Doanh thu, lợi nhuận của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện không phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp, mà phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài - những yếu tố họ không thể kiểm soát và cũng không có điều kiện kiểm soát như tỉ giá, giá bán điện cho tập đoàn Điện lực (EVN), giá than, giá dầu và nhất là thời tiết mưa hay khô hạn.
Năm 2014 không nghi ngờ là thời điểm “thắng lớn” khi lợi nhuận của hầu hết các công ty điện đều tăng vọt. Tuy nhiên, những tháng qua sự thuận lợi đã không san sẻ đều cho mọi công ty. Có doanh nghiệp tiếp tục trên đường đua, có đơn vị tụt lại phía sau với sự phân hóa ngày càng rõ nét.
“Cây gậy và củ cà rốt” của tỉ giá
Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2-UpCom) hẳn là doanh nghiệp “náo nhiệt” nhất trên sàn khi báo lãi sau thuế quí 1-2015 tới 503 tỉ đồng, tăng đột biến so với cùng kỳ sau khi đã lãi cũng đột biến năm ngoái. Phần lớn lợi nhuận ba tháng đầu năm của NT2 đến từ chênh lệch tỉ giá 314 tỉ đồng, từ thay đổi thời gian khấu hao và từ khoản lợi nhuận hồi tố những năm trước sau khi ký hợp đồng giá bán điện chính thức với EVN.
“Củ cà rốt” tỉ giá thật hấp dẫn đối với NT2 khi cuối năm 2014 doanh nghiệp này có dư nợ gốc khoản vay 146 triệu USD và 154 triệu euro. Nhưng “củ cà rốt” cũng có thể nhanh chóng chuyển thành “cây gậy”. Bằng chứng là tỉ giá hối đoái tiền đồng - USD vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%. Sự điều chỉnh sẽ buộc NT2 phải trích lập dự phòng thêm hơn 30 tỉ đồng cho khoản vay USD kể từ quí 2 trở đi.
Trong khi đó đồng euro đã bất ngờ lên giá trở lại. Ngày 31-3-2015 một euro ngang bằng 23.290 đồng, đến ngày 11-5 nó đã ở mức 24.393 đồng, tức tăng 1.103 đồng/euro. Tính đến thời điểm trên và ở tỉ giá đó NT2 sẽ phải trích lập dự phòng thêm 170 tỉ đồng cho khoản vay euro. Tổng cộng cả vay euro và USD, công ty có thể phải trích lập dự phòng 200 tỉ đồng, đồng nghĩa lợi nhuận sẽ biến động mạnh.
“Cây gậy” tỉ giá không chỉ ra tay với NT2! Lợi nhuận ròng quí 1 vừa qua của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) tụt xuống 51 tỉ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ chủ yếu do lỗ chênh lệch tỉ giá 108 tỉ đồng bằng dư nợ đồng yen Nhật.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP-Hose) bất ngờ lỗ 123 tỉ đồng do đánh giá lại chênh lệch tỉ giá vốn vay có gốc ngoại tệ cuối quí theo quy định của Thông tư 200 ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính. BTP có khoản nợ gốc bằng đồng won Hàn Quốc 32,5 triệu với tỉ giá khi vay là 21,61 đồng/won. Đến ngày cuối cùng của tháng 3-2015, tỉ giá giữa hai đồng tiền này còn 17,75 đồng/won.
Những “tay đua” còn lại
Trong số các “ông lớn” của ngành điện, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH-Hose) đang đặt cược vào dự án Thượng Kon Tum với giá trị đầu tư được điều chỉnh lên 7.100 tỉ đồng. Chi phí ban đầu của dự án được thiết kế năm 2009 khi tỉ giá có 16.000 đồng/USD, nay hơn 21.700 đồng/USD. Khoảng 70% vốn đầu tư đi vay, trong đó VSH đã ký hợp đồng vay 27 triệu USD và 3 triệu euro từ một ngân hàng Áo. Phần còn lại dự kiến vay của Vietcombank, BIDV, ACB và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Không biết có phải do quy mô dự án quá lớn với đường hầm dẫn nước dài nhất trong tất cả các dự án thủy điện ở Việt Nam cho đến nay, mà đầu tháng 5 rồi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đăng ký chào bán cạnh tranh hết 49,5 triệu cổ phiếu VSH đang nắm giữ, chiếm tỉ lệ 24% vốn điều lệ với giá khởi điểm 18.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn mấy chục phần trăm so với thị giá VSH trên sàn.
Ẩn số thứ hai không thể bỏ qua là Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam (SHP-Hose). SHP đã có một năm kinh doanh ấn tượng với lãi sau thuế năm 2014 đạt 220 tỉ đồng. Sang quí 1-2015, công ty lỗ 22,7 tỉ đồng do hạch toán khoản lợi nhuận âm của Nhà máy Điện Đambri. Năm nay là năm đầu tiên Nhà máy Đambri tham gia thị trường phát điện cạnh tranh và làm sao để nhà máy kinh doanh hiệu quả là vấn đề mà SHP phải đối mặt.
Các “tay đua” còn lại đều đang thể hiện sự tăng tốc lợi nhuận. Thị giá cổ phiếu Thủy điện miền Trung (CHP-Hnx) liên tục leo dốc bất chấp sự thăng trầm của thị trường nhờ lợi nhuận sau thuế quí 1 tăng vọt gần 79 tỉ đồng, chiếm ngôi nhì bảng ngành điện.
Có chiến lược chào bán giá phù hợp khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, Thủy điện Thác Bà (TBC-Hose) lãi ròng 36 tỉ đồng ba tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ. Thủy điện Thác Mơ (TMP-Hose); Thủy điện Cần Đơn (SJD-Hose) đều lãi cao hơn cùng kỳ năm trước. Thời tiết thuận lợi, nước về nhiều khiến sản lượng điện của SJD nhảy bậc thang.
Sau thời gian dài khó khăn do thắt chặt tiền tệ đẩy chi phí tài chính lên đỉnh, các công ty điện đang trong những ngày “dễ chịu” khi chi phí lãi vay hàng quí đã ổn định. Tuy vậy, với đặc thù vay nợ cao so với vốn chủ sở hữu, hàng năm các nhà máy phải trả lãi không ít. Chưa kể thời gian khấu hao tương đối dài và định mức khấu hao cao.
Gần đây, một số nhà máy nhiệt điện cho biết họ phải chịu giá than mua từ tập đoàn Than - Khoáng sản cao hơn giá thế giới. Chẳng hạn với PPC giá than từ đầu năm tăng 12% trong khi giá bán điện thành phẩm bình quân chỉ tăng 6% so với cùng kỳ, mà than chiếm 70% chi phí sản xuất của công ty.