Doanh thu thuần năm 2015 của KSB vượt mốc 737 tỉ đồng, tăng 18% so với kết quả năm 2014. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 162,7 tỉ đồng và 125 tỉ đồng, tăng gần 30%. Tỉ lệ cổ tức cho cổ đông năm 2015 dự kiến vẫn theo mức 30%.
Hiện tại, KSB có 7 mỏ đá đang hoạt động, trong đó, mỏ đá Phước Vĩnh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, đang làm thủ tục mở rộng xuống sâu từ 23 ha_cos +11m lên 29.62 ha_cos -20m.
Mỏ sét gạch ngói Bố Lá đã được cấp phép trong tháng 9/2015 với diện tích 11,7 ha, trữ lượng khai thác 1,5 triệu m3 (trên diện tích quy hoạch 29,8 ha - trữ lượng 3,9 triệu m3), công suất khai thác 250.000 m3/năm, thời gian khai thác 6 năm. Đang thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng mỏ để đưa vào khai thác sớm nhất trong năm 2016.
Ngoài ra, Công ty đã phục hồi môi trường và làm thủ tục đóng cửa mỏ Khánh Bình trong quý 1/2016. Kế hoạch doanh thu 2016 đạt 838 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Trong cơ cấu doanh thu năm 2016, khai thác và chế biến khoáng sản (chủ yếu là đá xây dựng) chiếm tỉ trọng 87%, đạt 731 tỉ đồng. TIếp đó là đến vật liệu xây dựng 71 tỉ đồng và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp 20 tỉ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2016 dự kiến 180 tỉ đồng và lãi ròng 144 tỉ đồng.
Đặc biệt, Đại hội đã thông qua các tờ trình, thông qua việc bầu bổ sung các thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. Theo đó, ông Võ Trường Thành đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF ) đã trở thành tân chủ tịch HĐQT của KSB và ông Phan Tấn Đạt hiện là Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư căn Nhà Mơ Ước (HOSE: DRH) cũng trở thành thành viên HĐQT của KSB.
Về câu chuyện nắm giữ KSB, trao đổi với chúng tôi ông Thành cho biết: "Giữa tôi và KSB có quen biết từ lâu trên cơ sở bạn bè. Tôi chỉ mới đầu tư khoảng 600.000 cổ phần với tư cách cá nhân nhưng KSB vẫn muốn tôi tham gia vào thành viên HĐQT. Hai công ty không có mâu thuẫn lợi ích nhau nhưng tôi vẫn toàn tâm toàn ý cho công ty TTF, cho dù có còn là chủ tịch HĐQT nữa hay không".
Những thay đổi nhân sự cấp cao tại KSB diễn ra sau động thái thoái toàn bộ vốn (50,05%) của Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại doanh nghiệp này. Mặc dù hơn 50% vốn của KSB đã đổi chủ, tuy nhiên hiện nay mới chỉ mình DRH "lộ diện" với tỷ lệ sở hữu 10% vốn KSB, hơn 40% vốn còn lại mà SCIC đã thoái vẫn ẩn danh chủ mới.
Trên thị trường hiện nay đang đặt vấn đề về mục tiêu chính của chiến lược này như thế nào khi mà DRH hiện nay có quy mô về vốn khá nhỏ, nhiều dự án bất động sản (BĐS) vẫn chưa triển khai được?
Một đại diện của DRH cho biết nguồn vốn sử dụng để mua cổ phần KSB một phần từ vốn tự có và vay từ các cổ đông của Công ty. Mục đích việc mua KSB không gì ngoài đầu tư tài chính, việc sử dụng nguồn vốn để đầu tư vào KSB hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn kinh doanh cho hai dự án bất động sản mà DRH đang triển khai, hiện các dự án đã bắt đầu xuống cọc.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, để chờ hái được "trái ngọt" từ các hoạt động đầu tư những dự án BĐS hiện hữu, và các chiến lược kinh doanh từ nhóm cổ dông mới, DRH cũng phải tạo ra một nguồn doanh thu nhất định. Trong khi đó, KSB đang là một doanh nghiệp có tiềm lực tăng trưởng mạnh, nguồn mỏ khai thác vẫn còn khá lớn có khả năng mang lại nguồn thu cao, việc đầu tư vào đây cũng là hướng đi đang được DRH ưu tiên hơn hết!
Một báo cáo phân tích của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thực hiện vào cuối năm 2015, đã khuyến nghị các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục chiến lược mua và nắm giữ KSB với mục tiêu 47,000 đồng/cp.
Các vấn đề này chắc chắn sẽ được nhiều cổ đông chất vấn và HĐQT DRH sẽ trả lời tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 27-4.