Trong 6 tháng qua, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận là một trong những cổ phiếu “bất chấp thị trường”, bền bỉ đi lên từ mức giá khoảng 40.000 đồng lên 64.500 đồng vào ngày 1-6, tương ứng tăng 62,5%.
Đáng nói, đây là mức giá cao nhất của PNJ kể từ khi niêm yết, đưa vốn hóa của PNJ lên hơn 6.300 tỉ đồng. Đồng thời 6 tháng qua cũng là giai đoạn tăng trưởng nhanh, mạnh nhất của cổ phiếu này.
Biến động giá cổ phiếu PNJ trong 1 năm qua. Cổ phiếu này đang ở mức cao nhất trong lịch sử
Đầu tư vào PNJ, các quỹ ngoại thắng lớn
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành kinh doanh vàng bạc, trang sức. Được đánh giá cao bởi các chỉ số tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định và Ban lãnh đạo giàu kinh nghiệm, PNJ được rất nhiều quỹ ngoại yêu thích.
Cú sốc năm 2015 với khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á và Công ty BĐS Đông Á đã khiến lợi nhuận của PNJ sụt giảm mạnh nhưng đến quý I/2016, PNJ công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu tăng 9% và lợi nhuận tăng 8% so với cùng kỳ.
Kết quả này là nhờ mở thêm cửa hàng mới và tăng trưởng doanh thu từ cửa hàng cũ. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh nhờ tỷ trọng vàng PNJ (sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao) trong tổng doanh thu tăng. Quan trọng nhất, đây là quý cuối cùng công ty trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ngân hàng Đông Á và chỉ còn phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Đông Á Land.
Có lẽ đó là những yếu tố hỗ trợ cho quá trình tăng giá của PNJ. Với mức tăng trưởng nói trên, các quỹ ngoại nắm giữ PNJ đã thắng lớn. Các quỹ ngoại là cổ đông lớn của PNJ hiện tại là Vietnam Azalea Fund Limited thuộc Mekong Capital, LGM Investments Ltd và VinaCapital, Dragon Capital.
Nhưng không còn cơ hội cho NĐT nước ngoài khác
Nút thắt của PNJ là room cho khối ngoại đã đầy trong một thời gian khá dài và như nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác, công ty chưa có kế hoạch nới room. Chính vì thế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có cơ hội nhảy vào ông lớn ngành vàng bạc trang sức này nữa nếu như các cổ đông ngoại hiện tại không bán ra.
Cổ phiếu PNJ đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết nhưng đây có phải là mức giá thỏa mãn cổ đông ngoại hiện tại và khiến họ đi đến quyết định chốt lời hay không thì chưa chắc.
Theo đánh giá của CTCK HSC, khả năng tăng trưởng ổn định trong vài năm tới là khá đảm bảo khi PNJ sở hữu khoảng 21% thị phần bán lẻ và bán buôn trang sức có thương hiệu – phân khúc chiếm 20% tổng thị trường trang sức tại Việt Nam. Với thực tế thị trường chung tăng trưởng khoảng 6%, thị phần của PNJ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng với lợi thế thương hiệu áp đảo và tốc độ mở rộng chuỗi bán lẻ.
Tuy nhiên, HSC dự báo tăng trưởng cho chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ chậm lại khi tăng trưởng tương lai của mảng kinh doanh này phụ thuộc nhiều hơn vào các cửa hàng mới mở. Không có kế hoạch nới room cũng là một điều đáng lo ngại đối với PNJ, vì cùng với đó, công ty không có kế hoạch tiếp cận vốn mới.