Cuối cùng, đại hội đồng cổ đông của Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) cũng đồng thuận thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. KLS dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục, giải quyết quyền lợi cho cổ đông, nhân viên và chính thức chấm dứt hoạt động từ tháng 10 năm nay. Như vậy, thêm một công ty chứng khoán sắp biến mất khỏi thị trường.
Nếu như Chứng khoán Chợ Lớn, Chứng khoán Saigon Tourist và gần đây nhất là Chứng khoán Sen Vàng quyết định giải thể trong âm thầm thì sự kiện ở KLS lại gây xôn xao thị trường. Bởi cũng như trường hợp Chứng khoán Âu Việt (AVS) trước đây, KLS bày tỏ ý định giải thể giữa lúc cổ phiếu của công ty này vẫn niêm yết. Tính đại chúng của KLS cũng cao hơn.
Có đến 48% cổ đông ở KLS là cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 1% cổ phần, trong khi cơ cấu cổ đông của AVS thời điểm sắp giải thể là 85% vốn điều lệ trong tay cổ đông nội bộ. KLS lại từng là “ông lớn” trong ngành chứng khoán và hiện chỉ đứng sau Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Agriseco về quy mô vốn, với 2.025 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong khi các công ty chứng khoán thua lỗ triền miên mới đi đến quyết định giải thể, KLS tuyên bố đóng cửa khi chỉ mới lỗ trong năm 2015.
Một số khoản đầu tư thua lỗ của KLS năm 2015
Theo ông Phạm Vĩnh Thành, Tổng Giám đốc KLS, Công ty thua lỗ hơn 68 tỉ đồng chủ yếu do phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán gần 200 tỉ đồng cho các cổ phiếu ngắn hạn. Trong đó, chiếm giá trị đáng kể là các cổ phiếu thuộc họ dầu khí như GAS, PVD, PVS...
Nhưng với thực lực của một trong những công ty chứng khoán lớn, có vốn điều lệ trong tốp 3 của thị trường, với tiền và tương đương tiền cuối năm 2015 còn gần 500 tỉ đồng, với hầu hết tài sản đều dễ dàng thanh lý và với thị trường chứng khoán được đánh giá đã khởi sắc hơn, KLS hoàn toàn có khả năng nắm bắt thời cơ để tái cơ cấu danh mục đầu tư, đẩy mạnh tự doanh, cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Theo chia sẻ của ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KLS, Công ty hiện đã bán hết danh mục cổ phiếu dầu khí và không lãi không lỗ. Nghĩa là KLS đã biết tận dụng thời điểm thuận lợi của thị trường để thoát hàng.
Ngoài cổ phiếu dầu khí, KLS cũng đã thoái vốn gần hết khỏi các cổ phiếu niêm yết. Vì thế, tại Đại hội cổ đông, ông Nam cho biết tiền mặt của KLS đã lên tới 1.900 tỉ đồng. Nếu thanh lý thêm danh mục cổ phiếu OTC…, KLS có thể đạt 2.000 tỉ đồng tiền mặt, đủ đảm bảo thanh toán 11.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông. Đây là khoản tiền vượt mức giá cổ phiếu đang giao dịch nên cổ đông chọn giải pháp nhận tiền chứ không ủng hộ phương án bán lại cổ phiếu cho Công ty.
Dự kiến, đến tháng 8 năm nay, KLS sẽ hủy niêm yết và thanh toán trước 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông thông qua tài khoản. Số tiền còn lại sẽ được KLS chi trả vào khoảng tháng 10-2016, khi KLS đã hoàn tất mọi thủ tục giải thể.
Đối với người lao động, KLS cũng đã lên phương án chia quỹ khen thưởng phúc lợi ước còn khoảng 20,2 tỉ đồng cho 79 nhân viên (trừ 8 lãnh đạo). Tính ra, trung bình mỗi người sẽ nhận hơn 256 triệu đồng. Ngoài ra, KLS sẽ hỗ trợ thêm 3 tháng lương để đền bù việc giải thể.
