Tuy vậy, điểm tích cực là lực cầu được thể hiện rất tốt, giúp thanh khoản thị trường tăng cao.
Trong phiên giao dịch sáng, sau ít phút bay cao đầu phiên, áp lực chốt lời đã nhanh chóng xuất hiện, kéo VN-Index trở lại mặt đất, chỉ số không giảm điểm là nhờ vẫn còn những trụ đỡ là nhóm cổ phiếu dầu khí, thép hay cổ phiếu VNM.
Việc chốt lời đã được thực hiện quyết liệt hơn, ở trên diện rộng hơn trong phiên giao dịch chiều, buộc VN-Index quay đầu giảm điểm, có lúc chỉ số mất gần 8 điểm. Độ rộng thị trường diễn biến tiêu cực và chỉ thu hẹp bớt phần nào ở những thời điểm cuối phiên, thời điểm mà lực cầu hoạt động tích cực nhất.
Sự tích cực của cầu mua không chỉ giúp thị trường thu hẹp bớt đà giảm, mà còn khiến thanh khoản gia tăng mạnh, khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt trên 3.350 tỉ đồng.
VN-Index giảm 4,53 điểm trong phiên cuối tuần
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 12-8, với 145 mã giảm và 82 mã tăng, VN-Index giảm 4,53 điểm (-0,69%) xuống 655,71 điểm. VN30-Index giảm 3,99 điểm (-0,62%) xuống 641,11 điểm với 20 mã giảm và 5 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 124,4 triệu đơn vị, giá trị 2.602 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,13 triệu đơn vị, giá trị 181,19 tỉ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 1,165 triệu cổ phiếu GTN, giá trị 24,25 tỉ đồng và 1,494 triệu cổ phiếu PDR, giá trị 20,17 tỉ đồng.
Tương tự, với 123 mã giảm và 81 mã tăng, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,14%) xuống 83,13 điểm. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,34%) lên 152,44 điểm với 11 mã tăng và 13 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,15 triệu đơn vị, giá trị 750,95 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 12,85 triệu đơn vị, giá trị 237,05 tỉ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận 11,247 triệu cổ phiếu CHP, giá trị xấp xỉ 224 tỉ đồng.
Áp lực bán khiến các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thép, bất động sản… đều giảm điểm tương đối mạnh.
VCB và BVH cùng giảm 1.500 đồng. SSI giảm 200 đồng về 21.800 đồng/CP và khớp 1 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, VNM đã quay đầu giảm 1.000 đồng xuống 168.000 đồng/CP, mức thấp nhất phiên. Có thể thấy, biên độ dao động của VMN trong phiên hôm nay là khá lớn, bởi có thời điểm mã này đã tăng 6.000 đồng. Giao dịch cũng tăng đột biến với 3,17 triệu đơn vị được khớp, cho nên đóng góp đáng kể vào thanh thanh khoản của thị trường. Trong đó, khối ngoại giao dịch mạnh khi bán ra 1,49 triệu đơn vị và mua vào 1,38 triệu đơn vị.
Bị bán mạnh, nhóm cổ phiếu thép suy yếu rõ rệt, song thanh khoản đều ở mức cao.
HSG giảm 800 đồng về 40.900 đồng/CP và khớp 2,7 triệu đơn vị. HPG giảm 200 đồng về 45.800 đồng/CP và khớp 4,56 triệu đơn vị.
Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu dẫn dắt giảm điểm, nhóm cổ phiếu dầu khí đã đi ngược thị trường và là bệ đỡ chính cho các chỉ số. Nguyên nhân giúp các cổ phiếu dầu khí có phiên giao dịch tích cực đến từ việc giá dầu đang tăng trở lại sau kỳ vọng về nguồn cung sẽ được hạn chế.
Các mã cổ phiếu chủ chốt như GAS, PVD, PVT đều tăng tăng điểm. Trong đó, PVD tăng 700 đồng lên 27.900 đồng/CP và khớp 1,7 triệu đơn vị. PXS tăng 200 đồng lên 13.300 đồng/CP, cũng khớp được hơn 1,7 triệu đơn vị.
Về thanh khoản, ITA lại gây chú ý nhờ giao dịch bùng nổ trong phiên chiều, với hơn 10 triệu đơn vị được sang tên, nâng tổng khớp cả phiên lên 15,47 triệu đơn vị, tăng nhẹ 1 bước giá lên 5.300 đồng/CP. Trong khi đó, người anh em KBC vẫn giảm 300 đồng về 17.600 đồng/CP và khớp 4,4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã như HNG, KSA, JVC cũng đi ngược thị trường với sắc tím đậm, thanh khoản cao. JVC kể từ sau khi công bố lỗ khủng và giảm sàn 3 phiên liên tiếp, đã có phiên tăng trần thứ 2 liên tục lên 2.800 đồng/CP và khớp 1,32 triệu đơn vị.
Ngược lại, các mã TTF, DRH vẫn trượt dài trong sắc xanh mắt mèo mà chưa thấy điểm dừng. DRH là 5 phiên liên tục, còn với TTF là phiên thứ 19. Cổ phiếu TTF đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 9/8, nên chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch bằng hình thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trên sàn HNX, nhóm dầu khí với “đầu tàu” PVS duy trì vững đà tăng. PVS tăng 700 đồng lên 20.900 đồng/CP và khớp 2,6 triệu đơn vị.
Tương tự là HUT, với mức tăng 300 đồng lên 11.500 đồng/CP và khớp 3,2 triệu đơn vị.
SHB và HKB đều khớp trên 3 triệu đơn vị, song không mã nào tăng điểm.
VCG chỉ còn tăng nhẹ 1 bước giá lên 15.000 đồng/CP, song vươn lên dẫn đầu than khoản trên sàn HNX với 4,02 triệu đơn vị được khớp.
JVC vào diện kiểm soát đặc biệt
Ngày 12-8, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) có công văn quyết định đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC – HOSE) vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 15-8.
Theo HOSE, nguyên nhân JVC bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt do Công ty thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo (từ ngày 28-12-2015) thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt.
Đồng thời lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015 là âm 1.335,78 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-03-2016 ghi nhận con số âm 990,08 tỉ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015.
Như vậy, cổ phiếu JVC chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.