Chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm, giá cổ phiếu HNG đã giảm 73% khi rơi từ 29.000 đồng/CP xuống mức đáy 7.800 đồng/CP. Cổ phiếu HNG tăng trần sau thông tin thành viên HĐQT HNG và cũng là Tổng giám đốc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), ông Võ Trường Sơn đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu HNG từ ngày 24-2 đến 24-3-2016.
Thông tin chấn động hơn đối với cổ đông HNG, đó là việc có 2 tổ chức đã đứng ra mua toàn bộ 59 triệu cổ phiếu HNG (tương đương 7,69% vốn điều lệ) trong đợt phát hành riêng lẻ với giá gấp 3 thị giá hiện tại.
Ngay sau giao dịch mua 59 triệu cổ phiếu HNG, Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh và Công ty TNHH đầu tư Cao su An Thịnh đã lỗ ngay gần 1.100 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh đã mua 27,5 triệu cổ phiếu HNG (3,58%) và Công ty TNHH đầu tư Cao su An Thịnh mua 31,5 triệu cổ phiếu HNG (4,11%) với giá mua 28.000 đồng/CP, trị giá 1.652 tỉ đồng.
Với giá của HNG hiện tại, ngay sau giao dịch, hai công ty trên đã lỗ ngay gần 1.100 tỷ đồng. Giao dịch đã hoàn thành vào ngày 22-2-2016 và HNG thu ròng 1.651,9 tỉ đồng từ đợt chào bán.
Giao dịch này đặt ra một số câu hỏi xung quanh tính minh bạch của hợp đồng.
Thứ nhất, nhà đầu tư nào chịu lỗ một khoản khổng lồ ngay lập tức như thế? Tìm hiểu về Công ty Đầu tư cao su An Thịnh và Đầu tư cao su Cường Thịnh cho thấy hai DN này có cùng một địa chỉ tại lầu 14 tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, TP. HCM. Hai công ty này ra đời lần lượt ngày 11-3-2014 và 18-3-2014 và cùng hoạt động trong lĩnh vực trồng cây cao su.
Chủ sở hữu của Công ty Đầu tư cao su An Thịnh là ông Nguyễn Công Thành, hiện là chủ doanh nghiệp Nông trường cao su Phú Xuân, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Cao su Đắc Lắc.
Hai tổ chức này được công bố tên trong danh sách đăng ký mua cổ phần riêng lẻ của HNG từ 30-10-2015. Đến ngày 27-11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc chào bán riêng lẻ của HNG theo phương án chào bán đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Mặc dù vậy, HNG vẫn xin giãn thời gian kết thúc việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ từ ngày 31-12-2015 sang trước ngày 24-2-2016.
Tại sao hai tổ chức Đầu tư cao su Cường Thịnh và An Thịnh không thực hiện ngay trước thời điểm 31-12-2015, mà phải chờ đến ngày 22-2-2016 mới thực hiện?
Thứ hai, về điều khoản thi hành. Trao đổi với giám đốc phụ trách pháp chế một công ty tài chính, đối với các giao dịch lớn cỡ hàng nghìn tỷ đồng, thông thường hai bên sẽ phải có các điều khoản ràng buộc.
Ngoài cổ đông HNG, các công ty chứng khoán cho vay margin HNG cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi giá cổ phiếu “nhảy” dữ dội, mà chưa rõ hình tướng người đạo diễn phía sau.
Ví dụ, trong trường hợp công ty có các biến động lớn khiến tạm ngưng hoạt động, các ảnh hưởng bên ngoài khiến doanh thu giảm đột ngột hoặc có các thay đổi bất lợi đáng kể khiến giá cổ phiếu giảm từ 15-20% thì giao dịch có thể bị đình lại.
Trong trường hợp này, có thể bên mua sẽ bị mất cọc, nhưng trường hợp HNG giá đã giảm tới 73% mà hai tổ chức trên vẫn thực hiện giao dịch và chịu lỗ ngay gần 1.100 tỉ đồng. Sự thực này đang đặt ra một câu hỏi lớn, ai mua và vì sao mua?
Thứ ba, HNG sẽ làm gì với thặng dư vốn cổ phần khổng lồ sau đợt phát hành?
Theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, mục đích của đợt chào bán nhằm bổ sung nguồn vốn cho các dự án của HNG. Tính đến thời điểm này, cả HAG và HNG đều chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2015.
Tại thời điểm 30-9-2015, tổng nợ vay trên Báo cáo tài chính hợp nhất của HNG là 7.274 tỉ đồng. Trong khi đó, HAG thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu công ty con để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu của công ty mẹ.
Tại ngày 30-9-2015, vốn điều lệ của HNG là 7.081 tỉ đồng, thặng dư vốn cổ phần 2,55 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.400 tỉ đồng. Sau khi chào bán cổ phần riêng lẻ, HNG sẽ được hạch toán khoản thặng dư vốn cổ phần thêm 1.062 tỉ đồng. Liệu khoản thặng dư này có được dùng để chi trả cổ tức cho cổ đông của công ty mẹ HAG hay không?
Có nhiều câu hỏi cần lời giải đáp và tình hình sức khỏe của HNG sẽ được hé lộ sau khi công ty này công bố báo cáo tài chính quý IV/2015. HNG đã có 3 phiên tăng trần, nhưng điều bất ngờ là ngay sau khi thông tin chào bán được công bố, thay vì giá cổ phiếu bật tăng vì Công ty nhận được khoản tiền thặng dư lớn, thì nhà đầu tư lại chốt lời mạnh cổ phiếu.
Phiên 24-2-2016, HNG giảm sàn, đến phiên ngày 25-2, HNG giảm 5,4%, trở về với 8.800 đồng/CP. Ngoài cổ đông HNG, các công ty chứng khoán cho vay margin HNG cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi giá cổ phiếu “nhảy” dữ dội, mà chưa rõ hình tướng người đạo diễn phía sau.