Thị trường chứng khoán tháng 9 diễn ra khá trầm lắng trước sự dè dặt của nhà đầu tư. Trong đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng để lãi suất USD tham chiếu tăng trở lại trong năm 2015 rõ ràng có tác động tiêu cực đến sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).
Trong nước, việc không có thông tư hướng dẫn thêm về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến thị trường thất vọng. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên hai sàn giảm 27% so với tháng 8 và thấp hơn 22% so với trung bình 9 tháng qua. Mức bán ròng của NĐTNN trong tháng 9 đạt tổng cộng 989 tỉ đồng, mức bán ròng cao nhất trong vòng một tháng tính từ đầu năm đến nay.
Chúng tôi cho rằng diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các chỉ số của TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giao dịch của khối ngoại. Với phát biểu của FED, khả năng lãi suất USD sẽ tăng trở lại cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 cũng tăng lên đáng kể. Do đó, sự rút đi của dòng vốn ngoại có thể sẽ chưa dừng lại, ít nhất là đến tháng 12.
Trái lại, từ cuối tháng 9, nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra mạnh dạn hơn với nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình - thấp, đặc biệt trong những ngành xuất khẩu có lợi từ Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chúng tôi tin rằng kết quả đàm phán TPP cuối cùng trong năm 2015 ở Atlanta (Mỹ) có thể tiếp tục khuấy động giao dịch ở các cổ phiếu này cũng như sự hứng khởi trên thị trường. Dù vậy, với sự hạn chế về quy mô vốn hóa, “sóng” ở các cổ phiếu nhỏ có thể sẽ sớm dừng lại sau 1-2 tuần đầu tháng và khó ảnh hưởng mạnh đến xu hướng các chỉ số trong cả tháng 10. Chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ phủ nhiều sắc xanh nhưng “dịch chuyển chậm” về mặt điểm số trong tháng.
Vùng điểm dự báo trong tháng này với VN-Index là 560 - 597 và HNX-Index là từ 77 - 83.
Con số công bố tốt hơn kỳ vọng về tăng trưởng GDP, tiêu dùng, đầu tư và thương mại trong 9 tháng đầu năm đang đặt Việt Nam trong một bức tranh kinh tế sáng hơn so với các nước trong khu vực; và với việc ký kết TPP tới đây, cơ hội tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều. Cộng với mức định giá hiện ở mức thấp, đây là những yếu tố làm cho TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn khi xu hướng rút vốn kết thúc.
Với nhận định trên, trong vòng hai tuần đầu tháng 10, nhà đầu tư vẫn có thể tận dụng đà tăng của nhóm cổ phiếu mid-caps để tìm kiếm lợi nhuận. Càng về cuối tháng việc dòng vốn ngoại rút đi lại là cơ hội lớn để nhà đầu tư Việt Nam tích lũy những cổ phiếu blue-chips có kết quả kinh doanh ổn định và triển vọng tăng dài hạn tích cực nhưng bị chiết khấu bởi sự bi quan của NĐTNN hoặc ít nhất là chưa tăng giá nhiều.
Mặt khác, với mục tiêu nắm giữ 3 – 6 tháng, nhà đầu tư đã có thể bắt đầu lựa chọn các nhóm ngành và cổ phiếu để đón đầu kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao ngành bán lẻ ô tô và thiết bị điện tử, y tế và hàng tiêu dùng. Đây là các nhóm ngành có cao điểm kinh doanh rơi vào những tháng cuối năm cùng với nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho các dịp lễ tết. Bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu được dự báo tích cực hơn, diễn biến giá của các cổ phiếu dệt may và thủy sản cũng có thể được hỗ trợ đáng kể nếu kỳ đàm phán TPP lần này có kết quả tích cực.
Do đặc thù ngành, các doanh nghiệp xây dựng ghi nhận doanh thu từ các công trình trong các tháng cuối năm. Với giá trị hợp đồng thi công có nhiều cải thiện so với 2015, có thể kỳ vọng mức tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh của các công ty xây dựng trong quý cuối năm.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước có xu hướng tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu từ quý III/2015 và đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm. Xu hướng này sẽ hỗ trợ tích cực cho sản lượng hàng hóa thông qua của các cảng cũng như hiệu suất khai thác đội tàu, xe và hệ thống kho bãi của các công ty logistics.