Vượt qua “cú sốc” Brexit vào cuối tháng 6, TTCK Việt Nam đã duy trì đà tăng tốt, tạo niềm tin và sự hưng phấn cho nhiều nhà đầu tư. Sự hưng phấn đã khiến nhiều nhà đầu tư mạnh tay sử đụng đòn bẩy, mua đuổi giá những mã có tin tốt, tin đồn ngay cả khi định giá đã cao và kết quả: riêng tháng 7 có gần 30 mã cổ phiếu đã rơi giá từ 20% trở lên và đà rơi chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nỗi đau mang tên TTF
Đang trên đà hưng phấn, thông tin khiến cả thị trường bất ngờ và khựng lại xuất phát từ thông tin Công ty Tân Liên Phát - Công ty con 100%vốn của Tập đoàn Vingroup (VIC) phát ra thông báo tạm ngừng chuyển đổi khoản vay 1.200 tỉ đồng với TTF sau khi phát hiện sai lệch nghiêm trọng tại doanh nghiệp này.
Tại thời điểm Tân Liên Phát phát đi quyết định quan trọng trên, ngoài thông tin “sai lệch nghiêm trọng”, nhà đầu tư không biết thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến sự việc trên. Cổ phiếu TTF sau khi đạt đỉnh ở mức giá 43.600 đồng/CP đã ngay lập tức giảm sàn từ ngày 19-7 và chuỗi ngày giảm sàn của TTF chưa dừng lại.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của TTF diễn ra ngày 21-7, nhiều cổ đông bức xúc và chất vấn Ban chủ tọa nhưng chỉ biết thêm chút ít thông tin liên quan đến “sai lệch nghiêm trọng” từ hàng tồn kho và nợ khó đòi.
Tiếp tục gây sốc với cổ đông, thị trường, trên báo cáo tài chính hợp nhất của TTF đầu tuần này kiểm toán công bố hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành bị phát hiện thiếu khi kiểm kê lên đến gần 980 tỉ đồng, dẫn đến phải điều chỉnh về trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cộng thêm doanh thu bán hàng giảm tới 64% khiến lỗ gộp của Công ty lên đến 945 tỉ đồng.
Chi phí tài chính không được hoàn nhập như các quý trước, nên phải ghi nhận ở mức cao đột biến 70,6 tỉ đồng so với con số được hoàn nhập là 18 tỉ đồng; chi phí quản lý tăng 130% lên 68 tỉ đồng. Hoạt động khác của Công ty cũng bị lỗ 39,3 tỉ đồng… Kết quả, TTF ghi nhận lỗ đột biến 1.123 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 107 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của TTF âm 1.073 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tính đến 30-6-2016, tổng tài sản TTF “bốc hơi” hơn 811,2 tỉ đồng, còn 3.573 tỉ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho giảm từ 2.297,6 tỉ đồng xuống 1.777 tỉ đồng, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ 116 tỉ đồng xuống 3 tỉ đồng và khoản phải thu giảm từ 861 tỉ đồng thời điểm đầu năm xuống 597 tỉ đồng...
Kể từ ngày chuỗi giảm sàn bắt đầu (19-7-2016), cổ phiếu TTF luôn trong tình trạng dư bán sàn, mặc dù lãnh đạo doanh nghiệp này, ông Võ Diệp Văn Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của TTF (là con trai ông Võ Trường Thành) đã cố gắng cứu vãn bằng việc đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu TTF. Đến ngày 2-8, TTF vẫn tiếp tục nằm sàn ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tức giá trị cổ phiếu đã bốc hơi hơn 50% chỉ chưa đầy nửa tháng.
Không ai khác, các cổ đông của TTF chịu ảnh hưởng trực tiếp của thương vụ “nhào lộn” giá cổ phiếu gần 1 tháng qua. Cổ đông lớn nhất là Tân Liên Phát sở hữu 49,9% sau khi mua thỏa thuận từ các cổ đông cá nhân, nếu tính theo giá giao dịch trong hai phiên 9-5 và 11-5 (hai phiên cổ phiếu TTF có giao dịch thỏa thuận khủng lần lượt 30,6 triệu và 41,5 triệu cổ phiếu) thì cổ đông này đã chi ra số tiền gần 1.833 tỉ đồng để sở hữu 49,9% vốn tái TTF.
