Mọi chú ý của thị trường đang dồn vào câu chuyện công ty VNG sắp chào bán cổ phần lần đầu (IPO) ở Mỹ. Tuy nhiên, theo thông tin do VNG công bố, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNG và ông Bob McCooey, Phó Chủ tịch Sàn giao dịch Nasdaq mới chỉ ký kết thỏa thuận sơ bộ.
Nasdaq khó chơi
Nasdaq là sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới. Vì thế, các tiêu chuẩn, yêu cầu để niêm yết trên sàn này khá khắt khe. Để niêm yết ở Global Select Market của Nasdaq, ngoài các tiêu chuẩn chung, liên quan đến số lượng cổ phiếu tối thiểu mua bán đại chúng (1,25 triệu cổ phiếu), số lượng cổ đông tối thiếu (2.200 người), các tiêu chuẩn kế toán, quản trị theo chuẩn mực của Nasdaq... thì doanh nghiệp muốn lên sàn này còn phải thỏa mãn ít nhất một bộ tiêu chuẩn riêng. Doanh nghiệp có thể lựa chọn quy định 3 năm gần nhất đạt lợi nhuận trước thuế hơn 11 triệu USD, không có năm nào bị lỗ và lãi 2 năm gần nhất phải tối thiểu 2,2 triệu USD.
Ở bộ tiêu chuẩn khác, Nasdaq yêu cầu dòng tiền doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 27,5 triệu USD, không năm nào dòng tiền bị âm, vốn hóa thị trường trong một năm qua phải đạt ít nhất 550 triệu USD và doanh thu năm tài chính gần nhất phải ít nhất 110 triệu USD. Nếu giá trị vốn hóa đạt từ 850 triệu USD thì Nasdaq chỉ cần công ty đạt doanh thu tối thiểu 90 triệu USD.
Sự sàng lọc này, đặt trong mục tiêu hướng đến các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh đã khiến sàn Nasdaq trở thành điểm đến của hàng loạt tên tuổi lớn như Apple, Microsoft, Google, Facebook, Ebay, Amazon... Ngay các công ty công nghệ khắp châu Á cũng đua nhau IPO tại đây. Nhiều công ty đã nhờ nguồn vốn gọi được từ sàn này mà cất cánh mạnh mẽ. Alibaba là một điển hình. Đợt IPO ở Nasdaq vào năm 2014 đã giúp Alibaba thu gần 25 tỉ USD.
Trong xu thế đó, VNG chọn tiến ra biển lớn bằng cách niêm yết trên Nasdaq. Theo quan điểm của ông Lê Hồng Minh, VNG nếu muốn thực sự trở thành một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, có thể so sánh được với các công ty công nghệ toàn cầu, thì phải chấp nhận và tham gia cuộc chơi toàn cầu, từ cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm toàn cầu, tham gia trực tiếp vào thị trường toàn cầu đến tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu, chịu sự đánh giá khắt khe của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Liệu VNG có cơ hội?
Hiện tại, theo ông Minh, nếu xét các điều kiện để niêm yết ở Nasdaq thì VNG đã đáp ứng gần như đầy đủ. Cụ thể, xét quy mô, tuy vốn điều lệ của VNG chỉ ở mức khoảng 15 triệu USD (331 tỉ đồng) nhưng doanh thu đều đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Năm 2017, VNG dự kiến đạt khoảng 180 triệu USD, tức tăng 70% so với cùng kỳ.
Xét vị thế, VNG từng được World Startup Report định giá hơn 1 tỉ USD vào năm 2014. Đó là thời điểm sản phẩm Zalo của VNG mới chỉ đạt được 20 triệu người dùng. Bây giờ, Zalo đã mở rộng lên 70 triệu người dùng nên theo VNG, giá trị của VNG có lẽ đã ở mức cao hơn. Theo thông tin từ VNG, Zalo đã tiến sang thị trường Myanmar vào giữa năm ngoái và đạt con số 2 triệu người dùng sau 4 tháng.
Mảng mobile game, nguồn đóng góp chủ lực vào kinh doanh VNG cũng đạt nhiều thành tựu. Sau khi được VNG Game Studio (GST) chuyển đổi từ PC game sang mobile game, các sản phẩm game của GST cũng đi ra thế giới, bắt đầu với các tựa game như Sky Garden, Dead Target, Cube Farm 3D... Kết quả trong năm 2016, các sản phẩm của GST đã có hơn 70 triệu người dùng di động, có mặt tại hơn 233 quốc gia với 15 ngôn ngữ.
Trên cơ sở này, cộng với triển vọng smartphone sẽ được sử dụng rộng rãi hơn tại Việt Nam, ước chiếm 60% dân số vào năm 2020 và mức độ sử dụng internet ngày càng cao, theo VNG, tăng trưởng trong ngành game di động dự báo sẽ còn cao, trung bình 40%/năm. Thực tế, ngành game di động đã đạt doanh thu 320 triệu USD vào năm 2016 và VNG cho rằng, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2020.
