Các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế vẫn chưa lạc quan khiến nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng làm cho nhà đầu tư trong nước cũng bất an.
Bảy phiên bán ròng
Tại phiên giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp. Trong tuần trước, khối này đã bán ròng trị giá hơn 453 tỉ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại chủ yếu bán tập trung vào các cổ phiếu trụ cột, có vốn hóa lớn trên sàn, như: VNM, GAS, HPG, HAG, PPC… làm cho thị trường càng giảm điểm mạnh. Cổ phiếu VNM - luôn trong tình trạng hết room từ trước tới nay, sau khi thị trường đẩy giá lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua (151.000 đồng/cổ phiếu), nhà đầu tư nước ngoài đã ào ạt bán ra. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu VNM trị giá hơn 100 tỉ đồng. Chính vì động thái liên tục bán ròng của khối ngoại mà các nhà đầu tư trong nước chùn tay hạn chế mua vào làm cho thị trường tiếp tục ảm đạm. Một chuyên gia tài chính cho rằng tỉ giá USD tăng là một trong những tác nhân tạo thêm áp lực bán ròng của khối ngoại. Chưa kể một vài yếu tố khác về kinh tế như: tác dụng của các gói tín dụng, các chính sách vĩ mô khác vẫn chưa thể phát huy tác dụng lên nền kinh tế.
Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ rủi ro đang tăng lên trên thị trường thế giới nói chung và châu Á nói riêng làm cho kinh tế chậm phục hồi, chứng khoán tiếp tục èo uột. Chỉ số bảo hiểm vỡ nợ gần đây đã tăng lên mạnh tại châu Á. Đó cũng là lý do khiến thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm mạnh ở hầu hết các thị trường. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định rằng nếu chương trình nới lỏng định lượng của FED sớm kết thúc, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định từ việc rút vốn của khối ngoại, đặc biệt là từ các quỹ ETF.
Nhìn thấy cơ sở nâng đỡ thị trường
Ngày 26-8, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra góc nhìn tổng quát về bức tranh lợi nhuận quý II/2013 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, về mức độ hoàn thành kế hoạch, điện, nước, xăng dầu và khí đốt là những ngành dẫn đầu về tốc độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận (101%). Ngoài ra còn có 2 ngành có tỉ lệ hoàn thành lợi nhuận khá cao trong 2 quý đầu năm là bán lẻ và hóa chất. Ngược lại, gây thất vọng nhất là ngành vật liệu xây dựng, chỉ mới đạt 4% kế hoạch lợi nhuận trong 2 quý đầu năm. "Mảng màu sáng nhất trong bức tranh lợi nhuận quý II/2013 tiếp tục là ngành điện, nước, xăng dầu và khí đốt với tỉ lệ hoàn thành kế hoạch cao, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá, chi phí tài chính giảm mạnh, tỉ suất sinh lợi trên tài sản và vốn chủ sở hữu cao" - đại diện VDSC nhận định.
Do nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh khả quan nên theo đánh giá của BVSC, trong trung và dài hạn vẫn nhìn thấy những cơ sở nâng đỡ thị trường. Đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang cải thiện theo chiều hướng tích cực, khả năng mở room cho khối ngoại tăng tỉ lệ sở hữu ở một số ngành, doanh nghiệp… Vì vậy, nhà đầu tư cần tránh đua bán bằng mọi giá bởi thị trường sẽ sớm tìm được vùng giao dịch cân bằng.