Trong phiên 7-10, chứng khoán tiếp tục thu hút lượng tiền lớn, tính chung cả 2 sàn, giá trị giao dịch đạt hơn 4.171 tỉ đồng, tăng 7% so với phiên trước. Còn tuần trước, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 21.000 tỉ đồng. Đây được coi là một trong những tuần đạt mức thanh khoản cao nhất từ đầu năm đến nay.
Xu hướng trung hạn vẫn tăng
Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán là nhờ nền kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định. Các công ty chứng khoán cho rằng thông tin chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 do Ngân hàng HSBS vừa công bố đã tạo thêm sự hưng phấn cho nhà đầu tư.
Theo đó, sau khi giảm liên tục và đạt mức thấp nhất từ đầu năm vào tháng 8 thì trong tháng 9, PMI đã tăng trở lại đạt 51,7 điểm, so với mức 50,3 điểm của tháng trước (mức thấp nhất kể từ đầu năm đến giờ). Đồng thời, lạm phát trong thời gian qua tăng thấp, nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, lượng dự trữ ngoại hối của nhà nước cao nhất từ trước tới nay, nguồn vốn ODA tiếp tục tăng,… là những yếu tố giúp củng cố thêm tâm lý cho nhà đầu tư.
“Với khung thời gian trung hạn cho 3 tháng còn lại của năm 2014, chúng tôi tiếp tục lạc quan và tin tưởng chiều hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán sẽ vẫn là tăng” - Phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Ông Hồ Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Quốc Gia (NSI), cho rằng sau khi tăng điểm kéo dài 4 tháng (giữa tháng 5 đến giữa tháng 9) thì thị trường đã bị điều chỉnh. Khi chỉ số VN-Index xuống ngưỡng 594 điểm vừa qua, thị trường đã “test” đáy thành công.
Do dòng tiền đổ vào mạnh nên lực cầu khá tốt, nhờ đó thị trường đã nổi sóng. Nếu như nhóm dầu khí dẫn dắt chủ yếu trong thời gian trước thì mấy phiên gần đây, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán và bất động sản hồi phục, góp phần dẫn dắt dòng tiền đầu tư.
Đừng “say” quá đà
“Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài có một vài phiên bán ròng, tuy nhiên, họ vẫn đang rất quan tâm đến việc bỏ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện khối đầu tư của các ngân hàng lớn đã bắt đầu giải ngân hoặc ủy thác qua các công ty quản lý quỹ để đầu tư chứng khoán” - ông Hồ Anh Dũng nhận xét.
Ngoài ra, VDSC cũng cho rằng theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 9 ở mức 6,73%, tăng đáng kể so với cuối tháng 8 (4,5%). Đây là tín hiệu tốt đối với tăng trưởng kinh tế trong quý còn lại. Tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7 là 4,11%, giảm nhẹ so với mức 4,17% cuối tháng 6.
Tuy nhiên, theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, mặc dù một số kênh đầu tư khác đang kém hấp dẫn so với chứng khoán, nhưng nhà đầu tư cũng nên cân nhắc, đừng “say” quá đà khi tập trung vốn vào thị trường chứng khoán quá nhiều.
Bởi thông thường, tăng trưởng tín dụng tăng nhưng nhà đầu tư cũng nên xem xét bởi tình trạng cuối năm tăng trưởng tín dụng bị bút toán đẩy lên cao là chuyện dễ xảy ra. Chưa kể, gần đây Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã có cách nhìn khác về kinh tế Việt Nam và cắt giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Theo đó, ADB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,5% trong năm 2014 và 5,7% trong năm 2015, lần lượt thấp hơn so với ước tính được đưa ra trong tháng 4 là 5,6% và 5,8%.