Khách hàng mở tài khoản ở KLS sẽ được giải quyết theo hướng nếu không tự tất toán thì KLS sẽ hợp tác với Công ty Chứng khoán VNDirect để chuyển tài khoản sang đó. Như vậy, về cơ bản, sau khi dự tính đến các khoản nợ, chi phí, thuế... KLS đã có phương án ổn thỏa đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Nhưng việc KLS rời bỏ cuộc chơi giữa lúc thị trường chứng khoán đã khởi sắc trở lại khiến không ít người tiếc nuối. Họ tiếc cho một công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính hàng ngàn tỉ đồng mà lại giữa đường đứt gánh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các lý do khiến KLS quyết định giải thể, nhà đầu tư có thể phần nào thông cảm cho chọn lựa của KLS.
Cơ cấu doanh thu năm 2015 của KLS
Sự thật là KLS không mạnh về môi giới dù Công ty có gần 11.000 tài khoản. Doanh thu môi giới của KLS trong 3 năm gần đây chỉ vài tỉ đồng mỗi năm, chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu Công ty. Nguồn thu từ tư vấn, lưu ký, ủy thác đấu giá, cho thuê tài sản cũng không khá hơn.
Đóng góp chính vào doanh thu KLS là khoản đầu tư chứng khoán và kinh doanh vốn. Nhưng hoạt động đầu tư chứng khoán, hay thường gọi là tự doanh của KLS lại kém nhạy bén. Vì thế, có những khoản mục đầu tư vào ITA, NTL, PHR, QCG, TNC, TLH... buộc KLS phải trích lập dự phòng giảm giá từ năm này qua năm khác.
Đặc biệt, khi nhìn vào danh mục đầu tư của KLS, cổ đông có phần ngao ngán vì KLS đã không cắt lỗ sớm hơn. Bằng chứng là khoản đầu tư vào cổ phiếu SHG của Tổng Công ty Sông Hồng (sàn UPCoM) lỗ tới 80,4% trong năm 2015.
Ông Hà Hoài Nam thừa nhận để xảy ra thua lỗ là trách nhiệm của lãnh đạo. Nhưng lãi lỗ là điều bình thường ở một doanh nghiệp. Và ông Nam nói thêm lãnh đạo KLS đã không nhận thưởng trong nhiều năm qua, kể cả năm có lãi. Riêng hoạt động kinh doanh vốn của KLS bị suy giảm do ảnh hưởng bởi chính sách hạ lãi suất, thể hiện qua việc doanh thu từ tiền gửi năm 2015 đã giảm gần 41% so với cùng kỳ.
KLS nhìn thấy trước một tương lai không mấy sáng sủa khi lãi suất huy động của ngân hàng dành cho các tổ chức còn thấp hơn lãi suất trả cho cá nhân. Riêng rủi ro trong đầu tư lại cao và tỉ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) thì thấp hơn các ngành khác. Đồng thời, các công ty chứng khoán không thuộc tốp 10 về thị phần môi giới như KLS sẽ rất chật vật để phát triển trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với 80 công ty chứng khoán còn lại.
Hoạt động trong ngành chứng khoán chịu nhiều quy định ràng buộc như việc KLS không thể thực hiện đầu tư lớn, lâu dài, mang tính chi phối ở các doanh nghiệp mục tiêu. Các lý do này, cộng với yếu tố giá trị của KLS đang cao hơn thị giá cổ phiếu, lãnh đạo KLS đi đến đề xuất giải thể. Cổ đông cũng nhận thấy con đường giải thể tốt hơn cho quyền lợi của họ nên đã thông qua với tỉ lệ cao.
10 năm thành lập, 10 năm tạo dựng được nhiều lợi thế về thương hiệu, tài chính... nhưng KLS cuối cùng cũng phải dừng chân vì không có thế mạnh nào rõ rệt. Ngành chứng khoán một lần nữa cho thấy tính khắc nghiệt của nó.