Thêm phần trồi sụt của VN- Index những ngày này, tại nhiều sàn, chỉ còn thưa thớt khách.
Sàn chứng khoán SSI khi xưa tấp nập giờ vắng đìu hiu người đến. Ảnh: Phan Sáng
Nghệ An: giải tán sàn
Sau một thời gian mọc lên như nấm, đến nay hầu hết các sàn, đại lý giao dịch chứng khoán trên địa bàn Nghệ An đã “giải thể”. Điển hình trong số sàn có tên tuổi một thời ở địa bàn TP Vinh phải kể đến sàn VNS-An Phú, sàn APEC -Sara (sàn giao dịch của Cty chứng khoán châu Á Thái Bình Dương liên kết với Tập đoàn Sara) là hai sàn mở ra ở vị trí “đắc địa” của trung tâm thành phố Vinh nhưng chỉ hoạt động được một thời gian thì giải tán.
Riêng sàn chứng khoán Việt (Cty CP chứng khoán Việt) mở tại TP Vinh có thời điểm thu hút 1.200 nhà đầu tư của Nghệ An mở tài khoản giao dịch, doanh số mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư có lúc lên xấp xỉ hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay sàn giao dịch này cũng chỉ tồn tại thoi thóp và rất ít người đăng ký giao dịch.
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp trẻ Nghệ An cho biết: Địa bàn Nghệ An từng một thời “sốt” chứng khoán, nhưng đến thời điểm này coi như bằng con số không. Địa phương không có điều kiện để lên sàn, nhà đầu tư không có, một vài sàn giao dịch lâu nay vẫn tồn tại nhưng chỉ tồn tại thoi thóp, không mấy người đến giao dịch.
Một chủ sàn giao dịch ở đường Hà Huy Tập (TP Vinh) cho biết thêm, mặc dù chẳng hiểu gì về thị trường chứng khoán nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đua nhau mở sàn, đại lý giao dịch ở các vị trí mặt tiền của trung tâm thành phố Vinh, nhưng sau đó hoạt động thua lỗ nên chẳng mấy chốc đã theo nhau “giải tán” khỏi thị trường.
Hà Nội: hắt hiu buồn
Thời gian này, hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán ở địa bàn TP Hà Nội đều chung tình cảnh thưa vắng. Đa số khách hàng nếu đến sàn chỉ là để xem chứ không có trao đổi mua bán. Đặc biệt, dạo gót các sàn từ SSI, ACB, HSC... ngoài đội ngũ tư vấn, nhập lệnh là các nhân viên trẻ, còn lại khách hàng có mặt, đa số toàn mấy bác già về hưu và vài bà nội trợ.
Dù đang giờ giao dịch cao điểm, sàn chứng khóan SSI (Cty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - ở số 1C, Ngô Quyền - TP Hà Nội) vắng tanh. Một bảo vệ sàn cho hay, sau phiên đầu tuần rớt thê thảm đó, mấy hôm liền nơi đây chỉ xuất hiện một số ông bà già tò mò đến sử dụng máy tính của cơ quan rồi để xem chơi, lượng người tìm hiểu mua bán thưa thớt, hầu như không có.
Ông Trần Thanh Hiên (72 tuổi, trú tại Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: ông không phải dân chơi chứng khoán chuyên nghiệp nhưng ngày nào cũng theo dõi thị trường này. Mấy hôm nay, thấy chứng khoán trong nước và quốc tế lao dốc, ông Hiên và một số người về hưu tìm đến sàn SSI để xem tình hình thế nào.
Ông Hiên lướt từng trang sàn giao dịch chứng khoán trong ngày trên máy tính và nói: Tôi đến chỉ vì tò mò, muốn biết các đại gia Việt Nam “sống chết” thế nào trong cơn khủng hoảng của thị trường chứng khoán chứ không có nhu cầu mua bán. Ông Hiên nhận định khả năng thị trường chứng khoán sụt giảm vẫn còn, nhất là trong khi thị trường thế giới vẫn còn biến động và bất ổn. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại cho những ngày tiếp theo.
Ngồi buồn, vớ được một vị khách trò chuyện, một nhân viên tại Sàn giao dịch chứng khoán ACB (ở đường Trần Quốc Toản) rất nhiệt tình chia sẻ. Anh cảnh báo: Phiên giao dịch phục hồi trong ngày 26-8 không thể nói lên được điều gì, vì thị trường chứng khoán vẫn chưa hết rủi ro. Thấy khách ngỏ ý băn khoăn không biết nên mua hay bán, anh này cảnh báo: Chưa nên “mò vào” lúc này vì thị trường chứng khoán trong và ngoài nước có nhiều biến động.
Trò chuyện, một nhân viên sàn BVSC nhận xét: Sự ổn định của thị trường chứng khoán thế giới cũng như giá dầu tăng trong ngày 26-8 đã giúp thị trường trong nước từng bước cân bằng. Tuy nhiên, thanh khoản cũng như tốc độ giao dịch trên thị trường này vẫn đìu hiu.