Theo giới thiệu của trang CNBC, “nếu bạn muốn tạo ra được của cải, hãy hiểu cách mà những nhà đầu tư thông thái nhất trên thế giới làm điều đó”.
A. Alfred Taubman
Taubman là một trong những chủ đầu tư bất động sản thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông được xem là người đã phát minh ra mô hình khu mua sắm khép kín (enclosed shopping mall). Vào giữa thế kỷ 20, khi hầu hết các cửa hiệu đều đứng riêng lẻ, Taubman đã nảy ra những ý tưởng mới về thiết kế. Ông tin rằng ý tưởng của mình là hợp lý, nhưng ở thời điểm đó, không ít người xem ông là điên rồ. Hầu hết các khu mua sắm do Taubman xây dựng đều mang tông màu trắng sáng, cùng thiết kế trần nhà theo kiểu hình khối đương đại và giếng trời. Người mua sắm đổ xô đến các khu này. Công ty của Taubman hiện đang được niêm yết trên sàn NYSE, với giá trị vốn hóa chừng 4,5 tỷ USD.
Bài học: Hãy tìm tòi những cái “bất bình thường”, thậm chí cả khi những ý tưởng đó ban đầu có vẻ như xa vời.
Taubman có thể không bao giờ thành công như những gì ông có được ngày nay nếu ông không nảy ra ý tưởng về xây dựng các khu mua sắm khép kín. Bằng cách chú ý tới những điều khác lạ, ngoài khuôn mẫu đã giúp Taubman đạt tới thành công. Có thể bạn không “làm ăn lớn” như Taubman, nhưng bài học này hoàn toàn có ích với bạn. Đừng bỏ qua những ý tưởng mới cho tới khi bạn đã xem xét thật kỹ lưỡng. Đôi khi, những ý tưởng xa vời lúc đầu lại mở ra một lối nghĩ mới.
James Beeland Rogers, Jr.
Jim Rojers luôn nằm trong số những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới. Danh tiếng của ông bắt đầu nổi lên vào năm 1973 khi ông cùng với một nhà đầu tư lừng lẫy khác là George Soros đồng sáng lập quỹ Quantum Fund. Trong suốt 10 năm sau đó, giá trị danh mục đầu tư của Jim Rogers đã tăng 4.200%. Rogers còn được biết tới bởi sở thích phiêu lưu. Ông đã đi vòng quanh thế giới hai lần, một lần bằng xe motor vào thập niên 1990, và tiếp đó bằng một chiếc xe Mercedex trong thời gian từ 1999-2002. Sau khi tới thăm hơn 100 quốc gia, ông bán ngôi nhà ở thành phố New York vào năm 2007 và chuyển tới châu Á, với niềm tin rằng, thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc.
Bài học: Hãy khám phá, kiểm nghiệm và trải nghiệm. Trăm nghe không bằng một thấy.
Jim Rogers chuyển tới châu Á vì ông đã tận mắt chứng kiến châu Á đang trải qua một cuộc cách mạng tài chính tương tự như những gì đã diễn ra ở Mỹ hồi đầu thế kỳ 20. Để học tập Rogers, các nhà đầu tư trên thế giới không nhất thiết phải chuyển hết tới châu Á. Bài học rút ra từ thành công của huyền thoại này là các nhà đầu tư nên tự mình xem xét mọi vấn đề. Chẳng hạn, khi đầu tư dài hạn vào một công ty nào đó, cần tìm hiểu về công ty đó kỹ càng hơn là chỉ xem những thống kê tài chính. Hãy mua hàng hóa của công ty đó hoặc thử sử dụng dịch vụ của công ty đó. Hãy tới tận cửa hàng của công ty để xem xét, nói chuyện với nhân viên của công ty. Một doanh nghiệp tuyệt vời trên giấy có thể lại “không ra gì” trên thực tế.
Lee Ainslie
Ainslie là một “ngôi sao” trong cộng đồng quỹ đầu cơ. Ông là người sáng lập quỹ Maverick Capital và hiện đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 11 tỷ USD. Là một người chủ yếu giao dịch cổ phiếu, Ainslee tin rằng, việc tạo ra lợi nhuận và bảo toàn vốn là một quy trình chủ động chứ không phải là bị động. Phương châm đầu tư này của ông được thể hiện rõ nhất vào năm 2003 khi Maverick mua một lượng cổ phiếu lớn của công ty có tên Cogzinant với giá chưa đầy 5 USD/cổ phiếu. Ainslee giữ số cổ phiếu này cho tới tháng 7/2007. Nói cách khác, trong suốt thời gian 4 năm đó, ông luôn cảm thấy rót vốn vào Cogzinant là lựa chọn tốt nhất. Khi quỹ Maverick bán lại số cổ phiếu này, họ lãi gấp 8 lần, với số lãi lên tới nhiều trăm triệu USD.
