Nhìn bề ngoài, bà Minh Hoa trẻ trung hơn nhiều so với tuổi. Ai từng tiếp xúc với người phụ nữ này cũng đều ấn tượng bởi phong cách giản dị và thân thiện của một người được xếp hạng triệu phú đô la tại Việt Nam.
Đến chỗ hẹn hơi trễ, bà Minh Hoa cho biết vừa mới chuyển từ biệt thự ở đường Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội) sang một căn hộ ở Royal City để khỏi phải tốn nhiều thời gian dọn dẹp.
“Dưới kia rộng quá, chỉ riêng việc quét dọn và di chuyển các chậu cây cũng đủ mệt phờ nên tôi cho thuê, lên đây ở khỏe hơn”.
Là vợ của lãnh đạo cấp cao tại một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam, bản thân đã là triệu phú dollar từ nhiều năm trước nhưng nhà bà Minh Hoa không có người giúp việc. Bà chủ này kiêm luôn ô sin, tự tay làm tất cả việc nhà.
Mỗi sáng, bà đều đặn dậy sớm, làm bữa sáng cho chồng và chuẩn bị 2 phần cơm hộp cho bữa trưa (một cho chồng, một cho mình), đưa chồng đi làm rồi lên sàn chứng khoán chờ đến giờ giao dịch. Bà tâm sự: “Ăn ở ngoài sợ lắm, mình chuẩn bị ở nhà, ăn an tâm hơn. Trừ khi phải đi tiếp khách, còn không thì ông ấy (chồng) luôn ăn cơm trưa do tôi chuẩn bị”.
Từ một giáo viên thời bao cấp trở thành triệu phú
Bà Minh Hoa đầu tư chứng khoán từ năm 2004, tức đến nay đã 12 năm có lẻ. Nhưng con đường trở thành triệu phú của bà không đến từ chứng khoán. Xuất thân trong một gia đình mà bố mẹ đều là kỹ sư, bà Minh Hoa được định hướng trở thành một cô giáo. Giáo viên thời bao cấp ai cũng nghèo. Với mức lương 350.000 đồng/ tháng, nỗi lo lắng lớn nhất của bà là tương lai của các con.
Dạy học được 15 năm, đến năm 1994, sau một lần thử kinh doanh xe máy và may mắn có lãi tới 60 triệu đồng, bà Minh Hoa quyết định nghỉ dạy học để đi buôn.
“60 triệu đồng bằng số tiền lương mà mình nhận được trong 20 năm đi dạy. Vậy coi như mình đã dạy học 35 năm và nghỉ hưu, giờ đi kinh doanh cũng được.” – Bà chia sẻ.
Dù thuở đó, những người làm kinh doanh chưa được coi trọng mà đều bị gọi là “con buôn” nhưng bà tâm niệm làm một con buôn có chữ tín.
Gặp thời, bà Minh Hoa trở thành “tay to” trong ngành buôn xe máy. Rồi cũng như những người giàu có khác, sau xe máy, điện lạnh, bà kinh doanh bất động sản.
Khoản đầu tư chứng khoán đầu tiên của bà Minh Hoa mang tên VF1, chỉ đơn giản là vì một người bạn của chồng bà đề nghị. Khi đó, Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam chào bán lần đầu ra công chúng để gọi vốn cho VF1, do loại hình công ty quản lý quỹ còn quá mới, không có mấy người mặn mà góp vốn. Khoản đầu tư đầu tiên ấy bị bà hờ hững cho đến khi bỗng nhiên, công ty quản lý thông báo số vốn của bà đã tăng gấp 3 lần vào đầu năm 2006.
Vốn là người nhạy bén, bà không muốn bỏ qua một kênh kiếm tiền siêu lợi nhuận như vậy. Mò mẫm tìm hiểu, mua bán, học hỏi, từ một người “hoa mắt” khi nhìn thấy bảng điện tử xanh đỏ, bà trở thành một trong những nhà đầu tư VIP nhất Hà Nội.
Đang chuyện trò thì chuông điện thoại reo, bà rút chiếc Nokia từ thời “ơ kìa” ra nghe. Một người bạn xin ý kiến về cổ phiếu SHB. Sau vài lời khuyến nghị ngắn gọn và sắc sảo như một chuyên gia, bà tỏ vẻ ngạc nhiên khi được hỏi: Tại sao thời buổi này mà còn dùng chiếc điện thoại “huyền thoại” như vậy?
