Điều chỉnh giảm kế hoạch
Thời điểm này thường là lúc nhiều công ty đang lên kế hoạch sản xuất cho năm mới, nhưng đối với các công ty cao su, có vẻ như vẫn đang còn bận rộn với năm cũ. Tại Cao su Phước Hòa (PHR), Nghị quyết Hội đồng Quản trị vào đầu tháng 12 vừa qua cho thấy cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, PHR giảm 2,84% kế hoạch doanh thu và 22,48% kế hoạch lợi nhuận.
Không chỉ PHR, Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đã điều chỉnh lại kế hoạch, dù đã gần hết năm. Tất cả đều chung một lý do: dự báo sai giá mủ cao su. PHR, chẳng hạn, điều chỉnh giá bán mục tiêu từ 45 triệu đồng/tấn xuống còn 38,8 triệu đồng/tấn. Tương tự, trong giải trình báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014, DPR cho biết giá bán bình quân là 38,4 triệu đồng/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến gần 50,6 triệu đồng/tấn.
Thống kê trên thị trường hàng hóa quốc tế cho thấy mức giá các loại mủ cao su (vàng trắng) đang giảm rất nhanh. Ở sàn giao dịch hàng hóa Singapore, giá mủ cao su loại RSS3 (loại phổ biến nhất) đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm cao nhất trong số các loại hàng hóa, theo thống kê về chỉ số hàng hóa trong tháng 10.2014 của tờ The Economist.
Như vậy, giá mủ cao su đã giảm năm thứ 4 liên tiếp (kể từ năm 2010). Theo Ngân hàng Thế giới, giá mủ cao su đạt mức đỉnh 6,3 USD/kg vào tháng 2.2011. Đó cũng là thời điểm các công ty cao su bùng nổ. Còn hiện tại giá bán chỉ xấp xỉ mức 1,5 USD/kg, ngang với thời điểm tháng 3.2009.
Nguyên nhân khiến giá mủ cao su giảm là nguồn cung tăng quá mạnh, trong khi nhu cầu kinh tế lại thấp do sức cầu chưa phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc, theo nhận định của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG). Cũng theo tổ chức này, năm 2013 mức chênh lệch giữa cung và cầu tiếp tục tăng 14,5%.
Không chỉ Việt Nam mà cả những quốc gia trồng nhiều cao su như Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng gặp khó. Riêng Việt Nam, sự khó khăn này đã được dự báo từ trước, khi diện tích trồng cao su thuộc vào loại tăng trưởng cao nhất trên thế giới (bình quân giai đoạn 2000-2012 tăng 6,8%).
Cổ phiếu có còn hấp dẫn?
Thời hoàng kim của nhóm cổ phiếu cao su đang dần trôi qua. Theo cuộc khảo sát thường niên của NCĐT và Công ty Chứng khoán Thiên Việt trong chương trình “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” (dựa trên 3 chỉ số cơ bản là tăng trưởng doanh thu, ROE, ROC), cổ phiếu cao su đang dần rớt khỏi danh sách này. Nếu như cả ba công ty cao su là PHR, DPR, TRC đều góp mặt trong danh sách năm 2012 và 2013 thì đến năm 2014 chỉ còn lại mỗi DPR. Thay vào các vị trí đó là Casumina và Cao su Đà Nẵng - những doanh nghiệp được lợi nhờ giá cao su đầu vào giảm.
Tuy sức nóng của cao su đã giảm, nhưng vẫn có doanh nghiệp tư nhân quyết định đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này. Công ty Đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG) là một ví dụ.
Hồi giữa tháng 11, Đại hội cổ đông bất thường của VHG quyết định mở rộng diện tích trồng cao su thêm 500 ha, tức tăng 33,3% so với diện tích hiện nay. VHG cũng sẽ mở rộng thị trường bằng cách đầu tư vào các công ty cao su khác. Gần đây, VHG công bố sở hữu 18% Công ty Cao su Sao Vàng.
Trong khi đó, những công ty khác (cũng bắt đầu trồng cao su vào thời điểm năm 2008 tương tự như VHG) như Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Đức Long Gia Lai (DLG) lại không có kế hoạch mở rộng diện tích, mà sẽ tập trung vào việc thu lợi nhuận từ việc trồng cây cao su.
Dù vậy, có một điểm chung giữa HAG, DLG và VHG là quyết định đầu tư vào nhà máy chế biến sâu mủ cao su, thay vì chỉ trồng cây và cạo mủ. Cái mà các doanh nghiệp này nhắm đến chính là sản phẩm tinh chế thay vì thô.
Sản phẩm tinh chế đang được xem là lối thoát cho ngành cao su Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cao su đứng thứ 4 trên thế giới nhưng lại nhập khẩu đến 80% cao su nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Theo báo cáo thông tin chuyên đề cao su tháng 8, tháng 9 của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Việt Nam cần phải chế biến sâu hơn để đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như giảm tỉ lệ xuất khẩu hàng thô. Cụ thể hơn, đến năm 2015, ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu cơ cấu xuất khẩu là 50% hàng thô, 50% tinh chế để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA.
Một số công ty trong ngành đang định hướng lại theo con đường này. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đơn vị mẹ sở hữu DPR, TRC và PHR, cho biết trước đây vì giá cao su cao, các công ty con định hướng vào việc kinh doanh nhiều hơn, nghĩa là chỉ đơn thuần trồng cây, cạo mủ và đem bán thay vì đầu tư nhà máy tinh chế. Nhưng Tập đoàn cũng cho biết tập trung thay đổi cơ cấu sản phẩm kể từ năm 2014.
Hiện tại, trước việc giá cao su đang giảm mạnh, hiệp hội cao su nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi cắt giảm nguồn cung để duy trì mức giá. Tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Cao su Quốc tế đã nhóm họp với các quốc gia xuất khẩu cao su hàng đầu là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam để thảo luận về phương thức kích giá mủ cao su.
Cuối cùng, các bên tham gia thống nhất và khuyến khích không bán dưới mức mức giá 1,5 USD/kg. Trong khi đó, theo IRSG, mức chênh lệch giữa nguồn cung và cầu dự báo trong năm 2015 sẽ giảm xuống 45,6% so với năm nay, tức hỗ trợ giá tăng lên. Có vẻ như cổ phiếu ngành cao su đang hấp dẫn trở lại khi giá đã xuống đáy và chuẩn bị bật lên