Sự nổi tiếng và thành công của VNM dưới thời bà Mai Kiều Liên làm chủ tịch là điều mà cả người trong và ngoài giới đầu tư ai cũng biết đến.
Tuy nhiên không phải ai cũng là cổ đông trung thành của VNM có thể hiểu được giá trị mà bà Liên đem về dưới góc độ đầu tư. Nhân sự kiện bà Mai Kiều Liên thôi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT và VNM sắp trả cổ tức 40% tiền mặt cùng với thưởng cổ phiếu 5:1, BizLIVE đem đến độc giả những tính toán khá thú vị khi một nhà đầu tư tình cờ mua 100 cổ phiếu VNM ngày mới lên sàn và cũng rất tình cờ lại bỏ quên trong gần 10 năm qua.
VNM lên sàn vào ngày 19-1 năm 2006. Trong ngày chào sàn, VNM được giao dịch với mức giá 53.000 đồng/CP. Như vậy, để mua 100 cổ phiếu phiên đó, khoản tiền cần bỏ ra là 5.300.000 đồng, tuy nhiên nhà đầu tư này sẽ không phải hối hận và thậm chí cảm thấy may mắn sau khi trở lại tài khoản của mình 10 năm sau.
Điều may mắn thứ nhất là số lượng cổ phiếu tăng lên, cổ phiếu VNM đã 4 lần chia thưởng cổ phiếu. Và tới đây, ngay trong đầu tháng 8 này, công ty cũng sẽ tiếp tục thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 5:1.
Về bản chất đây là hoạt động chia tách cổ phiếu. Theo tính toán, với 4 lần chia thưởng này, 100 cổ phiếu VNM ban đầu đã "sinh nở" ra 540 cổ phiếu. Nếu tính cả đợt chia thưởng tới, số lượng cổ phiếu sẽ tăng lên 648 cổ phiếu.
Các mốc chia thưởng cổ phiếu từ ngày lên sàn
Trong những lần chia thưởng này, năm 2009 là cột mốc đáng nhớ nhất bởi trong năm này công ty thưởng cổ phiếu 1:1.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi muốn đánh giá hiệu quả của một khoản đầu tư vẫn là giá trị tài sản bao gồm giá trị cổ phiếu và số dư tiền mặt.
Với thị giá ngày 31-7 là 120.000 đồng/CP thì giá trị của 540 cổ phiếu lúc này là 64.800.000 đồng. Đây là một con số hoàn toàn có thể làm hài lòng những nhà đầu tư khó tính bởi nó gấp hơn 12 lần giá trị khoản đầu tư ban đầu.
Không chỉ giá trị cổ phiếu tăng lên, lượng tiền mặt được nhận từ cổ tức cộng lại cũng đã vượt qua chính giá trị của khoản đầu tư gốc.
Tiền mặt cổ tức chi trả trong các năm qua
Do có tới 4 lần chia tách cổ phiếu nên việc tính toán là khá phức tạp. Vì vậy, để đơn giản nên gộp các lần chi trả cổ tức làm 4 đợt: từ 2006 đến 2009 nhận 970 nghìn đồng, từ 2009 đên 2011 nhận 1,4 triệu đồng, từ 2011 đến 2012 nhận về 1,2 triệu đồng, từ 2012 đến 2014 nhận về 3,87 triệu đồng và từ 2014 đến nay nhận về 1,08 triệu đồng.
Với giả định tiền mặt hưởng lãi không đáng kể, tổng số tiền cổ tức mà 100 cổ phiếu đem về là 8,52 triệu đồng (lớn hơn chính giá trị khoản đầu tư ban đầu).
Biểu đồ thị giá đã điều chỉnh của VNM 10 năm qua
Như vậy, sau 10 năm bị bỏ quên, khoản đầu tư may mắn trên đã sinh sôi ra được 540 cổ phiếu cùng với 8,52 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản là 73,32 triệu đồng, một con số đầy ấn tượng nếu biết rằng trong thời gian đó thị trường chứng khoán đã xảy ra rất nhiều sóng gió.