Nhà đầu tư dường như vẫn còn ám ảnh đợt lao dốc trước đây, khi giá cao su giảm mạnh.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) hiện tại vẫn được đánh giá là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ngành. Theo ông Lê Phi Hùng, Tổng giám đốc PHR, sản lượng tiêu thụ của Công ty đang rất ổn định và diễn biến theo chiều hướng tích cực. PHR đã hoàn thành và vượt gần 20% so với kế hoạch sản xuất kinh doanh, tính đến hết quý III/2016, đạt 150,6 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Với chiều hướng này, nhiều khả năng PHR sẽ vượt xa so với kế hoạch cả năm 2016.
CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) cũng là DN vượt kế hoạch kinh doanh trong 3 quý đầu năm khi doanh thu tiêu thụ 9 tháng năm 2016 đạt 407 tỉ đồng, tương đương 75% kế hoạch năm và lợi nhuận đạt hơn 96 tỉ đồng, vượt 38% chỉ tiêu đề ra. Điểm nhấn đối với hoạt động của DPR là Dự án cao su Kratie, do một công ty con của DPR đầu tư phát triển tại Campuchia, với diện tích vườn cây hiện nay khoảng 9.000 ha, trong đó diện tích cao su khoảng 6.300 ha.
Trong năm 2016, có khoảng 50% diện tích cao su tại Dự án cao su Kratie đã có thể đưa vào khai thác (gần 3.000 ha) và dự kiến sang năm 2017, DPR sẽ tiếp tục khai thác vườn cây mới, góp phần gia tăng lợi nhuận.
Được hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá cao su trong thời gian qua, riêng trong quý III/2016, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) ghi nhận 14,7 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2016 của TRC lên 39,1 tỉ đồng. Dù chưa đưa ra con số cụ thể nhưng dự báo lợi nhuận quý IV/2016 sẽ tăng trưởng mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo phân tích của CTCK BIDV (BSC) đưa ra mức dự phóng lợi nhuận cả năm 2016 của TRC đạt trên 74 tỉ đồng, bởi Công ty đang có lợi thế về thị trường đầu ra khá bền vững, ổn định và không phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất lốp xe của Trung Quốc. Chưa kể, TRC đang có vị thế tốt nhờ tỉ lệ sản phẩm cao cấp lớn. Cụ thể, các sản phẩm Latex và SVR CV50, 60 có mức giá bán cao nhất trong số các sản phẩm cao su trên thị trường Việt Nam.
Cùng với DPR, CTCP Cao su Tây Ninh đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi 7,5% đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh mủ cao su và đây là mức thuế thấp nhất so với các công ty niêm yết cùng ngành.
Trong khi đó, dù khẳng định mức giá cao su tự nhiên đang có xu hướng tăng và hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây, ông Bành Mạnh Đức, phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cho rằng, Công ty không được hưởng lợi nhiều.
Nguyên nhân là HRC đã thanh lý khá nhiều diện tích trồng cao su trong năm ngoái và một số diện tích mới đưa vào khai thác. Do đó, sản lượng khai thác trong năm 2016 nhìn chung sẽ giảm nhiều so với năm ngoái. 10 tháng năm 2016, HRC khai thác được 879 tấn, đạt 83,7% kế hoạch năm (1.050 tấn) và doanh thu đạt 54,3 tỉ đồng.
Ông Đức cũng cho biết lợi nhuận của HRC năm 2016 sẽ thấp hơn so với năm 2015 do sụt giảm về sản lượng. 9 tháng năm 2016, HRC chỉ đạt 7,6 tỉ đồng lợi nhuận, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm trước. Với kế hoạch lợi nhuận quý IV đạt trên 2 tỉ đồng, dự kiến cả năm, HRC đạt khoảng 10 tỉ đồng lợi nhuận, giảm mạnh so với năm 2015 (30,5 tỉ đồng).
Nhìn về diễn biến giá cao su trong thời gian tới, ông Đức cho biết, giá loại nguyên liệu này thường không theo chu kỳ, diễn biến thất thường. Tuy mức giá hiện tại khá cao, nhưng so với mức đỉnh (xấp xỉ 100 triệu đồng/tấn năm 2011) thì mới chỉ bằng 1/3. Dù vậy, giá cao su tự nhiên có mối liên hệ với diễn biến giá dầu trên thế giới, mà giá dầu đang theo xu hướng tăng nên sẽ nhận được tác động tích cực.
Sau khi tăng mạnh trong thời gian gần đây nhờ giá cao su trên thị trường thế giới hồi phục, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này đã điều chỉnh giảm trở lại. Mặc dù dự báo kết quả kinh doanh khả quan, yếu tố này vẫn chưa đủ sức đảm bảo đà tăng vững của cổ phiếu cao su, khi loại nguyên liệu này phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó đoán của giá dầu và nhiều yếu tố khác.
Nhờ diễn biến tăng của giá cao su trên thị trường thế giới, hàng loạt cổ phiếu doanh nghiệp ngành này đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, trước khi điều chỉnh trở lại.
PHR ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp (10 – 16/11), với mức giá cao nhất đạt 28.050 đồng/cổ phiếu, trước khi quay đầu giảm vào phiên 17-11, đóng cửa ở 26.500 đồng/cổ phiếu.
Sau một thời gian tăng giá nhẹ, đóng cửa phiên 10-11 ở mức 40.850 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu DPR đã quay lại giảm giá 5 phiên liên tiếp, đóng cửa ở mức 39.650 đồng/cổ phiếu ngày 17-11.
Cổ phiếu TRC ghi nhận các phiên tăng giảm xen kẽ, tuy nhiên đang có dấu hiệu đi xuống, đóng cửa phiên 17-11 ở mức 29.000 đồng/cổ phiếu so với mức cao nhất 30.450 đồng/cổ phiếu.