Đó có thể là một cổ phiếu đang bị cảnh báo vẫn có thể tăng điểm vượt thời gian, hoặc có những cổ phiếu rất bình thường lại tăng rất mạnh và cũng có những cổ phiếu được cho là tốt, lại bị sụt giảm mạnh. Đó là những cổ phiếu SHN, SDU và QBS.
Chỉ trong thời gian ngắn, cổ phiếu SHN của Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội đã có tốc độ tăng trưởng khủng khiếp với hơn 287%. Từ cổ phiếu bị kiểm soát, đôi lúc đứng trước nguy cơ phá sản cận kề, SHN đã hồi sinh và tăng trưởng lên 12.400 đồng/cổ phiếu.
Tăng trong nghi ngờ
Các thông tin mà cổ phiếu này tăng điểm có lẽ là đợt thay lãnh đạo và cổ đông lớn trong thời gian tới. SHN đã ra nghị quyết để cấn trừ công nợ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian sắp tới. Danh sách điều chỉnh có 27 chủ nợ đồng ý cấn trừ công nợ bằng cổ phiếu.
Với 6,14 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, SHN sẽ cấn trừ được số công nợ tương đương 61,4 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị thị trường của 6,14 triệu cổ phiếu nói trên, tính theo giá đóng cửa ngày 2-6 là hơn 76 tỉ đồng. Điều này khiến nhiều chủ nợ bị thiệt thòi rất lớn. Nhưng các cổ đông lớn đã kéo cổ phiếu này tăng cao, trong đó, riêng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, SHN đã thương lượng thỏa thuận cấn trừ số công nợ trị giá 13,6 tỉ đồng, tương đương với 1,36 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu SHN đã tăng cao, thanh khoản tốt và giá đã vượt ngoài tầm dự đoán của giới đầu tư lạc quan nhất. Tình hình kinh doanh của SHN vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với khoản nợ khó đòi đối với công ty Beta BQP và cá nhân ông Nguyễn Anh Quân.
SHN cũng đưa ra phương án cấn trừ nợ để chủ nợ gỡ gạc khoảng 60% các khoản nợ, bởi có những lúc, công ty không có khả năng thanh toán. Hiện công ty cũng có khoản nợ phải trả gần 225 tỉ đồng, gấp 11,17 lần vốn chủ sở hữu (20,1 tỉ đồng).
Theo lưu ý của kiểm toán, điều này sẽ khiến khả năng hoạt động liên tục của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng và thành công của đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ. Nếu không đồng ý cấn trừ công nợ, tình hình của SHN sẽ trở nên rất xấu và mất khả năng thanh toán…
Một cổ phiếu tăng mạnh bất thường khác khi cổ đông lớn và thành viên HĐQT ồ ạt đăng ký bán ra, đó là cổ phiếu của CTCP Đầu tư XD & PT Đô thị Sông Đà (SDU). Việc cổ đông nội bộ thoái vốn thường là điềm không tốt đối với cổ phiếu, nhưng với SDU là tăng trần liên tục trong những phiên gần đây.
Chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần, tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký bán ra của cổ đông lớn và thành viên HĐQT của SDU đã lên tới hơn 10 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỉ lệ hơn 51% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Đây là biến động bất thường kể khi Tổng Công ty Sông Đà – Cổ đông lớn nhất của SDU có quyết định thoái toàn bộ 6 triệu cổ phiếu, tương đương 30% vốn điều lệ.
Số lượng lệnh mua đưa vào rất lớn, nhưng khối lượng bán không nhiều. Trong phiên giao dịch sáng (2-6), cổ phiếu SDU dư mua giá trần tới 6 triệu cổ phiếu là điều vô cùng khó hiểu. Tuy nhiên, việc mua bán kiểu này chỉ là chiêu trò để kéo giá cổ phiếu theo ý đồ của một số nhà đầu tư lớn.
Tốt cũng giảm
Lịch sử cho thấy việc làm ăn kinh doanh của SDU chẳng có gì sáng sủa khi giá cổ phiếu từng về mức thấp chẳng khác nào SHN. Còn lợi nhuận thì chỉ để "an ủi" cổ đông, còn cổ tức dường như cũng không có.
Một cổ phiếu khác được xem là tốt trên sàn nhưng lại bị bán ra không thương tiếc đó là cổ phiếu QBS của CTCP Xuất Nhập Khẩu Quảng Bình. Kết quả kinh doanh thực tế năm 2014 tích cực với lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với năm trước. Kế hoạch năm 2015 tiếp tục ấn tượng và chuẩn bị tăng vốn "khủng".
Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại liên tục lao dốc là sự bất thường khác. Cổ phiếu này từng tăng mạnh khi chào sàn, nhưng giờ lại về dưới mệnh giá với mức giảm rất mạnh.
Lợi nhuận gộp tăng trưởng đột biến năm 2014, đạt 64,4 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013 là điều vô cùng bất ngờ đối với cổ đông năm giữ cổ phiếu này. Trong khi đó, một số cổ đông lớn đã bán ra liên tục để hiện thực hóa lợi nhuận đã tác động tiêu cực không nhỏ đến tâm lý của giới đầu tư.
QBS đang hoạt động trong lĩnh vực phân bón (chiếm 72% tổng doanh thu năm 2014), hóa chất (22%) và dịch vụ kho bãi (chiếm 6%). QBS có vị thế khá tốt trong mảng phân bón và hóa chất, yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Như vậy, mọi thứ vẫn rất khó ngờ. Cổ phiếu xấu vẫn có thể tăng, còn cổ phiếu tốt vẫn có thể giảm. Đó là sự thật mà nhà đầu tư phải chấp nhận.