Đối với khoản rót vốn sở hữu 38% tại Tiki, một website thương mại điện tử tại Việt Nam, VNG đặt kỳ vọng rất nhiều. Bởi tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử ước sẽ đạt 80%/năm, còn mạnh mẽ hơn ngành mobile game và quảng cáo trực tuyến. Quy mô của thương mại điện tử hiện đã gần 1 tỉ USD và đến năm 2020 ước vươn tới con số 5 tỉ USD.
Theo ông Minh, kỷ nguyên của công nghệ và nội dung số sẽ mở ra cánh cửa làm giàu, mang về hàng chục tỉ USD cho các doanh nghiệp Việt Nam, nếu họ biết cách nắm bắt. VNG cần nhiều vốn để đầu tư phát triển. Cũng giống như Alibaba năm 2016 đã rót cả tỉ USD vào Lazada hay Sea dự kiến sẽ dùng vốn mới đẩy mạnh mảng thương mại điện tử. Trên thực tế, Việt Nam chưa từng có tiền lệ một công ty niêm yết thẳng ra nước ngoài. Vì thế, như nhận định của ông Lê Hồng Minh, "khi là người mở đường thì hành trình sẽ không dễ dàng với VNG".
Dưới góc nhìn của nhà tư vấn niêm yết sàn Mỹ cho Cavico và một số công ty Việt như Cát Thái, Mỹ Sơn, Đại Dũng…, ông Henry D Fahman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PHI Group, cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng niêm yết ở Mỹ, theo chuẩn sàn cao nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể niêm yết thẳng Nasdaq mà không cần phải lên sàn HSX hay HNX trước. Thủ tục niêm yết cũng có khi chỉ mất vài tháng.
Đây là lý do vì sao, từ hơn 10 năm trước, Việt Nam từng có Cavico lên sàn Mỹ. Nhưng cách Cavico đi khác với VNG định đi. Đây thực chất là niêm yết đường vòng, thông qua sáp nhập vào một công ty Mỹ đã niêm yết sẵn tại sàn Pink Sheets, một sàn giao dịch phụ ở Mỹ, không đòi hỏi gì về báo cáo tài chính hay doanh thu, lợi nhuận. Sau 2 năm ở Pink Sheets, Cavico mới chuyển sàn lên OTC Bulletin Board (OTCBB) năm 2008. Từ đây, Cavico có cơ sở để chính thức niêm yết trên Nasdaq (2009). Nhưng chặng đường góp mặt tại Nasdaq của Cavico ngắn ngủi. Năm 2011, vì lý do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2010, Cavico bị hủy niêm yết bắt buộc.
Ông Henry giải thích thêm rằng bản thân Cavico làm đúng nhưng các công ty con của Cavico lại không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế. Vì thế, Cavico không thể hợp nhất và thực hiện báo cáo kiểm toán đúng hạn. Đây mới chính là điểm yếu mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều vướng phải. Trước đó, Nasdaq từng cảnh báo Cavico về cổ phiếu kém thanh khoản và thị giá cổ phiếu dưới 1USD suốt 30 ngày.
Nhắc lại chuyện Cavico để thấy công ty sau niêm yết, trụ lại ở Nasdaq là không đơn giản, đặc biệt khi Mỹ có những quy định nghiêm ngặt trên nhiều phương diện, chứ không chỉ riêng vấn đề tài chính. Mỹ luôn đòi hỏi các công ty phải thực thi nghiêm túc. Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ bám trụ thành công.
Ngoài ra, một số chuyên gia lưu ý, lên sàn Mỹ không khó, khó là làm sao gọi được vốn từ nhà đầu tư. Trong một thị trường cả ngàn, hàng chục ngàn cổ phiếu đang giao dịch thì lọt vào mắt xanh nhà đầu tư hoàn toàn không dễ. Trường hợp công ty có vốn hóa dưới 1 tỉ USD hoặc cổ phiếu giao dịch dưới 3USD thì càng bế tắc do các quỹ đầu tư lớn sẽ không mua, theo quy định đã có trong điều lệ thành lập quỹ.
Rõ ràng, câu chuyện VNG niêm yết sàn Nasdaq chỉ mới dừng ở ý định. VNG hiện vẫn chưa tiết lộ gì thêm về thời gian, phương án phát hành, kế hoạch gọi vốn và sử dụng vốn. Ông Lê Hồng Minh thừa nhận, việc ký kết thỏa thuận với sàn Nasdaq chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài và khó khăn để đi đến niêm yết thực sự tại Nasdaq.