“Khóc ròng” với cổ phiếu giảm không phanh
Chịu liên lụy bởi thông tin tiêu cực từ TTF bởi những tin đồn trên thị trường về việc TTF-DRH-KSB sẽ “chung một nhà”, cặp cổ phiếu DRH-KSB cũng đã nằm sàn nhiều phiên. Tháng 7, cổ phiếu KSB đạt giá đỉnh 94.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã rơi khá nhanh, về mức 64.000 đồng/cổ phiếu (phiên 21-7). Trong khoảng thời gian này, khá nhiều nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy để giao dịch KSB và “trái đắng” nhận lại là áp lực bán giải chấp từ các CTCK.
Lãnh đạo KSB và DRH đã đồng loạt lên tiếng làm rõ về tin đồn trên thị trường và khẳng định hoạt động cả 2 doanh nghiệp đang tiến triển tốt, kết quả quý II cũng rất khả quan, khiến 2 mã này có những phiên hồi phục sau đó. Tuy nhiên, ngay trong phiên 2-8 khi TTF công bố báo cáo tài chính hợp nhất, DRH và KSB đã đồng loạt giảm sàn.
Cũng trong lĩnh vực khoáng sản, cổ phiếu ACM ghi nhận sự sụt giảm liên tục từ 08-18/07, tương ứng giá giảm 41%, từ 3.200 đồng/cổ phiếu xuống còn 1.900 đồng/cổ phiếu. Đà giảm của ACM đến từ thông tin UBND tỉnh Bắc Giang có Công văn số 1945/UBND-MT yêu cầu ACM dừng ngay các hoạt động sản xuất, hoạt động xả nước thải sản xuất trực tiếp ra môi trường và có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định, do Công ty đã có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu độc sông Cẩm Đàn (xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động).
Nhiều cổ phiếu khác có mức giảm mạnh trong tháng 7 như HAX, TMT, HHS, HTL… Đây là những cổ phiếu đã tăng khá mạnh khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I nhưng sang quý II, do hiệu quả doanh nghiệp không mấy khả quan, khiến đà rơi của giá cổ phiếu cứ nối dài.
Bên cạnh những cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ, hoặc những “game” từ đợt thoái vốn từ cổ đông lớn như EVE, hay cổ tức cao như PAC có sự điều chỉnh sau khi tăng giá, thì đa phần, những cổ phiếu giảm mạnh đều có thị giá bèo, hoạt động kinh doanh không nổi trội, thậm chí thua lỗ. Tuy vậy, không ít nhà đầu tư đã chọn hàng này và đến khi giảm “không thể ngóc đầu dậy” thì đành ôm hàng chịu mất mát vì có muốn cũng khó mà bán ra.
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Bang chia sẻ riêng tháng 7 ông đã mất gần 40% giá trị danh mục, chỉ vì chọn phải những mã cổ phiếu nóng theo tin đồn. Chưa hết, do sử dụng đòn bẩy nên danh mục của ông đang chịu sức ép giải chấp của công ty chứng khoán. “Nếu bán được thì cũng phải trả hết cho công ty chứng khoán, danh mục khả năng chẳng còn gì” - ông nói.
Trên TTCK, lòng tham là yếu tố quyền lực và dẫn dắt mọi hành động. Nhiều nhà đầu tư dù biết hoặc cảm nhận được doanh nghiệp có những yếu tố bất ổn, nhưng vẫn dễ dàng lao vào sóng tăng điểm của nhiều mã cổ phiếu khi nhận được thông tin “có đội lái”, “giá mục tiêu là…”.
Đến khi cổ phiếu giảm quá nhanh, mất mát quá lớn, nhà đầu tư dễ quay sang trách móc doanh nghiệp, cơ quan quản lý…. Nếu bình tĩnh trước mỗi quyết định, nhà đầu tư có thể chủ động giảm thiểu rủi ro bằng việc tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp định đầu tư.