Từ dư âm “TPP không đạt được tiến độ như kỳ vọng” đến biến động giá mạnh của đồng NDT và đồng tiền một số nước trong khu vực ASEAN, cuối cùng là tỉ giá USD/VND tiến tới mức kịch trần sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ từ 1% lên 2%. Nhìn chung, rất khó để lượng hóa được thiệt hại hay lợi ích mà nền kinh tế Việt Nam chịu tác động từ chuỗi các sự kiện trên.
Điều khiến nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp (DN) lo ngại có lẽ là “sự bất ổn”. Hay nói cách khác, thị trường cảm thấy rủi ro đang tăng lên và tự động gia tăng chiết khấu lên định giá cổ phiếu, đồng thời đưa trạng thái danh mục về ngưỡng rủi ro chấp nhận được. CDS 5 năm của Việt Nam thực tế cũng đã nhích nhẹ lên trong các ngày vừa qua.
Phiên thứ Sáu (14-8) gần như thể hiện rõ nét nhất tâm trạng thị trường khi góp thêm gần 40% vào mức giảm điểm cả tuần của VNIndex. Trong nhóm VN30, sắc xanh chỉ duy trì ở một vài mã trụ cột như DPM, VNM, HSG, BVH, trong khi đó, áp lực bán vẫn duy trì khá mạnh ở các mã cổ phiếu khác.
Khác với diễn biến chung của thị trường, nhóm cổ phiếu smallcaps và midcaps chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ, thậm chí tăng nhẹ vào cuối phiên này. Trong nhóm này, cổ phiếu CTCP Đại lý vận tải SAFI (SFI – HOSE) tăng mạnh lên mức gần trần sau khi kết quả kinh doanh (KQKD) quý II/2015 tích cực vừa được công bố. Doanh thu hợp nhất đạt 141 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất (LNST) đạt gần 18 tỉ đồng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2015, dù doanh thu của SFI tương đương cùng kỳ song LNST lại tăng trưởng mạnh gần 70% cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành 85% kế hoạch năm. Ngoài ra, với doanh thu hai quý tiếp theo dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi biên lãi gộp của công ty có cải thiện gần 16% so với cùng kỳ, chuyên viên ngành đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh của SFI trong năm nay.
Cổ phiếu GAS giao dịch một cách đáng chú ý trong phiên cuối tuần với thanh khoản tăng gấp 4 lần so với thông thường và đóng cửa với giá sàn. Áp lực bán mạnh cổ phiếu GAS hôm nay có thể đến từ một số nguyên nhân (1) giá dầu giảm mạnh (giá dầu WTI xuống còn 42,23 USD/thùng, giảm 2,53% so với một ngày trước), (2) bị tác động do hoạt động “call margin” ở một số công ty chứng khoán.
Ngoài ra, thông tin từ hội nghị nhà đầu tư (NĐT) của CTCP Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2-HSX) cho biết NT2 đang thương thảo với GAS về việc tính lại giá mua khí đầu vào theo giá thị trường. Trong cơ cấu tiêu thụ của NT2, 54% lượng khí mua từ mỏ Lan Tây và 46% mua từ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh.
Do GAS chưa thương lượng xong cơ chế giá theo thị trường (có hiệu lực từ tháng 04/2014), nên giá bán khí tại mỏ Lan Tây vẫn tính theo cơ chế cũ (trượt giá 2% mỗi năm), trong khi giá bán khí tại mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh đang tính theo cơ chế thị trường. Nếu tính lại theo cơ chế giá theo thị trường thì khả năng khoản tiền NT2 có thể thu lại từ GAS chủ yếu đến từ mỏ Lan Tây.
Với diễn biến giá dầu thô hiện nay, đây là một thông tin bất lợi cho GAS, tuy nhiên, chuyên viên ngành cho biết hiện tại vẫn chưa có thông tin mới về cơ chế đàm phán giá khí theo giá thị trường và việc trả tiền của GAS cho NT2 (nếu có) có khả năng sẽ chia thành nhiều kỳ chứ không diễn ra một lần.
Điều tích cực duy nhất chúng tôi nhận thấy là thanh khoản tuần này ghi nhận sự cải thiện (tăng 3,77%) và ổn định hơn so với tuần trước. NĐT nước ngoài vẫn duy trì vị thế mua ròng tổng cộng 253,4 tỉ đồng trên cả hai sàn, nâng giá trị mua ròng tích lũy từ đầu năm đến nay lên 6.571 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dòng tiền NĐT nước ngoài không dàn trải mà chỉ tập trung vào một số cổ phiếu như SSI (94,1tỉ đồng), NT2 (62,6 tỉ đồng) và DPM (45 tỉ đồng), đồng thời trong hai phiên gần nhất, NĐT nước ngoài đã bán ròng trở lại. Chuyên viên thị trường cho biết quỹ ETF –VNM đã bị rút 250 ngàn chứng chỉ quỹ trong tuần này, giảm về mức thấp nhất trong một tháng gần đây.
Trong tuần tuần tới, thị trường có thể đón nhận các thông tin liên quan đến kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7-2015 (Tổng cục Hải Quan) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Dựa trên ảnh hưởng của xu hướng chung từ đầu năm đến nay đi cùng với yếu tố mùa vụ (các doanh nghiệp gia tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc và nguyên liệu cho các đơn hàng xuất khẩu vào cuối năm), thâm hụt thương mại dự báo sẽ tiếp tục được ghi nhận trong tháng 7. Do vậy, việc thông tin này được công bố có thể chỉ thêm một nét xám nhạt vào làm bức tranh chung của thị trường.
Ngoài ra, CPI của hai thành phố lớn (Hà Nội và TP HCM) cũng được được công bố. Dưới quan sát của chúng tôi, xu hướng giảm của giá dầu vừa qua có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên CPI tháng 8, tuy nhiên việc các chi phí dịch vụ công như viện phí và học phí tăng sẽ là các yếu tố đối trọng với giá dầu. Do vậy, CPI tháng 8 có khả năng sẽ vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ.
Ngoài ra, các tin tức liên quan đến vấn đề “nới room cho nhà đầu tư nước ngoài” có thể vẫn tiếp tục được chờ đợi trong tuần tới nhưng chúng tôi không cho rằng sự chờ đợi đó sẽ được thỏa mãn bằng một danh sách ngành cụ thể.
Do đó, thị trường nhìn chung chưa thể ngay lập tức phục hồi. Nhà đầu tư có thể đứng ngoài quan sát thêm diễn tiến thị trường, trừ trường hợp có những phiên giảm giá mạnh và hoảng loạn, việc mua vào chọn lọc tại mức định giá rẻ có thể được thực hiện một cách thận trọng. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các phiên thuận lợi để đưa tỉ trọng tiền mặt và cổ phiếu trong danh mục về mức ít rủi ro nhất.