Các chuyên gia cho rằng hoạt đông của một số ngành có khả quan nhưng cũng có một số ngành không tốt vì ảnh hưởng suy thoái kinh tế.
Tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán niêm yết có nhiều điểm sáng
Công ty chứng khoán hốt bạc
Các công ty chứng khoán đã bắt đầu đưa ra kết quả kinh doanh khả quan của mình. Cụ thể, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có mức lợi nhuận tốt nhất trong ngành, bởi thị phần môi giới tại TP HCM của SSI luôn ở đầu bảng. Theo đó, lợi nhuận 6 tháng của SSI ước đạt trên 557 tỉ đồng, bằng hơn 88% kế hoạch năm. Còn là Công ty CP Chứng khoán Thành phố (HSC) có thị phần môi giới thứ 2 tại TPHCM cũng dự kiến đạt 214 tỉ đồng lợi nhuận, bằng 63% kế hoạch năm.
Hay Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đạt mức doanh thu 21,31 tỉ đồng trong quý II, nhờ doanh thu môi giới tăng mạnh 93% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh khác của công ty vẫn ổn định nên quý II-2014 công ty đạt lợi nhuận 25,8 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BVSC lãi hơn 61 tỉ đồng, tăng 8% so với 6 tháng năm 2013.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng nhờ tính thanh khoản trên thị trường từ cuối năm 2013 đến quý II năm nay tăng đáng kể, dẫn đến hoạt động môi giới, tự doanh, margin của các công ty chứng khoán cũng ổn định, nhiều công ty lãi cao. Tuy vậy, một số cổ phiếu đã ăn vào giá nên sẽ khó tăng mạnh khi kết quả kinh doanh được công bố. Nếu thị trường tiếp tục sội động từ nay đến cuối năm thì hoạt động của các công ty chứng khoán sẽ khả quan hơn.
Dầu khí, khoáng sản nhờ ưu đãi
Công ty CP CMIStone Việt Nam (mã CK: CMI) có hoạt động chính là khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu và đá xây dựng. Trong các năm vừa qua, kết quả kinh doanh của công ty biến động thất thường, không ổn định. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2013, hoạt động kinh doanh của công ty đã có sự thay đổi đáng kể nhờ mỏ quặng sắt Trấn Hưng – Yên Bái chính thức vận hành vào tháng 8-2013, đóng góp gần 80% tổng doanh thu, tương đương 41- 43 tỉ đồng.
Năm 2014, mỏ Trấn Hưng – Yên Bái tiếp tục là nguồn thu chính của công ty với doanh thu và lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch lần lượt đạt 77,9 tỉ đồng và 19,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ có thêm 2 dự án nữa đi vào hoạt động trong hai quý cuối năm là Mỏ đá Vạn Xuân – Hà Tĩnh (quý 3-2014) và Mỏ sắt Khwambang – Lào (bị chậm tiến độ do mùa mưa kéo dài, dự kiến đi vào hoạt động từ quý 4/2014). Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự án Vạn Xuân có thể góp phần vào kết quả kinh doanh của công ty từ quý 3, trong khi đó, dự án Khwambang kỳ vọng sẽ mang lại kết quả cụ thể hơn trong năm 2015.
Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS), cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ước đạt 12.500 tỉ đồng doanh thu, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận trước thuế đạt 895 tỉ đồng, tăng 8,2%. Trong cơ cấu doanh thu của PVS hiện nay, tỉ trọng doanh thu của các công ty liên doanh, liên kết ngày một tăng. Điều này chủ yếu là do các kho nổi FSO/FPSO dịch vụ chiến lược của PVS đều đến từ các công ty liên danh với nước ngoài.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, cho rằng một số DN ngành dầu khí có mức tăng trưởng ổn định và ấn tượng. Đa số cổ phiếu trong nhóm VN30 đều có lợi nhuận tăng. Bởi dầu khí được hưởng lợi từ chính sách và đầu tư của Chính phủ cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các DN thuộc nhóm VN30 thực tế cơ bản tốt đồng thời nguồn vốn mạnh cũng như hội đồng quản trị tốt, năng lực cạnh tranh cao nên dùy trì đà tăng trưởng tốt so với các DN khác.
“Bức tranh lợi nhuận của các DN có sự cải thiện đáng kể trong 6 tháng đầu năm 204 này. Một số doanh nghiệp có sự cải thiện đáng kể về lợi nhuận. Tuy vậy, một số DN gặp khó khăn do nợ và vốn vay quá lớn nhưng cũng đã thực hiện tái cơ cấu nên lợi nhuận cũng đã có cải thiện đáng kể như TTF, VHG…”- ông Tuấn cho biết.