Bài học: Hãy chăm sóc khoản đầu tư của bạn mỗi ngày như thể đó là ngày đầu tiên.
Ainslee thành công vì ông rà soát các ý tưởng đầu tư của mình mỗi ngày và tự hỏi bản thân xem liệu các khoản đầu tư đó có còn hợp lý. Trừ phi câu trả lời là “có”, ông sẽ thực hiện điều chỉnh. Các nhà đầu tư khác cũng có thể làm vậy, cho dù trên quy mô nhỏ hơn. Sau khi đã rót vốn vào đâu đó, đừng để danh mục của bạn cho bụi phủ. Hãy thường xuyên xem xét các khoản đầu tư để xác định xem niềm tin khi bạn rót vốn có còn xác thực.
Renee Haugerud
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng lâm nghiệp, Haugerud thể hiện niềm đam mê với các loại hàng hóa cơ bản bằng cách trở thành một nhà giao dịch hàng hóa cơ bản sáng giá tại hãng Cargill. Sinh ra ở vùng Midwest, một khu vực nông nghiệp lớn của nước Mỹ, Haugerud hiểu rõ về mùa màng của các mặt hàng như ngô, lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác. Bởi thế, bà có khả năng ít ai bì kịp trong việc đánh giá chu kỳ của các hàng hóa cơ bản. Hiện nay, Haugerud đang vận hành Galtere, một quỹ đầu cơ có trụ sở ở New York, quản lý tài sản nhiều tỷ USD.
Bài học: Hãy mua thứ gì mà bạn hiểu rõ.
Haugerud thành công vì bà làm việc trong đúng lĩnh vực mà bà có hiểu biết hơn người. Ai cũng có thể học cách giao dịch hàng hóa cơ bản, nhưng Haugerud còn hiểu về hàng hóa cơ bản cặn kẽ, vì bà là con gái của một nông dân. Ai cũng có một thế mạnh riêng nào đó và hãy sử dụng lợi thế của mình. Nếu bạn ham thích xe hơn, tại sao không phân bổ một phần vốn cho cổ phiếu ôtô. Nếu bạn là một “con nghiện” thời trang, tại sao không mua cổ phiếu của các hãng may mặc hoặc bán lẻ quần áo.
R. Donahue Peebles
Peebles là một chủ đầu tư bất động sản phất lên nhờ các dự án cải tạo một số khu vực ở Miami và thủ đô Washington của Mỹ. Khi còn nhỏ, Peebles đã đặt mục tiêu trở thành triệu phú khi 30 tuổi, và ông đã đạt mục tiêu này sớm hơn dự kiến. Là một người có đầu óc chính trị từ khi còn niên thiếu, năm 16 tuổi, Peeble đã trở thành một người giúp việc trong Quốc hội, sau đó là thực tập sinh và rồi nhân viên trợ lý. Trong thời gian làm việc ở đồi Capitol, Peebles học được tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân trong thương thảo làm ăn. Và khi ông bắt đầu bán bất động sản vào năm 1979, Peebles đã vận dụng những gì học được ở đồi Capitol vào lĩnh vực kinh doanh.
Bài học: Giữ tính nhân bản trong đầu tư.
Peebles thành công vì ông hiểu rằng, cho dù các con số và các hợp đồng dù quan trọng tới đâu thì mọi giao dịch đều bắt đầu với con người. Bài học từ Peebles rất đơn giản. Trong kỷ nguyên của thư điện tử, Internet và giao dịch trực tuyến, rất dễ để tránh những tương tác cá nhân. Tuy nhiên, đôi khi, một cuộc đối thoại theo kiểu truyền thông giữa hai bên lại có giá trị hơn tất cả những cách liên lạc trên cộng lại. Không chỉ giao tiếp giữa con người với con người cho phép bạn xây dựng một mạng lưới các mối liên lạc, mà giọng điệu trong cuộc đối thoại cũng có thể giúp bạn đi tới những quyết định chính xác.
(VnEconomy)