Sửa đổi chưa có tiền lệ của chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nhà đầu tư trong nước tích cực mua vào với hy vọng đón sóng từ khối ngoại.
Ngay từ khi những quy định mới được đề xuất vào cuối tháng trước, VN-Index đã tăng 9% và HNX-Index tăng 3,6%. Trong thời gian đó, chỉ số Shanghai Composite, Trung Quốc và chứng khoán Philippines lần lượt giảm 5,3% và 1,6%. Chứng khoán Trung Quốc sau một năm tăng cao bỗng lao dốc khiến tâm lý bất an bao trùm lên các nhà đầu tư toàn cầu.
Hy vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ rót vốn mạnh vào chứng khoán, khiến thị trường giao dịch khởi sắc trong thời gian gần đây. Ảnh Siemens
Chính phủ Việt Nam có thông lệ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài ra vào thị trường chứng khoán. Vì thế mà quy định nới room ngoại có hiệu lực từ tháng 9 đang làm dấy lên cơn sốt mua vào của giới đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Thay đổi này đang mang lại cho Nguyễn Hồng Khanh, nhân viên văn phòng ở TP HCM khoản lãi ròng bằng hai phần ba lương cả năm nếu anh quyết định bán đi cổ phiếu lúc này.
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ như Khanh đang nắm giữ khoảng 90% giá trị trên thị trường chứng khoán. Rất nhiều trong số đó kỳ vọng khi room ngoại được nới lỏng, nhà đầu tư sẽ đổ xô vào chứng khoán, những quỹ khát lợi nhuận mong chờ có được một phần miếng bánh trong thị trường nóng nhất thế giới.
Ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh không thuộc lĩnh vực bị giới hạn và điều lệ công ty không cho phép, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong doanh nghiệp địa phương có thể lên tới 100%. Trước đó, thị trường chỉ mới dự đoán mức 60%. Chính phủ chưa có quy định cụ thể về những lĩnh vực hay công ty sẽ được dỡ bỏ giới hạn, ngoại trừ khối ngân hàng sẽ được giới hạn dưới 30%.
Khanh, 39 tuổi, hiện sở hữu số cổ phiếu trị giá khoảng một tỷ đồng và sẽ tiếp tục mua vào đến khi mức đầu tư chiếm 80% thu nhập của anh. Một phần lợi nhuận kiếm được từ chứng khoán, anh dự định sẽ đóng tiền học cho con gái 3 tuổi học mầm non vào tháng 9.
Khối ngoại cũng đang dành nhiều sự quan tâm hơn tới Việt Nam. Trong 6 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 233 triệu USD giá trị cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với tổng 128 triệu USD năm ngoái.
Nguồn vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Nguồn: WSJ
Trong tuần này, theo số liệu thống kê trên sàn HOSE, cổ phiếu 30 công ty, chiếm một phần tư tổng giá trị vốn hóa thị trường 50 tỷ USD, đang được giao dịch ở mức tiệm cận hoặc chạm ngưỡng giới hạn sở hữu nước ngoài.
“Nếu chính phủ thông qua kế hoạch nới room ngoại, thị trường chứng khoán trong nước sẽ thay đổi hoàn toàn”, Louis Nguyễn, Giám đốc điều hành Saigon Assest Management nhận định. Vị này cũng tin tưởng quyết định này có khả năng mở cửa cho hàng tỷ USD đầu tư từ khối ngoại rót vào thị trường Việt Nam.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có giá trị hấp dẫn và giàu tiềm năng hút vốn nước ngoài, song giá trị vốn hóa quá nhỏ cho những quỹ đầu tư lớn, do đó những mã blue-chip vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Chính phủ Việt Nam có kế hoạch cổ phần hóa khoảng 289 doanh nghiệp trong năm nay trong nỗ lực cải thiện năng lực kinh doanh và thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy vậy, quá trình này vẫn diễn ra khá chậm. Tính đến ngày 23/6, 61 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa hoàn thành một phần năm kế hoạch 2015.
Nhà đầu tư ngoại hiện vẫn vấp phải nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Để có thể giao dịch, họ phải hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư trong nước, có thể kéo dài vài tháng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư phải dựa vào những quỹ đầu tư sẵn có hoặc phải tiếp cận thông qua những quỹ ETF.
Bất chấp những thách thức hiện tại, nhà đầu tư trong nước vẫn rất tin tưởng vào mục tiêu của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Đây mới chỉ là điểm bắt đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam”, Khanh tin tưởng. Anh cũng có kế hoạch vận động bạn và người thân rót tiền vào thị trường chứng khoán. “Đây là một kênh đầu tư tốt”, anh nhận định.