Nửa đầu năm ngoái, khi PAN Food (thuộc PAN Group) và công ty con của PAN Food là Thủy sản Bến Tre (ABT) liên tục gom mua cổ phiếu BBC của Bibica, nâng tỉ lệ sở hữu tại đây lên hơn 45% vốn điều lệ, vượt Lotte (Hàn Quốc) và trở thành cổ đông lớn nhất, giới đầu tư từng kỳ vọng, cục diện ở Bibica sẽ khác.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi Bibica vừa tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông năm 2016, tình hình ở công ty này vẫn chưa có nhiều chuyển biến, ngoại trừ việc PAN Food đã đưa được người vào Ban quản trị.
SSI và PAN Group có mối liên quan mật thiết vì cùng chung Chủ tịch là ông Nguyễn Duy Hưng. Giai đoạn 2012-2013, SSI là đối trọng đáng gờm của Lotte khi huy động lực lượng, tăng tốc chạy đua để gia tăng sở hữu tại Bibica. Từ năm 2014, SSI chuyển vốn đầu tư ở Bibica sang cho PAN Food, để PAN Food chính thức là cổ đông lớn thứ 2 sau Lotte tại Bibica. Có lúc nhóm PAN Food vượt lên, nhưng hiện tại Lotte đang thắng thế.
Mặc dù vậy, chênh lệch sở hữu cổ phiếu BBC giữa Lotte và nhóm PAN Food là không đáng kể và chưa ai có đủ khả năng để tạo tiếng nói vượt trội trước đối thủ còn lại. Chính vì thế, tình hình ở Bibica vẫn trong thế giằng co. Mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông trong nước và phía Lotte vẫn chưa được giải quyết.
Một trong những vướng mắc đáng chú ý là dự án nhà máy Bibica miền Bắc (Hưng Yên) vẫn án binh bất động dù trong kế hoạch vạch ra ban đầu, giai đoạn 1 của dự án đáng lẽ phải bắt đầu từ năm 2008. Mãi tới năm ngoái, Bibica mới lên dự tính chi khoảng 18,5 tỉ đồng cho công tác nghiên cứu thị trường và xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên mới nhất, giá trị đầu tư thực tế năm 2015 cho nhà máy Bibica miền Bắc chưa tới 400 triệu đồng.
Bibica đã có một năm 2015 khá thuận lợi với doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng so với kỳ - Ảnh: Bảo Trọng
Nhà máy Bibica miền Bắc là một trong những nguyên cớ đẩy căng thẳng ở Bibica lên cao. Sự việc quay về thời điểm cuối năm 2007, vì muốn kêu gọi hợp tác đầu tư nhà máy này cùng nhà máy Bibica miền Đông giai đoạn 2 (Bình Dương), Bibica đã bắt tay với Lotte.
Theo tính toán của người đứng đầu Bibica, một khi hoàn thành các dự án, nhà máy Bibica miền Đông giai đoạn 2 sẽ chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng, dinh dưỡng chức năng. Còn nhà máy Bibica miền Bắc sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ Lotte và sản xuất các sản phẩm của Bibica.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế đã không đi theo tính toán này. Bởi từ khi đi vào vận hành, nhà máy Bibica miền Đông giai đoạn 2 lại chỉ tập trung sản xuất sản phẩm bánh Pie - một dòng sản phẩm của Lotte. Riêng nhà máy Bibica miền Bắc liên tục “nằm đắp chiếu”. Cũng từ đây, sóng gió nổi lên và câu chuyện Lotte thâu tóm Bibica bùng nổ.
Đã 4 năm kể từ thời điểm Lotte lộ rõ ý định thâu tóm Bibica, đôi bên vẫn trong thế đối đầu. Trưởng phòng Phân tích ở một công ty chứng khoán lớn tại TP HCM (không muốn nêu tên) cho rằng chỉ khi nào một trong hai bên nhượng bộ, hoặc Bibica có cách phát hành thêm cổ phiếu, thế trận ở Bibica mới có thể ngã ngũ.
Trên thực tế, gần 10 năm kể từ năm 2008, Bibica chưa một lần tăng vốn đầu tư chủ sở hữu, vẫn giữ con số 154,2 tỉ đồng vốn điều lệ suốt từ đó đến nay. Theo ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica, đây là một bất lợi. Tương tự, dù có trong tay 300 tỉ đồng tiền mặt nhưng những bất đồng trong nội bộ đã khiến Bibica gặp hạn chế trong các hoạt động đầu tư. Giá trị đầu tư thực tế của Bibica trong năm 2015 chỉ hơn 2 tỉ đồng, rất thấp so với kế hoạch 57,5 tỉ đồng mà Công ty đề ra.
Trong khi đó, nhiều đối thủ của Bibica như Phạm Nguyên, Hải Hà, Tràng An, Hải Châu hay Kraft (Mỹ), Meiji (Nhật), Orion, Lotte (Hàn Quốc) đều gia tăng đầu tư. Đó là chưa kể, bánh kẹo từ các nước ASEAN ồ ạt đổ vào Việt Nam nhờ chính sách miễn giảm thuế. Tất cả khiến cho chặng đường phát triển kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của Bibica càng thêm áp lực.
Bibica mới chỉ đạt 8,6% thị phần, dù định hướng thị phần của công ty năm 2015 từng có lúc mong muốn đạt tới 10%. Về kết quả kinh doanh, Bibica đã có một năm 2015 khá thuận lợi với doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, như thông tin Công ty chia sẻ sự tăng trưởng này có yếu tố bên ngoài hỗ trợ.
Đó là nhiều nguyên liệu đầu vào như chất dẻo, sữa, bao bì nhựa giảm và Bibica tiếp tục nhận hạn mức nhập khẩu đường 1.000 tấn với giá rẻ hơn giá đường nội địa tới 16%. Vì thế, sang năm 2016, khi các yếu tố hỗ trợ này không còn nữa, mục tiêu lãi sau thuế của Bibica dự kiến chỉ còn 65 tỉ đồng, giảm 23% so với năm 2015.
Bibica đã đề ra khá nhiều kế hoạch cho năm 2016, như đầu tư dây chuyền bánh kẹo mềm cao cấp, khai thác dây chuyền bánh Pie thêm 30%, đầu tư thiết bị trộn màu sôcôla cho bánh Orienko, tạo thêm các sản phẩm mới, gia tăng độ phủ từ 95.000 cửa hàng lên 120.000 cửa hàng... Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, các mục tiêu này có thể không đạt được nếu vấp phải lực cản từ trong nội bộ.
Nhà đầu tư đang hy vọng thế giằng co ở Bibica sẽ sớm bị phá vỡ, nhất là khi mới đây, đại diện PAN Food úp mở về khả năng 2 nhóm cổ đông lớn ở Bibica có thể đạt sự đồng thuận 100%. Bởi lẽ, ABT đã rút khỏi Bibica, trong khi PAN Food lại không tăng sở hữu. Do đó, ưu thế dường như đang nghiêng về phía Lotte.
Hiện tại, trừ mâu thuẫn nội bộ cản trở đường đi, còn lại Bibica có những yếu tố hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành. Đó là Bibica vẫn giữ được thương hiệu nổi tiếng, nền tảng tài chính lành mạnh, không đi vay nợ, với khả năng sinh lời, khả năng thanh toán hiệu quả hơn qua từng năm và vượt trội hơn các công ty cùng ngành.