Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk, đã nói như vậy khi trò chuyện với Bí thư thành ủy Đinh La Thăng bên lề buổi làm việc giữa Thành ủy TP HCM với và ban thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp (DN) trung ương tại TP HCM chiều 1-3.
Bà Liên cho biết trong 3 năm tới, Vinamilk sẽ hỗ trợ bà con nông dân để giảm giá thành sản xuất sữa và có như vậy mới cạnh tranh được.
Theo bà Liên, khi vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giá sữa vào Việt Nam sẽ về mức 8.000 đồng – 9.000 đồng/lít, trong khi Vinamilk đang thu mua sữa từ nông dân giá khoảng 13.000 đồng – 14.000 đồng/lít.
Vinamilk đang chấp nhận mua sữa của nông dân giá cao nhưng đã thông báo với bà con nông dân là trong vòng 3 năm tới phải giảm giá thành xuống mới cạnh tranh được. Hiện các trang trại của Vinamilk đã sản xuất được sữa với giá thành tương đương thế giới nhưng với nguồn sữa thu mua từ nông dân, nếu bà con nông dân vẫn nuôi manh mún, nhỏ lẻ thì giá thành sẽ rất cao.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk trao đổi với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Triều
“Chúng tôi đã bàn với nông dân 3 năm tới Vinamilk sẽ đồng hành cùng bà con để kéo giá thành sản xuất sữa xuống, làm sao đến khi thuế suất nhập khẩu sữa bằng 0% chúng ta có thể trụ được. Hiện Vinamilk ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp của 8.000 hộ nông dân và hỗ trợ họ giải quyết 3 vấn đề: năng suất, quy mô và thức ăn chăn nuôi" - bà Liên nói.
Cụ thể, Vinamilk sẽ khảo sát từng hộ, chỉ cho bà con biết con bò nào giống đã cũ, năng suất thấp và yêu cầu họ thay đàn để có năng suất 20 lít/ngày trở lên. Bò nuôi tại trang trại Vinamilk có năng suất 28 lít sữa/ngày/con, bò nông dân nuôi chỉ 12 – 15 lít/ngày/con, trong khi bò nuôi ở New Zealand có năng suất tới 30 lít/ngày/con thì không thể cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, Vinamilk khuyến khích các hộ chăn nuôi tăng đàn hoặc tập hợp vài hộ lại với nhau để tăng đàn, thay vì 5 con 1 hộ thì lên 20 con để năng suất cao hơn, giảm giá thành.
Ngoài ra, trong năm nay Vinamilk ký hợp đồng với các công ty thức ăn gia súc theo công thức của Vinamilk và giao thức ăn cho bà con nông dân, bà con không phải trả tiền mà trả bằng sữa. Theo cách này, giá cám giảm được 6.000 đồng – 7.000 đồng/kg, giúp giảm giá thành cho nông dân.
Về câu hỏi của ông Đinh La Thăng rằng nông dân có thể góp vốn bằng bò để trở thành cổ đông của Vinamilk được không, bà Liên cho rằng nếu muốn góp bò làm cổ đông của Vinamilk phải thẩm định xem đàn bò có đạt tiêu chuẩn không, tuy nhiên cá hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mùn nên rất khó.
"Vinamilk hiện có đến 49% là vốn nước ngoài, DN muốn làm gì cũng phải công khai minh bạch và chứng minh được là có lợi cho công ty thì họ mới chấp nhận. Năm 2003, khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân tham gia mua cổ phần của Vinamilk với giá ưu đãi giảm 30% mệnh giá. Những nông dân không có tiền còn được Vinamilk bảo lãnh ngân hàng để cho vay nhưng khi cổ phiếu được giá thì bà con bán hết. Nếu bà con giữ lại cổ phiếu đến bây giờ chắc không cần phải nuôi bò sữa nữa cũng khỏe" - bà Liên chia sẻ.