Điểm mới đáng quan tâm tiếp theo là Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-9-2015 cho phép phát triển sản phẩm chứng quyền có bảo đảm tài sản, tạo không gian cho các CTCK cung cấp công cụ kinh doanh, công cụ bảo vệ mới cho nhà đầu tư.
Nới room cho CTCK, thủ tục không phức tạp
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, cho biết các DN trong phạm vi cấp phép thành lập của UBCK gồm khối CTCK, công ty quản lý quỹ, khi muốn thực hiện nới room cần có công văn báo cáo UBCK. Khi UBCK chấp thuận cho DN nới room, thủ tục pháp lý được coi là hoàn tất, DN chỉ cần làm việc với Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Sở GDCK để thực hiện việc mở rào cản kỹ thuật từ 49% hiện hành lên mức 100%.
"Trường hợp DN hoàn tất thủ tục pháp lý để mở room đến 100% nhưng DN có mong muốn giới hạn một tỷ lệ nhất định để dành bán cho cổ đông chiến lược, chẳng hạn 30%, DN cần làm thêm một bước nữa là gửi công văn thông báo với cơ quan quản lý TTCK sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ" - ông Sơn nói.
Trên TTCK, ở mức room hiện tại, một số DN như Ngân hàng TMCP Quân đội, vì để dành một tỷ lệ cổ phiếu nhất định để bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nên ngay từ khi lên sàn niêm yết đã đề xuất khóa room ở mức 20%, nhà đầu tư ngoại chỉ giao dịch trong tỷ lệ tối đa 10% room trên thị trường.
Nghị định 60/2015/NĐ -CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào thời điểm TTCK không mấy thuận lợi, do nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ diễn biến giá dầu giảm kỷ lục và Trung Quốc đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ.
Hơn 2 tuần TTCK hứng khởi với quyết sách nới room, VN-Index tăng lên 638,39 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, nhưng sau đó, sàn chứng khoán giao dịch trồi sụt và giảm mạnh, nhà đầu tư dường như không còn hứng thú với câu chuyện mở room trên thị trường.
Tuy nhiên, quyết sách nới room (hiện mới bắt đầu được thực thi với khối CTCK, các DN thuộc các ngành nghề kinh doanh khác đang chờ văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư sắp tới), được đánh giá là hết sức quan trọng, bởi ở đó là cả sự thay đổi tư duy về sở hữu DN Việt.
Theo Tổng giám đốc CTCK TP HCM, ông Johan Nyvene, quy định mới sẽ thúc đẩy các hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam, bởi nó tạo điều kiện cho nhà đầu tư ngoại mua và sở hữu lớn tại DN đại chúng.
Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, sau thời gian dài tham gia DN với tư cách cổ đông, cổ đông chiến lược, làm thành viên HĐQT để tác động vào hoạt động điều hành DN, nhưng không mấy hiệu quả, đang chờ đợi cơ hội nới room để mua đến quá bán cổ phiếu của các DN có tiềm năng phát triển. Cơ hội đang ở phía trước với cả hai phía, DN và nhà đầu tư nước ngoài khi chính sách nới room được thực thi.
Tháng 9 - sắp có sản phẩm mới hợp với nhà đầu tư cá nhân
Năm 2006, Luật Chứng khoán ra đời, lần đầu tiên đưa ra khái niệm chứng quyền. Chứng quyền tại luật được hiểu là loại chứng khoán được phát hành bởi công ty niêm yết, cho phép người sở hữu nó được mua một lượng cổ phiếu nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong thời kỳ nhất định.
9 năm sau đó, sản phẩm "chứng quyển có bảo đảm" (Covered warrant - CW) là khái niệm bổ sung, ra đời cùng với Nghị định 60/2015/NĐ-CP, văn bản có hiệu lực từ 1/9/2015.
Điểm khác biệt của sản phẩm CW là ở chỗ do các CTCK lớn (vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên và một số điều kiện khác) phát hành, sản phẩm vừa là công cụ đầu tư, vừa bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời được niêm yết trên thị trường cơ sở.
Cũng như các sản phẩm trên TTCK phái sinh, sản phẩm CW còn rất mới, nhưng CW được kỳ vọng sẽ là sản phẩm "bắt nhịp" được với nhu cầu thực trên TTCK Việt Nam, nơi có 98% nhà đầu tư cá nhân đang giao dịch.
Theo nghiên cứu của UBCK, CW được phát triển mạnh ở cả thị trường châu Á và châu Âu từ hàng chục năm nay, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm tới 76% tổng giá trị giao dịch CW trên toàn cầu.
Lịch sử phát triển của sản phẩm này cho thấy, đây là sản phẩm thích hợp cho nhà đầu tư cá nhân và sẽ có tác dụng tích cực khi nhà đầu tư hiểu biết về sản phẩm và ý thức được mức độ rủi ro của sản phẩm.
Sở GDCK TP HCM cho biết, đã nghiên cứu CW từ năm 2012 và đang phối hợp với UBCK xây dựng văn bản hướng dẫn các CTCK phát triển sản phẩm này. Theo ông Nguyễn Sơn, văn bản hướng dẫn CW sẽ sớm hoàn tất, để có thể trong năm nay có đủ cơ sở pháp lý triển khai.
Chính sách mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và các thành viên thị trường luôn là điều kiện quan trọng để duy trì tính hấp dẫn của sàn chứng khoán.
Sự khởi sắc của TTCK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe của các DN và nền kinh tế vĩ mô, nhưng tháng 9 được khởi đầu với điểm nhấn thực thi chính sách nới room và triển khai sản phẩm mới cho thấy, TTCK đang có sự thay đổi về chất, để bước lên mặt bằng mới, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường mà nhà quản lý đã đặt ra.