Chia sẻ với VnExpress, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CJ tại Việt Nam, cho biết sau nửa năm thử nghiệm thành công việc trồng ớt tại Ninh Thuận, tập đoàn quyết định chi 2,1 triệu USD cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại đây trồng 10ha ớt, đồng thời, cơ quan này còn giúp đỡ người dân xây trường học, nhà văn hóa cho thôn.
"Bắt đầu từ đầu tháng 7 chúng tôi sẽ cùng hơn 50 hộ gia đình tại Ninh Thuận khởi động vụ mới. Chúng tôi không chỉ cung cấp giống, phân bón mà còn đem tiến sĩ, kỹ sư nông nghiệp Hàn Quốc sang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác và chăm sóc. Dự kiến, với 10ha ớt mỗi năm công ty có thể thu được 200 tấn. Toàn bộ sản phẩm sẽ được tập đoàn bao tiêu theo giá cả thị trường" - ông Chang nói và cho biết mỗi năm công ty sẽ có báo cáo thị trường về giá cả ớt trên thế giới.
Do vậy, người dân nên yên tâm vì tập đoàn sẽ thu mua sản phẩm theo giá thị trường ở mức hợp lý nhất. Còn về biện pháp canh tác, công ty sẽ cùng nông dân thực hiện trồng theo hướng thâm canh, tức là sau khi thu hoạch ớt thì khoảng thời gian để tái tạo đất, nông dân có thể trồng đậu xanh. Đây là loại cây trồng không chỉ cho thu hoạch mà cải tạo thành phần của đất rất tốt.
Sắp tới để phục vụ cho việc chế biến ớt tại Việt Nam, công ty này cũng dự định xây nhà máy sản xuất tại Ninh Thuận. Một phần ớt chế biến xong sẽ dùng để sản xuất kim chi tại Việt Nam, số lượng còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc.
"Nếu 10ha ớt đầu tiên sản xuất thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành khác trên đất nước Việt Nam, dần dần hướng tới mục tiêu có vùng nguyên liệu 500ha. Vùng nguyên liệu này có thể thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc" - ông Chang bộc bạch.
Chia sẻ về lý do chọn ớt là cây trồng tại Việt Nam, ông Chang cho rằng ớt là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến thực phẩm tại Hàn Quốc, trong khi đó, Việt Nam lại là nơi cho sản phẩm chất lượng tốt, ngon và cay hơn so với nhiều quốc gia khác. Trước đây, công ty đặt vùng nguyên liệu tại Trung Quốc nhưng vì chất lượng ớt tại quốc gia này kém nên Việt Nam là lựa chọn hợp lý để thay thế.
Tuy nhiên, theo ông Chang, tại Việt Nam việc tạo ra vùng trồng ớt lớn tương đối khó khăn vì mỗi hộ dân chỉ được cấp những thửa ruộng khá nhỏ. Do vậy, công ty ông đang nhờ sự giúp đỡ của tỉnh Ninh thuận cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại đây vận động bà con kết hợp với nhau để tạo thành vùng nguyên liệu lớn. Sau khi thu hoạch, lợi nhuận sẽ được chia hợp lý theo quy mô của mỗi hộ gia đình.
Tập đoàn CJ của Hàn Quốc tiền thân là nhánh kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn Samsung. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, Tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Shinegae, Tập đoàn CJ và Tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.
Hiện CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.
Vào Việt Nam năm 1998, hết năm 2015 CJ đã đầu tư 400 triệu USD và có được 13 công ty con, nổi bật với các thương hiệu như hệ thống rạp chiếu phim CGV, Tour les Jours, kênh mua sắm SCJ...
Đơn vị này cũng cho biết trong năm 2016 tập đoàn sẽ chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào M&A và các dự án mới trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng với M&A, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.
Hồi tháng 1/2016, CJ Việt Nam đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim. Mới đây, trong đợt IPO của Vissan, công ty cũng chi ra hơn 300 tỉ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18% cổ phần công ty này với giá 102.000 đồng - mức giá cao nhất trong đợt đấu giá công khai.