Sự kiện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chào bán công khai 77,8 triệu cổ phần ra công chúng vào 10-12 tới được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Với vốn điều lệ dự kiến 22.431 tỉ đồng, ACV là một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất trong ngành hàng không.
Sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm 75% vốn tại ACV. Phần còn lại bao gồm 448,6 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược; bán đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phần (3,47%), còn lại bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn.
Giá khởi điểm của cổ phiếu tại phiên đấu giá công khai là 11.800 đồng, được nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định là hấp dẫn. Bởi lẽ, đơn vị này là một trong những doanh nghiệp nòng cốt của ngành, với quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất nước.
Tỷ lệ chào bán công khai không lớn song cổ phiếu ACV được đánh giá là hấp dẫn với nhà đầu tư.
Theo công bố thông tin, ACV hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh. Doanh nghiệp trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng quốc nội. Năm 2014, ACV có tổng doanh thu 10.569 tỉ đồng, trong khi chi phí là 7.389 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế, theo đó đạt 2.437 tỉ đồng.
Là đơn vị thành viên của ACV, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất - SASCO (SAS) và Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS - Saigon Ground Services) từng đạt kết quả tích cực khi IPO năm 2014. Đặc biệt, giá cổ phiếu của SAGS trong ngày đầu đấu giá công khai đạt 45.000 đồng nhưng vẫn được khá nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng, nhóm kinh doanh dịch vụ nhòm ngó và muốn sở hữu.
SAGS càng được chú ý nhiều hơn khi công ty này quyết định sẽ đưa cổ phiếu lên thẳng sàn HOSE thay vì giao dịch trên sàn UPCoM vào cuối tháng 3. Đây cũng là một tín hiệu tích cực giúp nhà đầu tư dễ dàng có được cổ phiếu của đơn vị này. Hiện, tại SASCO, cổ đông chiến lược nắm giữ 23,6% cổ phần là bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Còn ở SAGS là quỹ đầu tư SSI và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hoàn Lộc Việt.
Cũng không kém phần sôi động trước đó, nhóm công ty nằm trong hạng mục cung cấp hạ tầng, dịch vụ hàng không đang niêm yết trên UpCom và HOSE cũng được săn đón và đạt được mức tăng trưởng giá cổ phiếu khá tốt.
Cụ thể, nhóm Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài - NoiBai Cargo (NCT), Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hàng không - Arimex (ARM) và Công ty cổ phần In hàng không - Aviprint (IHK) giá cổ phiếu sau 10 tháng giao dịch tăng 20-120%, trong đó, cổ phiếu NCT có mức tăng mạnh nhất với 136.000 đồng. Đáng chú ý, nửa đầu năm 2015, NoiBai Cargo có kết quả kinh doanh ấn tượng khi đạt lợi nhuận 180 tỉ đồng, tăng trưởng 27%, còn Masco ghi nhận lợi nhuận 18,12 tỉ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ 2014.
Bên cạnh sức hấp dẫn của nhóm hạ tầng hàng không thì nhóm chuyên vận chuyển hành khách (hãng hàng không) cũng đang được nhà đầu tư kỳ vọng. Trước đó, IPO Vietnam Airlines khá thành công khi được các ngân hàng săn đón và mua công khai tại buổi đấu giá.
Còn đối với Vietjet Air, đơn vị này dự kiến sẽ IPO vào cuối năm nay. Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc của hãng cho hay, Vietjet đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ và kế hoạch IPO sao cho hoàn thành sớm nhất có thể. Trước đó, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành, cho biết sẽ huy động khoảng 800 triệu USD trong lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng. Tuy nhiên, theo bà Bình, đó chỉ là con số dự báo trước đây chứ trên thực tế có thể còn cao hơn.
Nửa đầu năm 2015, công ty này đạt doanh thu 5.753 tỉ đồng, tăng 205% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế không được tiết lộ. Song, theo lãnh đạo hãng này thì con số đạt được đáp ứng kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Cổ phiếu hàng không hứa hẹn tạo luồng gió mới trên thị trường. Ảnh: Thi Hà
Chia sẻ với PV, lãnh đạo một quỹ đầu tư ngoại cho biết Vietjet Air là một trong top 5 công ty ở Việt Nam được đơn vị cho vào danh mục theo dõi hoạt động kinh doanh cùng với Vinamilk, FPT, Vietnam Airlines... Nếu sức hấp dẫn của cổ phiếu các hãng hàng không có phần kém hơn so với doanh nghiệp cung cấp hạ tầng thì Vietjet Air lại là ngoại lệ.
Bởi lẽ, đây là một trong những hãng hàng không tư nhân, hầu như không bị chi phối bởi quản lý cổ phần của Nhà nước. Khi đầu tư vào nhóm này, nhà đầu tư có quyền nắm và chi phối hoạt động. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng dễ dàng ra quyết định đầu tư hơn các hãng hàng không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích đầu tư Mai Vũ Thảo cho biết, nếu niêm yết trên sàn, cổ phiếu hàng không sẽ tạo ra một luồng gió mới.
Đặc biệt, đối với nhóm hạ tầng và dịch vụ có sự hấp dẫn hơn hẳn vì đa phần là độc quyền, lợi nhuận ổn định... Riêng với ACV, giá khởi điểm cũng khá phù hợp với nhiều nhà đầu tư. Sau khi niêm yết, công ty này có thể trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn giống VCB, GAS... Còn với Vietjet Air, theo ông Thảo, có thể trở cổ phiếu đầu ngành và dẫn dắt thị trường (vì vốn hóa lớn), tiềm năng phát triển tốt trong tương lai, doanh thu bằng tiền mặt (không nợ).
Tuy nhiên, doanh nghiệp hàng không sẽ gặp rủi ro nhiều về giá xăng dầu trong ngắn hạn, bệnh dịch trong khu vực và tai nạn hàng không. Hiện, chỉ số tài chính của các đơn vị trên còn kém hấp dẫn so với doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Đối với các đơn vị có tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ cao, nhà đầu tư sẽ chịu nhiều rủi ro khi có những chính sách thay đổi bất ngờ.