4.000 ứng viên trong bảng xếp hạng, Chủ tịch HAG đã trở thành người giàu nhất trên sàn với tổng tài sản lên tới 6.160 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2008, bầu Đức trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu phi cơ riêng khi chi ra 7,5 triệu USD để mua về chiếc Beechcraft King Air 350.
Năm 2011, bầu Đức được từ Wall Street Journal bình chọn là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Công việc kinh doanh của bầu Đức hiện nay không chỉ nằm ở trong nước mà còn phát triển sang một số quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar, với hàng loạt những dự án cao su, mía đường, bất động sản lớn trị giá hàng trăm triệu USD.
Vận đen bủa vây
Mặc dù gặt hái được nhiều thành công nhưng cũng như nhiều doanh nhân khác, con đường kinh doanh của bầu Đức không mấy bằng phẳng. Nhất là trong thời gian hơn một năm trở lại đây, cổ phiếu HAG khiến nhiều nhà đầu tư mất ăn mất ngủ khi liên tục lao dốc mạnh.
Hồi cuối năm 2014, cổ phiếu HAG vẫn được giao dịch quanh ngưỡng 25.800 đồng/đơn vị, tuy nhiên, qua hơn 1 năm, hiện giá trị cổ phiếu đã xuống dưới mệnh giá, còn 8.000 đồng/đơn vị (kết thúc phiên giao dịch ngày 29-4-2016), tương đương với việc mất 69% giá trị.
Trong khi đó, tình trạng cổ phiếu công ty con HNG - CTCP Nông Nghiệp Quốc Tế Hoàng Anh Gia Lai cũng không khá khẩm hơn là mấy khi liên tiếp "đo sàn" hồi đầu tháng 1 năm nay. Từ mức giá đỉnh 33.500 đồng/đơn vị hôm chào sản 20-7-2015, chưa đầy 1 năm sau, giá trị cổ phiếu này đã "bốc hơi" tới 74,6% giá trị, còn 8.500 đồng/đơn vị kết thúc phiên giao dịch ngày 29-4-2016. Theo đó, khoảng hơn 17 nghìn tỷ đồng vốn hóa công ty đã "cuốn theo chiều gió".
Một phần nguyên nhân khiến hai cổ phiếu này liên tục lao dốc được cho là do công ty vay nợ quá lớn và đang gặp khó khăn về thanh khoản. Theo BCTC 2015, hiện tổng nợ của HAG lên tới 27.100 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước trong khi nợ của công ty con HNG cũng lên tới 12.200 tỉ đồng. Trong khi đó, kiểm toán cũng lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của hai doanh nghiệp này.
Cũng do gánh nặng nợ nần mà cổ phiếu HNG do HAG nắm giữ liên tục bị ngân hàng bán giải chấp cấn trừ nợ.
Trước đó, hồi năm 2013, bầu Đức cũng gặp phen sóng gió khi bị Global Witness cáo buộc phá rừng, đưa hối lộ quan chức, chiếm đất, khai thác gỗ bất hợp pháp, bịt đường sinh kế cư dân địa phương. Dù đã chứng minh cáo buộc không có cơ sở nhưng bản báo cáo của một trong những tổ chức phi chính phủ luy tín đưa ra đã khiến Hoàng Anh Gia Lai đứng trước nguy cơ mất đi hình ảnh, vị thế và uy tín của mình.
Có thể nói, trong kinh doanh, những thăng trầm là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là liệu người đứng đầu có đủ bản lĩnh để dẫn dắt doanh nghiệp mình đi qua khó khăn hay không? Ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai đã từng nói "ngã ở đâu thì tôi sẽ đứng lên ở đó", vậy người đàn ông đầy quyền lực sẽ làm gì để đứng dậy sau cú ngã này? Thời gian sẽ mang đến câu trả lời chính xác nhất.