“Mình không có nhu cầu gì ngoài nghe gọi, dùng cái điện thoại này là quá đủ.”
Tuy nhiên, để liên lạc với con gái đang làm việc tại Mỹ, bà cũng dùng một chiếc smartphone bình dân được chồng tặng sau một buổi đấu giá làm từ thiện.
“Tôi không nghĩ mình là tay to”
Nếu nói về những mã cổ phiếu thành công nhất, đem lại khoản lợi nhuận lớn nhất cho nữ đại gia này thì khó mà nhớ hết bởi trong hơn chục năm đầu tư, bà đã chứng kiến không ít lần tài khoản tăng hàng chục lần. Ngẫm nghĩ một chút, bà nhắc đến BMC, mua giá 54.000 đồng/cp và bán khi cổ phiếu lên sát đỉnh lịch sử 876.000 đồng. Bà cũng từng chốt lời ITA ở giá 72.000 đồng, hay STB ở giá 176.000 đồng.
“Chẳng bao giờ những cổ phiếu này có giá như vậy nữa” – Bà buông một tiếng cười.
Tuy nhiên, đầu tư thì không thể thiếu các khoản thua đau. Gần đây nhất, bà Minh Hoa cho biết mình đã mất hơn 20 tỉ đồng sau “Thông tư 36”. Dù là triệu phú hay một nhà đầu tư nhỏ, cảm giác mất tiền luôn là chua xót! Nhắc lại, bà vẫn thấy “hậm hực” vì đã dự đoán khi Thông tư 36 được công bố, thị trường không tránh khỏi một cơn sụt giảm kinh khủng, thế nhưng vì nghe theo nhiều nguồn tham khảo, bà đã không bán cổ phiếu trước khi trận đại hồng thủy đó ào đến.
“Muốn đầu tư thành công thì phải chịu khó đọc, tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan đến doanh nghiệp mà mình có ý định đầu tư và tự mình quyết định.” – Bà Minh Hoa kết luận.
Sau nhiều năm bám sàn, bà Minh Hoa cho rằng tố chất quan trọng nhất của người đầu tư chứng khoán chính là sự chịu khó và quyết liệt. Tính chung lại, bà đã thắng nhiều hơn thua, phần nào nhờ những tính cách đã được rèn luyện trong sự nghiệp đi buôn trước đó.
“Buôn chứng khoán hay buôn gì đi chăng nữa thì cũng phải chăm chỉ và quyết đoán. Chăm chỉ học hỏi, tìm kiếm cơ hội và quyết đoán khi đưa ra lựa chọn. Khi cảm thấy dấu hiệu giá cổ phiếu mình sẽ tụt dốc thì phải bán thật mạnh tay” – Bà Hoa nhấn mạnh.
Bà Hoa được các môi giới VIP gọi là “tay to” khi một lệnh mua/bán của bà có thể ảnh hưởng lớn đến các cổ phiếu bluechips và trong một vài trường hợp, làm thay đổi cả cục diện của chỉ số. Khi chúng tôi hỏi cảm giác là “tay to” như thế nào, bà Minh Hoa nói rất đơn giản:
“Tôi không biết và cũng không nghĩ mình là tay to. Mọi người thường nói tay to nọ, cá mập kia nhưng tôi cho rằng thị trường lớn như vậy, nhiều người tham gia như vậy, sao nói chỉ một vài tài khoản mà làm biến đổi được.”
Cũng thừa nhận một số lần thấy việc mua, bán của mình có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán chung nhưng bà vẫn khẳng định dù đầu tư lớn hay nhỏ thì câu chuyện cuối cùng vẫn phụ thuộc vào việc lựa chọn cổ phiếu như thế nào.
Với kinh nghiệm của một người từng kinh doanh nhiều lĩnh vực, bà Minh Hoa đặt ra tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn cổ phiếu là thanh khoản. Tiêu chí thứ 2 là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh những sản phẩm thiết yếu đối với con người và tiêu chí thứ 3 là uy tín của lãnh đạo. Trường hợp doanh nghiệp thua lỗ nhưng biết nguyên nhân và có khả năng hồi phục cũng là một lựa chọn ưa thích của bà.
Chào tạm biệt khi trời đã nhá nhem tối, “nhà đầu tư lớn” cho biết bà còn chạy qua nhà con gái cũng ở Royal City để chơi với 2 đứa cháu nhỏ. Chứng khoán là món ăn hằng ngày, nhưng đối với “tay to” này, chăm sóc gia đình mới là công việc mà bà quan tâm nhất.